Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng của Bulgaria
VOV.VN -Trên cương vị của mình, Thủ tướng Oresharski sẽ thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Bulgaria.
Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Cộng hòa Bulgaria Plamen Oreshaski và phu nhân sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 6 đến 9/4. Việc Thủ tướng Bulgaria đến thăm Việt Nam chỉ hơn 6 tháng sau chuyến thăm chính thức của Tổng thống nước bạn thể hiện quyết tâm và hành động của hai Chính phủ cùng thúc đẩy mối quan hệ bạn bè truyền thống trở nên thiết thực và hiệu quả hơn.
Trước thềm sự kiện quan trọng này, phóng viên Đài TNVN đã trực tiếp có mặt tại thủ đô Sofia và có cuộc phỏng vấn độc quyền với Thủ tướng Bulgaria.
Phóng viên VOV phỏng vấn Thủ tướng Bulgaria Plamen Oresharski tại Văn phòng Thủ tướng |
PV: Thưa Thủ tướng, chuyến thăm Việt Nam của Ngài diễn ra vào lúc hai nước đang chuẩn bị kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương vào năm 2015. Ngài đánh giá như thế nào về những bước phát triển trong quan hệ hai nước thời gian qua và vị trí của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Bulgaria?
Thủ tướng Plamen Oresharski: Đã 64 năm kể từ khi quan hệ ngoại giao hai nước được thiết lập. Trong suốt quá trình này quan hệ giữa Bulgaria và Việt Nam đặc biệt hữu nghị. Đã có một giai đoạn cả Việt Nam và Bulgaria đều trải qua những khó khăn nhưng hai nước vẫn duy trì tình cảm hữu nghị và tôi rất vui mừng nhận thấy trong những năm gần đây quan hệ chính trị giữa hai nước không ngừng được tăng cường. Tôi đặc biệt phấn khởi khi thấy đã có sự phát triển hơn trong quan hệ kinh tế giữa hai nước. Và chúng ta đã thực hiện các bước triển khai đầu tiên. Tôi hy vọng điều này sẽ đặt tiền đề cho sự phát triển hơn nữa trong quan hệ thương mại và kinh tế giữa hai nước, trong khi hai nước vẫn luôn giữ mối quan hệ chính trị quan trọng.
PV: Tháp tùng Thủ tướng trong chuyến thăm lần này có một số Bộ trưởng quan trọng trong Nội các Chính phủ Bulgaria. Thủ tướng và các Bộ trưởng có đặt ra những mục tiêu cụ thể nào không?
Thủ tướng Plamen Oresharski: Đúng vậy! Tham gia đoàn của tôi có 3 Bộ trưởng: Nông nghiệp, Văn hóa, Giao thông và 1 Thứ trưởng kinh tế. Dịp này, một số Bộ trưởng sẽ ký kết các văn kiện quan trọng với các Bộ tương ứng của Việt Nam và những người khác, tôi hy vọng, sẽ chuẩn bị các văn kiện tương tự trong tương lai. Trên cơ sở đó, tôi có thể nói rằng chuyến thăm của tôi không chỉ nhằm mục đích làm sâu sắc thêm mối quan hệ chính trị mà còn góp phần hình thành quan hệ kinh tế mật thiết hơn giữa hai nước chúng ta.
Tham gia đoàn còn có đại diện của rất nhiều doanh nghiệp Bulgaria quan tâm hợp tác kinh doanh với các đối tác Việt Nam. Phải nói rằng các doanh nghiệp Bulgaria rất quan tâm đến Việt Nam, thậm chí chúng tôi rất khó khăn trong việc lựa chọn các doanh nghiệp tháp tùng đoàn. Một số đại diện doanh nghiệp của Bulgaria phải đi bằng máy bay thường do chuyên cơ không đủ chỗ, điều đó cho thấy có rất nhiều doanh nghiệp có nhu cầu thăm Việt Nam để xây dựng hoặc phát triển quan hệ với các đối tác của Việt Nam.
PV: Thưa Thủ tướng, năm 2013, hai nước đã ra Tuyên bố chung trong đó nhấn mạnh đến việc tăng cường và đa dạng hóa hợp tác kinh tế - thương mại trên những lĩnh vực mà hai nước có lợi thế so sánh và tiềm năng chưa được khai thác. Hai nước cũng mong muốn xây dựng “Mô hình hợp tác kinh tế mới”. Xin Thủ tướng cho biết đâu là ưu tiên của Chính phủ Bulgaria cho “mô hình hợp tác mới” này? Và chính phủ của Ngài có đề xuất những biện pháp cụ thể nào để hai nước có thể thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại lên tầm cao mới?
