Việt Nam là thành viên có trách nhiệm đối với Quỹ Á - Âu
VOV.VN - Thống đốc Quỹ Á- Âu tại Việt Nam khẳng định, Việt Nam là thành viên tích cực và năng động nhất của Quỹ Á - Âu.
Sáng 30/11, tại thành phố Đà Nẵng khai mạc Cuộc họp Hội đồng Thống đốc Á- Âu (gọi tắt là ASEF) lần thứ 37 với sự tham dự của Thống đốc 53 thành viên và Liên minh châu Âu (EU) cùng Ban Thư ký ASEAN.
Bà Nguyễn Nguyệt Nga, đồng chủ trì Cuộc họp |
Trong 20 năm thành lập, Quỹ ASEF đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau, tăng cường giao lưu và hợp tác Á – Âu. Việt Nam là thành viên có trách nhiệm đối với hoạt động quỹ. Hoạt động của quỹ là cầu nối quan trọng, đóng góp vào nỗ lực của Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM).
Quỹ Á- Âu được thành lập tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Diễn đàn hợp tác Á- Âu (ASEM) lần thứ Nhất tổ chức tại Singapore năm 1997. Qua 20 năm hình thành và phát triển, Quỹ Á – Âu là cơ chế thường trực duy nhất trong ASEM, là kênh bổ trợ hợp tác giữa Chính phủ các thành viên ASEM thông qua các chương trình và dự án hợp tác của Quỹ về văn hóa, kinh tế, giáo dục, y tế, quản trị và phát triển bền vững.
Quỹ Á –Âu của ASEM còn đóng vai trò ngày càng quan trọng trong gắn kết nhân dân hai châu lục, kết nối Chính phủ thành viên ASEM và thúc đẩy xây dựng năng lực cho thanh niên.
Đây là lần thứ hai Việt Nam đăng cai Cuộc họp Hội đồng thống đốc Quỹ Á- Âu sau 13 năm kể từ lần tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 5 vào năm 2004. Cuộc họp lần này được tổ chức đúng dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Quỹ Á Âu và trong năm đầu tiên thập kỷ thứ ba của Diễn đàn ASEM.
Cuộc họp thống đốc Quỹ Á- Âu |
Tại cuộc họp, đại diện các thành viên Quỹ Á- Âu khẳng định, Quỹ Á Âu sẽ tiếp tục là cầu nối quan trọng, thúc đẩy sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, đóng góp vào nỗ lực của ASEM trong tăng cường quan hệ đối tác Á – Âu năng động và gắn kết hơn trong thập kỷ thứ ba.
Ông H.E.DRAZEN MARGERA, Đại sứ Croatia tại Indonesia cho biết, ASEF có vai trò rất qua trọng đối với các nước thành viện. Việt Nam thực sự là đối tác rất quan trọng của Quỹ ASEF và khối ASEAN.
Croatia rất muốn đầu tư mạnh vào thị trường khu vưc ASEAN, nhất là Việt Nam. Chúng tôi sẽ giới thiệu các nhà đầu tư và doanh nghiệp của chúng tôi vào đầu tư tại Việt Nam về các thế mạnh của chúng tôi như công nghệ thông tin, dịch vụ, nông nghiệp.
Quỹ Á- Âu được đóng góp trên nguyên tắc tự nguyện của các thành viên. Quỹ hoạt động đảm bảo lợi ích công bằng giữa các thành viên và rất coi trọng các thành viên có trình độ phát triển thấp, trong đó có khối ASEAN và Việt Nam.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm |
Bà Nguyễn Nguyệt Nga, Thống đốc Quỹ Á- Âu tại Việt Nam khẳng định: Việt Nam là thành viên tích cực và năng động nhất của Quỹ Á - Âu. Mỗi năm, Việt Nam đóng góp vài chục nghìn USD vào Quỹ. Trong 20 năm thành lập, Quỹ này đã trợ giúp cho Việt Nam khoảng 1,6 triệu USD để tổ chức 50 hoạt động hỗ trợ về các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, nâng cao năng lực.
Theo bà Nguyễn Nguyệt Nga, hiện nay tình hình kinh tế thế giới, đặc biệt các nước Châu Âu rất khó khăn về tài chính nên năng lực đóng góp vào Quỹ gặp khó khăn. Vì vậy, các thành viên Châu Á đang nỗ lực tăng cường vai trò để đóng góp nhân lực và tài chính cho Quỹ hoạt động.
Ngoài nguồn lực của Chính phủ các nước thành viên hỗ trợ, cũng cần huy động từ khối tư nhân, doanh nghiệp và hỗ trợ các tổ chức quốc tế mới đảm bảo tính bền vững, tính bổ trợ và liên kết hợp tác đa phương.
Thời gian tới, vai trò của Quỹ Á- Âu phải xác định được chương trình trọng tâm với tầm nhìn mới, hướng đi mới. Bà Nguyễn Nguyệt Nga cho biết, Việt Nam xác định một số lĩnh vực cần thúc đẩy hợp tác và tranh thủ hỗ trợ của Quỹ Á Âu thời gian tới./. Nỗ lực khơi thông thị trường Liên minh kinh tế Á-Âu