Việt Nam – LB Nga: Đi từ truyền thống, bước đến tương lai
VOV.VN - Dù có rất nhiều thăng trầm trong xu thế phát triển chung của thế giới, song 65 năm qua, mối quan hệ giữa Việt Nam và Nga vẫn không thay đổi.
Ngày 30/1, Việt Nam – LB Nga kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong 65 năm qua, mối quan hệ Việt – Nga được thử thách và tôi luyện qua các cuộc chiến tranh giành độc lập và thống nhất Tổ quốc của nhân dân Việt Nam, đã và đang ngày càng được củng cố và phát triển trên các nguyên tắc đôi bên cùng có lợi, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, tôn trọng độc lập, chủ quyền của mỗi nước vì hòa bình, an ninh ở khu vực cũng như trên toàn thế giới.
Mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai dân tộc Việt- Nga được khởi nguồn từ đầu thế kỷ 20. Mặc dù có rất nhiều thăng trầm trong xu thế phát triển chung của thế giới, song 65 năm qua, mối quan hệ giữa Việt Nam và Nga vẫn không thay đổi. Sở dĩ có sự gắn bó bền bỉ đó là nhờ mối quan hệ giữa hai bên được đặt trên nền tảng của sự tin cậy lẫn nhau. Liên bang Nga, mà trước đây là LB Xô Viết, đã dành cho Việt Nam sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa. Sau khi LB Xô Viết tan rã, mối quan hệ Việt - Nga bước sang một trang mới, phát triển trên nguyên tắc tin cậy và cùng có lợi. Đặc biệt, trong vòng gần 2 thập kỷ qua, khi Việt Nam và LB Nga thiết lập quan hệ đối tác chiến lược năm 2001, mối quan hệ này đã không ngừng được củng cố và phát triển, nhất là sự tin tưởng cao độ về chính trị, an ninh quốc phòng và kinh tế đầu tư thương mại.
Vào thời điểm hiện nay, quan hệ Việt Nam - Nga đang bước vào thời kỳ mới khi cả hai bên đều có nhu cầu phát triển quan hệ mang tầm chiến lược lâu dài. Lịch trình những chuyến thăm cấp cao lẫn nhau dày đặc, hàng chục văn kiện hợp tác được ký kết hàng năm cho thấy, hai bên quyết tâm xây dựng thiết lập một bình diện quan hệ mới. Minh chứng rõ nét nhất là quan hệ Việt Nam – Nga đã quyết định nâng cấp thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến Nga hồi tháng 8/2012.
Để cụ thể hóa mối quan hệ hợp tác quan trọng này, hai bên đã nhất trí tăng cường hợp tác trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, hợp tác kinh tế là một trong những điểm sáng trong quan hệ Việt Nam – LB Nga thời gian gần đây. Kim ngạch thương mại hai chiều đang tăng lên đáng kể. Hiện, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 4 tỷ đôla. Hiện Nga đứng thứ 18/101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 93 dự án, tổng số vốn đăng ký hơn 2 tỷ USD. Ngược lại, Việt Nam cũng có 17 dự án đầu tư tại Nga với tổng số vốn hoạt động lên tới 2,4 tỷ USD. Phát biểu tại một cuộc họp Uỷ ban liên chính phủ Việt Nam – LB Nga mới đây, Phó Thủ tướng Nga Igor I. Shuvalov nhấn mạnh: “Việt Nam là một đối tác truyền thống lâu đời của Nga và chúng tôi cũng đặt Việt Nam là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại. Chúng tôi muốn khẳng định lại là, tất cả những ưu tiên mà hai nước chúng ta đã thống nhất là rất đúng đắn và chúng ta cần phải nỗ lực để triển khai thực hiện. Những con số hợp tác của chúng ta vẫn còn ở mức khiêm tốn và tôi nghĩ, chúng ta cần phải đưa ra những định hướng tham vọng hơn trong tương lai”.