Thủ tướng Plamen Oresharski: Như tôi đã đề cập, quan hệ chính trị giữa hai nước chúng ta luôn rất tốt đẹp, các bản Tuyên bố chung là những bằng chứng về các mối quan hệ chính trị và ngoại giao tốt đẹp này. Tuy nhiên, nhiệm vụ của tôi là thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác kinh tế giữa hai nước. Vì thế, chúng tôi sẽ cố gắng để đạt được kết quả cụ thể trong chuyến thăm này. Sau chuyến thăm, chúng tôi hy vọng các mối liên hệ giữa các doanh nghiệp hai nước sẽ tăng lên.
Trong thời gian chuyến thăm, một doanh nghiệp của Bulgaria hoạt động trong lĩnh vực tái chế dầu thải sẽ tổ chức 1 diễn đàn. Tôi nghĩ đây là một ví dụ tốt về sự phát triển hơn nữa trong quan hệ giữa hai nước và tôi cũng rất mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đầu tư vào Bulgaria.
Thủ tướng Cộng hòa Bulgaria Plamen Oresharski |
PV: Ngoài việc tiếp tục tăng cường đối thoại chính trị cấp cao, thúc đẩy hợp tác kinh tế lên tầm cao mới. Lĩnh vực văn hóa, du lịch là tiềm năng thế mạnh của Bulgaria, Chính phủ Bulgaria có ưu tiên thúc đẩy hợp tác với Chính phủ Việt Nam lần này không, thưa Ngài ?
Thủ tướng Plamen Oresharski: Chuyến thăm này với sự tham gia của Bộ trưởng Văn hóa, Thứ trưởng Kinh tế Năng lượng là dấu hiệu rõ ràng cho thấy chúng ta đang chú ý tới việc phát triển hợp tác thế mạnh giữa hai nước trong lĩnh vực văn hóa và du lịch. Chúng tôi luôn ngưỡng mộ nền văn hóa lâu đời của Việt Nam và cũng mong muốn các du khách Việt Nam sang thăm Bulgaria.
Có rất nhiều sinh viên Việt Nam từng tốt nghiệp tại Bulgaria. Vào thời tôi tốt nghiệp, trường Đại học của tôi cũng có nhiều sinh viên Việt Nam. Tôi có nhiều ấn tượng tốt đẹp về các bạn Việt Nam học với tôi trong thời gian này. Tôi rất mong trong chuyến thăm này có dịp gặp lại họ bởi tôi biết rằng nhiều người trong số họ đảm nhiệm các vị trí cao trong Chính phủ, doanh nghiệp ở Việt nam.
Tôi rất vui mừng và tin những người Việt Nam đã tốt nghiệp tại Bulgaria là cầu nối về hợp tác giữa hai nhà nước và làm sâu sắc quan hệ cá nhân giữa nhân dân Bulgaria và nhân dân Việt Nam.
PV: Việt Nam có vị trí địa chính trị quan trọng ở Đông Nam châu Á, Bulgaria có vị trí địa chính trị quan trọng ở Đông Nam châu Âu. Bulgaria luôn coi Việt Nam là cửa ngõ để mở rộng quan hệ với các nước trong khu vực ASEAN và ngược lại Việt Nam cũng coi Bulgaria là cửa ngõ để mở rộng quan hệ với các nước trong khu vực Balkan. Vậy theo Thủ tướng, hai nước sẽ tận dụng như thế nào những thế mạnh này để thúc đẩy và nâng tầm mối quan hệ giữa hai nước, cũng như tạo cầu nối Á - Âu?
Thủ tướng Plamen Oresharski: Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất của chúng tôi bên ngoài Liên minh châu Âu (EU). Việt Nam là nước bạn bè cũ của chúng tôi ở châu Á và khu vực Đông Nam Á. Chúng tôi rất mong thông qua Việt Nam sẽ tìm ra những bạn bè mới, vì đây là vấn đề then chốt với chúng tôi. Như vậy, Việt Nam có thể đóng vai trò cầu nối cho Bulgaria với các nước khác trong khu vực.
Đồng thời, Bulgaria đã là thành viên của Liên minh châu Âu (EU) từ 6 - 7 năm qua và điều đó cũng quan trọng đối với Việt Nam. Chính vì thế, tôi mong muốn và kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Bulgaria và cần tận dụng thời cơ này vì thị trường Bulgaria đang mở cửa cho Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam. Bằng cách này, chúng tôi có thể trở thành cửa ngõ giúp Việt Nam vào thị trường Liên minh châu Âu (EU). Chúng tôi luôn ủng hộ Việt Nam trong mối quan hệ hỗ trợ lẫn nhau giữa Liên minh châu Âu (EU) và châu Á. Và chúng tôi rất lấy làm vui mừng được ủng hộ mối quan hệ hỗ trợ đó.
