Việt Nam luôn đề cao các nguyên tắc cơ bản của Liên Hợp Quốc
VOV.VN - Việt Nam sẽ tiếp tục chủ động đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào thực hiện sứ mệnh của Liên Hợp Quốc vì hòa bình, an ninh và phát triển bền vững.
Tối 14/9, tại trụ sở Liên Hợp Quốc tại Geneva, Thụy Sĩ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tới dự lễ kỷ niệm 40 năm Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc và có bài phát biểu quan trọng tại đây. VOV xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu này:
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục chủ động đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào các cơ chế của LHQ vì hòa bình, an ninh và phát triển bền vững. Ảnh: VGP/Thành Chung.
"Thưa các vị Đại sứ, Trưởng các cơ quan đại diện, các Tổ chức quốc tế bên cạnh Liên Hợp Quốc tại Geneva,
Thưa Quý ông, Quý bà,
Thay mặt Chính phủ Việt Nam, tôi trân trọng cảm ơn Quý vị đã đến dự Lễ kỷ niệm 40 năm Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc và cùng chúng tôi nhớ lại thời khắc trọng đại này. Sau nhiều thập kỷ đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, ngày 20/9/1977, Việt Nam vinh dự chính thức trở thành thành viên Liên Hợp Quốc - tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh.
Nhìn lại chặng đường 40 năm qua, chúng tôi tự hào về những đóng góp tích cực, có trách nhiệm và những kết quả đạt được trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Liên Hợp Quốc. Liên Hợp Quốc và nhiều quốc gia thành viên, bạn bè quốc tế đã luôn đồng hành, hợp tác, dành cho Việt Nam sự hỗ trợ quý báu từ những năm tháng khó khăn nhất trong giai đoạn tái thiết đất nước sau chiến tranh, cho đến thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế. Việt Nam đã không ngừng trưởng thành về mọi mặt, đạt được những kết quả quan trọng về phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, mở rộng quan hệ hợp tác và là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, tôi xin bày tỏ lời cảm ơn chân thành đối với sự hợp tác, ủng hộ và giúp đỡ quý báu mà Liên Hợp Quốc, các quốc gia thành viên, tổ chức quốc tế và bạn bè năm châu đã dành cho chúng tôi trong suốt bốn thập kỷ qua.
Thưa Quý vị,
Chúng ta đang sống trong thời đại hợp tác phát triển, toàn cầu hóa, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ đang mở ra những cơ hội và không gian hợp tác rộng lớn hơn cho tất cả các quốc gia trên hành tinh. Đồng thời, chúng ta cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức.
Các cuộc thảo luận ở Geneva, hơn bất cứ nơi nào, cho chúng ta hiểu rõ hơn những khó khăn của kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu, sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ, sự hoài nghi về quá trình toàn cầu hóa, tác động của biến đổi khí hậu, sự gia tăng của chủ nghĩa khủng bố, cực đoan, xung đột, chiến tranh cục bộ và các thách thức khác đối với việc bảo đảm quyền con người. Ngay tại khu vực châu Á cũng đang có những điểm nóng đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác khu vực và thế giới. Hoạt động của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Thụy Sỹ
Đây là lúc chúng ta cần chung tay thúc đẩy vai trò, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Liên Hợp Quốc và các cơ chế đa phương. Liên Hợp Quốc phải tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong duy trì hòa bình, an ninh quốc tế, ngăn ngừa và giải quyết xung đột, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế.
Đây cũng là lúc chúng ta cần thúc đẩy quan hệ đối tác giữa các quốc gia, tổ chức quốc tế và khu vực để cùng triển khai hiệu quả các cam kết toàn cầu, đặc biệt là Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu để mọi người dân trên hành tinh chúng ta được sống trong một thế giới hòa bình, hợp tác, phát triển và một hệ sinh thái bền vững.
Thưa Quý vị,
Việt Nam đề cao các nguyên tắc cơ bản của Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế, sẽ tiếp tục chủ động đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào thực hiện sứ mệnh cao cả của Liên Hợp Quốc và các cơ chế của Liên Hợp Quốc vì hòa bình, an ninh và phát triển bền vững. Việt Nam vừa hoàn thành nhiệm kỳ thành viên Hội đồng Nhân quyền (2014-2016) và tiếp tục đóng góp cho những hoạt động của Hội đồng này. Chúng tôi đang nỗ lực thực hiện trách nhiệm thành viên Hội đồng kinh tế xã hội ECOSOC nhiệm kỳ 2016-2018 và tham gia nhiều cơ chế khác của Liên Hợp Quốc.
Việt Nam sẽ tăng cường quy mô tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc (PKO), đẩy mạnh thực hiện sáng kiến “Thống nhất hành động” của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam lên một giai đoạn phát triển mới. Với mong muốn đóng góp tích cực hơn nữa cho công việc chung, Việt Nam đã quyết định ứng cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ của Quý vị. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp các doanh nghiệp hàng đầu Thụy Sỹ
Là một thành viên tích cực của ASEAN - tổ chức khu vực có 50 năm hình thành và phát triển thành công, Việt Nam mong muốn cùng các nước ASEAN tích cực thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác giữa ASEAN và Liên Hợp Quốc, trên cơ sở Hiến chương Liên Hợp Quốc và Hiến chương ASEAN.
Thưa Quý vị,
Liên Hợp Quốc luôn là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Chúng tôi coi trọng hợp tác với Liên Hợp Quốc và tin tưởng rằng sự hợp tác đó sẽ phát triển tốt đẹp hơn nữa trong thời gian tới vì hòa bình, ổn định, phát triển bền vững và thịnh vượng chung của nhân loại.
Thời khắc này, tôi nhớ đến câu nói của Cố Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Dag Hammarskjold “Xin cảm ơn về tất cả những gì đã có. Hãy cùng nỗ lực vì tương lai” (For all that has been – Thanks. For all that shall be – Yes). Việt Nam mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ, hợp tác, giúp đỡ hiệu quả hơn nữa của Liên Hợp Quốc, các nước thành viên, tổ chức quốc tế và bạn bè năm châu.
Xin cảm ơn Quý vị./."