Năm 2014, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hợp tác song phương Việt Nam – Nga, thể hiện quyết tâm hiện thực hóa mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện đã được các nhà lãnh đạo cấp cao hai nước đặt ra. Đó là sự kiện Việt Nam và Liên minh Hải quan (gồm Nga, Belarus và Kazakhstan) đã kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do - FTA vào tháng 12 . Dự kiến hai bên sẽ chính thức ký Hiệp định này vào quý 1 năm nay. Hiệp định thương mại tự do mới được hình thành sẽ tạo điều kiện cho các luồng hàng hóa, dịch vụ và đầu tư của hai nước được lưu thông một cách dễ dàng hơn, giảm thiểu các chi phí giao dịch cho các doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng một cách vững chắc các hoạt động kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai bên. Đến năm 2018, kim ngạch thương mại giữa hai nước Việt Nam và Nga có thể đạt 12 tỷ USD.
Bên cạnh thúc đẩy hợp tác kinh tế, Việt Nam – Nga cũng tiếp tục mở rộng hợp tác trong lĩnh vực truyền thống là năng lượng. Bên cạnh Liên doanh dầu khí Vietsovpetro tiếp tục hoạt động hiệu quả, các Liên doanh Rusvietpetro, Gazpromviet và Vietgazprom được thành lập mới đây đang tích cực hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí tại Việt Nam, Nga và các nước thứ ba. Một điểm đáng chú ý là trong lúc Nga đang rất khắt khe về mở cửa thị trường gia nhập WTO thì Việt Nam lại được mời tham gia vào các dự án dầu khí bất kỳ nơi nào trên lãnh thổ Nga cũng như được mời tham vào các chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng Viễn đông và đông Siberi. Hai bên cũng đang thúc đẩy nhanh tiến độ xây dựng máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và thiết lập dự án Trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân tại Việt Nam, đưa các dự án này trở thành biểu tượng hữu nghị và cùng có lợi giữa hai nước trong thế kỷ 21.
Không chỉ dừng lại ở hợp tác song phương, cả Việt nam và Nga đều hỗ trợ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế đa phương. Nga hiện là đối tác quan trọng của ASEAN. Việt Nam với vai trò là thành viên của ASEAN đã nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ của khối với Nga, đặc biệt là cơ chế ASEAN + 1. Trong khi đó, Nga luôn khẳng định ủng hộ sự nghiệp đổi mới, mở cửa của Việt Nam, tích cực hỗ trợ Việt Nam hội nhập khu vực và quốc tế. Đặc biệt, trong bối cảnh khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có những diễn biến phức tạp, Nga nhất trí quan điểm với Việt Nam về việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ trong không gian khu vực. Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết: “Về vấn đề Biển Đông, LB Nga khẳng định ủng hộ lập trường của Việt Nam là giải quyết những vấn đề tranh chấp trên cơ sở giải quyết hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó triển khai tôn trọng Tuyên bố ứng xử các bên ở Biển Đông cũng như sớm tiến tới xây dựng bộ quy tắc ứng xử các bên ở Biển Đông”.
Quan hệ Việt Nam – LB Nga đã có một nền tảng tốt đẹp trong quá khứ, và sẽ tiếp tục được các nhà lãnh đạo hai nước thúc đẩy cả về lượng lẫn về chất trong tương lai. Trong bối cảnh các chính sách phát triển của Nga đang hướng về phía Đông, khu vực được xem là động lực phát triển của toàn cầu, thì mối quan hệ Việt – Nga hiện nay và trong tương lai lâu dài, đòi hỏi phải tăng tốc hơn nữa, đổi mới cả về hình thức và làm sâu sắc về nội dung để đưa mối quan hệ song phương Việt-Nga lên tầm cao mới, nhằm đáp ứng lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình và ổn định trên thế giới. Đúng như lời nhận xét của tiến sỹ Gregory Lokshin, chuyên gia phân tích chính trị quốc tế Nga về tính chất của mối quan hệ Nga-Việt hiện nay: “Đó là tuyệt nhiên không phải là liên minh quân sự. Đó là sự phối hợp hành động chung, thống nhất nỗ lực chung theo những mục tiêu xây dựng phát triển chung, tìm ra giải pháp cho những vấn đề chung, cùng đối phó với những thách thức chung của thời đại”./.