PV: Dù trải qua những giai đoạn thăng trầm trong lịch sử quan hệ hai nước, cộng đồng người Việt tại Bulgaria đã có nhiều cố gắng để hội nhập cuộc sống tại Bungari và góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống giữa Bulgaria và Việt Nam. Chính phủ của Ngài đánh giá như thế nào về người Việt Nam tại Bulgaria và có những chính sách cụ thể nào để tạo thuận lợi và khuyến khích họ trong việc làm ăn sinh sống tại đây ?
Thủ tướng Plamen Oresharski: Có thời gian tại Bulgaria đã có nhiều người Việt Nam sinh sống và làm việc. Mặc dù hiện nay, số lượng ít hơn nhiều, nhưng chúng tôi có thiện cảm rất tốt đẹp với người Việt Nam và luôn tìm cách giúp họ thích nghi, hội nhập với cuộc sống ở Bulgaria. Đại đa số họ đã có cuộc sống tốt và một số người mới sang đang dần thích nghi và cũng dễ dàng hội nhập cuộc sống qua sự giúp đỡ của bà con trong cộng đồng người Việt. Người Việt Nam là những “đồng bào” tốt của chúng tôi, nếu tôi có thể gọi như thế, bởi vì một số người đó đã có quốc tịch Bulgaria rồi. Cá nhân tôi đánh giá cao về nỗ lực của họ đóng góp thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước.
PV: Vâng, trước chuyến thăm Việt Nam, Ngài có thông điệp nào muốn gửi đến nhân dân Việt Nam không, thưa Thủ tướng?
Thủ tướng Plamen Oresharski: Tôi muốn nói rằng, Bulgaria và Việt Nam dù xa về địa lý nhưng về lịch sử có số phận chung, vì cả hai nước chúng ta đều đấu tranh để giành độc lập và bây giờ chúng ta được hòa bình, tự do để làm sâu sắc quan hệ mọi mặt với nhau. Quan hệ chính trị giữa hai nước rất tốt nhưng quan hệ kinh tế, mặc dù còn rất nhiều tiềm năng, vẫn chưa tận dụng khai thác hết được. Triển vọng hợp tác rất lớn, và cần thiết phải phát triển mối quan hệ kinh tế hơn nữa vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hạnh phúc và phồn vinh của hai dân tộc chúng ta.
Một lần nữa tôi cảm ơn các bạn vì tôi có cơ hội chia sẻ trước chuyến thăm Việt Nam sắp tới của tôi.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Thủ tướng!./.
Thủ tướng Bulgaria Plamen Oresharski là nhà lãnh đạo dạng “kỹ trị”, không đảng phái, từng là nghị sỹ thuộc Đảng XHCN Bulgaria (BSP), được Liên minh vì Bulgaria giới thiệu vào chức Thủ tướng, nhậm chức ngày 29/5/2013.
Ông từng nắm giữ vị trí Bộ trưởng Bộ tài chính của Bulgaria. Chính phủ của ông được đánh giá cao khi vạch ra các cơ chế và quyết sách quan trọng trong các lĩnh vực trọng tâm của nền kinh tế.
Chính phủ của Thủ tướng Oresharski đưa ra một số chính sách đáng chú ý như:
- Tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ và khuyến khích các doanh nghiệp mới đi vào hoạt động.
- Đưa ra những chính sách cập nhật về chiến lược du lịch.
- Thúc đẩy các dự án có sử dụng Quỹ Liên minh châu Âu EU
- Thúc đẩy luật pháp trong nước và an ninh
- Triển khai và cải thiện chiến lược phát triển giáo dục
- Cải cách để cải thiện môi trường đầu tư của Bulgaria, trong đó có việc chuẩn bị một gói giải pháp toàn diện các biện pháp để khuyến khích các cơ sở kinh doanh, đầu tư; chuẩn bị một chiến lược mới để cân bằng lại ngành năng lượng, hoàn thiện hệ thống ưu đãi thuế, một gói các biện pháp để bảo vệ người tiêu dùng …
Trong năm 2013, một trong những thành công của chính phủ Bulgaria là nợ chính phủ không tăng, trái lại, 1 tỷ leva đi vay được sử dụng để hoàn trả các khoản vay cũ của nhà nước.
Thủ tướng Oreshaski nhấn mạnh “Chính phủ sẽ phải đưa nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng, dựa vào hai nguồn lực kinh tế trong và ngoài nước”.