Việt Nam khẳng định quan điểm, lập trường nhất quán về Biển Đông
VOV.VN - Phát biểu tại các phiên thảo luận ở WEF2015, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã nhấn mạnh vai trò và đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam trong ASEAN và khu vực.
Nhận lời mời của Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab và được sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã dẫn đầu đoàn Việt Nam dự Hội nghị Thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2015 tại Davos, Thụy Sỹ từ ngày 22 – 23/1/2015 (WEF Davos 2015). Tham gia đoàn có Bộ trưởng Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát, Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ và Lãnh đạo Bộ Kế hoạch-Đầu tư.
Với chủ đề “Bối cảnh toàn cầu mới”, Hội nghị đã diễn ra hơn 280 phiên thảo luận tập trung vào các nội dung chính: (i) Bối cảnh mới của kinh tế thế giới (triển vọng các nền kinh tế lớn, năng lượng, tài chính, công nghệ số, mô hình tăng trưởng...); (ii) Bối cảnh địa chính trị toàn cầu; (iii) Các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, môi trường, chống đói nghèo... Hội nghị đánh giá kinh tế thế giới đang có những biến chuyển sâu sắc về chính trị, kinh tế, xã hội và công nghệ. Kinh tế thế giới tuy đang trong thời kỳ phục hồi, song còn chưa bền vững và nhiều rủi ro, đặc biệt là tác động của căng thẳng địa-chính trị, giá dầu và đồng USD biến động khó lường.
Trước thềm Cộng đồng ASEAN hình thành vào cuối năm 2015, ASEAN đã thu hút nhiều quan tâm tại Hội nghị. Tại các phiên thảo luận về ASEAN, các đại biểu đều đánh giá tích cực cơ hội và tiềm năng của ASEAN sau khi hình thành một thị trường thống nhất, tự do lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, vốn và lao động có kỹ năng. Các nhà lãnh đạo các nước ASEAN khẳng định quyết tâm tiếp tục thúc đẩy hội nhập khu vực, thu hẹp khoảng cách phát triển, nâng cao sức cạnh tranh và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp quốc tế đầu tư vào ASEAN và các nước thành viên ASEAN.
Trong gần 2 ngày dự Hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã phát biểu và tham gia thảo luận tại 6 phiên họp về “Định hình nghị sự an ninh lương thực toàn cầu“, “Xác định ưu tiên cho năm 2015”, “Triển vọng địa-chính trị toàn cầu 2015”, “Chương trình nghị sự ASEAN“, tham gia thảo luận do Hội đồng kinh doanh ASEAN tổ chức và chủ trì Đối thoại với lãnh đạo các tập đoàn về kinh tế Việt Nam (BIG). Bên lề Hội nghị, Phó Thủ tướng đã gặp Phó Tổng thống Thụy Sĩ Schneider Amman, Phó Thủ tướng Thái Lan Devacula Pridiyathorn, Đại diện Thương mại Mỹ M. Froman, Giám đốc điều hành WEF Philip Roesler, Hoàng Hậu Hà Lan Maxima kiêm Đặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ về tài chính bao trùm, Công tước xứ York-Hoàng tử Andrew (Anh), Chủ tịch JETRO, một số lãnh đạo tập đoàn lớn (UPS, Heineken, Standard-Chartered, Novartis…) và trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Reuters.
Trong các hoạt động này, Phó Thủ tướng đã nêu bật sự phục hồi rất tích cực của kinh tế Việt Nam trong năm vừa qua, trọng tâm cải cách và hội nhập kinh tế trong thời gian tới; khẳng định cam kết của Chính phủ ta về cải thiện môi trường đầu tư; nhấn mạnh các cơ hội đầu tư sau khi hoàn tất đàm phán các FTA.
Tại phiên Đối thoại Cấp cao về “Định hình nghị sự an ninh lương thực toàn cầu“, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong phát triển nông nghiệp bền vững, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và góp phần đóng góp vào an ninh lương thực toàn cầu. Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cùng tham gia phần thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong triển khai sáng kiến “Tầm nhìn mới cho nông nghiệp” thông qua hình thức đối tác công-tư, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam.
Tại các phiên thảo luận về ASEAN và an ninh-chính trị, Phó Thủ tướng nhấn mạnh vai trò và đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam trong ASEAN và khu vực; khẳng định quan điểm, lập trường nhất quán của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông và nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu.
Các đối tác và lãnh đạo các tập đoàn quốc tế trong tiếp xúc với đoàn ta đều khẳng định coi trọng hợp tác với Việt Nam, đánh giá tích cực về kinh tế Việt Nam, đặt nhiều kỳ vọng vào các cơ hội đầu tư sau khi Việt Nam hoàn tất đàm phán các FTA. Một số tập đoàn thông báo kế hoạch mở rộng đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam và mong muốn Chính phủ Việt Nam tiếp tục ủng hộ, cải thiện môi trường đầu tư để các doanh nghiệp nước ngoài yên tâm làm ăn lâu dài ở Việt Nam.
Lãnh đạo một số doanh nghiệp Việt Nam là thành viên của WEF như tập đoàn FPT, VinaCapital, Vingroup… đã tích cực tham gia các hoạt động tại Hội nghị WEF Davos 2015, góp phần tích cực thể hiện quyết tâm hội nhập, vươn ra thị trường thế giới của các doanh nghiệp Việt Nam./.