Việt Nam là đối tác tin cậy với các nước Mêkông - Nhật Bản
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Việt Nam luôn là đối tác tin cậy, thành viên tích cực trong cơ chế hợp tác các nước Mêkông - Nhật Bản cũng như quan hệ hữu nghị hợp tác giữa ASEAN với Nhật Bản.
Sáng nay (7/11) tại Tokyo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự phiên họp cấp cao thứ hai tại Hội nghị cấp cao Mêkông-Nhật Bản.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Thủ tướng Lào - Campuchia - Myanmar - Thái Lan và Thủ tướng Nhật Bản ra Tuyên bố chung Tokyo về thiết lập quan hệ đối tác mới vì tương lai cùng thịnh vượng.
Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí Chương trình hành động cụ thể với hàng loạt các dự án hợp tác phát triển giữa Nhật Bản với các nước Mêkông.
Phát biểu tại cuộc họp báo sáng 7/11, Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama khẳng định sẽ tích cực thúc đẩy hợp tác với các nước Mêkông, đồng thời tuyên bố sẽ dành 500 tỷ Yên (tương đương khoảng 5,6 tỷ USD) cho các nước Mêkông trong 3 năm tới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Lãnh đạo các nước Mêkông và Nhật Bản đều bảy tỏ vui mừng trước sự phát triển mạnh mẽ, thiết thực trong quan hệ hợp tác giữa các nước Mêkông và Nhật Bản. Việt Nam và các nhà lãnh đạo các nước Mêkông đánh giá cao chính sách hữu nghị, hợp tác của Chính phủ Nhật Bản đối với các nước Mêkông cũng như kết quả phiên họp cấp cao lần thứ nhất.
Thủ tướng nhấn mạnh: Hợp tác Mêkông-Nhật Bản không chỉ đem lại lợi ích cho các bên mà còn đóng góp thiết thực thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác giữa ASEAN-Nhật Bản, đóng góp thiết thực vào hoà bình hợp tác phát triển trong khu vực. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Việt Nam luôn là đối tác tin cậy, thành viên tích cực trong cơ chế hợp tác các nước Mêkông - Nhật Bản cũng như quan hệ hữu nghị hợp tác giữa ASEAN với Nhật Bản.
Chiều nay (7/11), trước khi rời Tokyo về nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama. Hai Thủ tướng sẽ trao đổi các biện pháp cụ thể nhằm đưa quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước ngày càng thực chất và hiệu quả hơn trong thời gian tới.
** Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Thủ tướng Lào - Campuchia – Myanmar - Thái Lan và Thủ tướng Nhật Bản đã tham dự họp báo quốc tế thông báo kết quả Hội nghị Cấp cao Mêkông-Nhật Bản lần thứ nhất.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama nhấn mạnh: Nhật Bản đánh giá cao sự phát triển năng động và coi trọng quan hệ hợp tác với các quốc gia thuộc tiểu vùng sông Mêkông. Chính phủ mới của Nhật Bản cam kết tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các nước Mêkông vì sự thịnh vượng chung của mỗi bên. Thủ tướng Yukio Hatoyama khẳng định: Chính phủ Nhật Bản đã có kế hoạch dành 500 tỷ Yên cho các nước Mêkông trong 3 năm tới. Nhật Bản cũng sẵn sàng đón 30.000 thanh niên các nước Mêkông sang Nhật Bản học tập theo các chương trình đào tạo. Đây là một trong những hoạt động thiết thực nhằm mở rộng hợp tác và giao lưu giữa Nhật Bản với các nước Mêkông…
Trả lời câu hỏi của báo chí trong nước và quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa khẳng định: Lãnh đạo các nước Mêkông và Nhật Bản đều bày tỏ vui mừng trước sự phát triển mạnh mẽ và thiết thực trong quan hệ hợp tác giữa các nước Mêkông và Nhật Bản. Việt Nam và các nhà lãnh đạo các nước Mêkông đánh giá cao chính sách hữu nghị, hợp tác của Chính phủ Nhật Bản đối với các nước Mêkông cũng như kết quả hội nghị cấp cao lần thứ nhất này. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Các nhà lãnh đạo cho rằng, Hợp tác Mêkông-Nhật Bản không chỉ đem lại lợi ích cho các bên mà còn đóng góp thiết thực thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác giữa ASEAN-Nhật Bản, đóng góp thiết thực vào hoà bình hợp tác phát triển trong khu vực. Thủ tướng khẳng định: Việt Nam luôn là đối tác tin cậy, thành viên tích cực trong cơ chế hợp tác các nước Mêkông - Nhật Bản cũng như quan hệ hữu nghị hợp tác giữa ASEAN với Nhật bản.
Trong các phiên thảo luận tại Hội nghị cấp cao lần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng bày tỏ quan tâm đến thúc đẩy hợp tác giữa các nước Mêkông về bảo vệ nguồn nước sông Mêkông, đồng thời đưa ra ý kiến thành lập Trung tâm đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho tiểu vùng Mêkông. Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẵn sàng cũng cấp địa điểm để hình thành trung tâm này…
Khuôn khổ hợp tác Mêkông và Nhật Bản đưa lên cấp cao nhất thể hiện tầm quan trọng chiến lược của Tiểu vùng Mêkông và hợp tác Mêkông-Nhật Bản. Các nhà lãnh đạo đã nhất trí thông qua Chương trình hành động với 63 điều, cụ thể hóa các lĩnh vực hợp tác phát triển giữa Nhật Bản với các nước Mêkông. Ưu tiên trước hết là phát triển toàn diện khu vực Mêkông mà trong đó sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển cả hạ tầng cứng và mềm, nhất là phát triển hạ tầng cơ sở, kết nối giao thông, phát triển nguồn nhân lực cũng như bảo vệ môi trường. Các nước Mêkông và Nhật Bản sẽ tập trung xử lý các thách thức đối với đời sống nhân dân; quyết tâm triển khai sáng kiến “Một thập kỷ Mêkông xanh” vào năm 2010 thông qua bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Các nước Mêkông và Nhật Bản sẽ tăng cường hợp tác trong quản lý và bảo vệ nguồn nước, cắt giảm khí thải, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện y tế, phòng chống dịch bệnh... Cùng với mở rộng hợp tác và đẩy mạnh các hoạt động giao lưu nhân dân, các nước Mêkông và Nhật Bản cũng tăng cường hợp tác trong các khuôn khổ hợp tác ở Châu Á-Thái Bình Dương và các vấn đề toàn cầu cùng quan tâm.
Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí tổ chức Hội nghị cấp cao Mêkông-Nhật Bản định kỳ 3 năm một lần tại Nhật Bản và tại các nước Mêkông vào các dịp Hội nghị ASEAN./.