Việt Nam nỗ lực cùng các nước đẩy lùi hiểm họa ma túy
VOV.VN -Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chủ trương, biện pháp tích cực, toàn diện, đồng bộ đẩy lùi hiểm họa do ma túy gây ra.
Kỳ họp cấp cao năm nay tập trung kiểm điểm, đánh giá tình hình, kết quả và những thách thức trong việc thực hiện Kế hoạch hành động theo tinh thần Tuyên bố Chính trị năm 1998 về thực thi các Công ước quốc tế trong việc hợp tác phòng chống rửa tiền, lạm dụng, buôn bán ma túy bất hợp pháp và hợp tác tư pháp.
Tại phiên khai mạc, ông Yury Fedotov, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc kiêm Giám đốc điều hành Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) nhấn mạnh, tệ nạn và tội phạm ma túy tiếp tục đe dọa nghiêm trọng sức khỏe của con người, đặc biệt là giới trẻ, tài sản quý giá của xã hội; làm suy yếu sự phát triển bền vững, ổn định chính trị, thể chế dân chủ, nỗ lực xóa đói giảm nghèo và đe dọa an ninh quốc gia.
Giám đốc điều hành UNODC chia sẻ những thách thức mới nổi trước sự xuất hiện nhanh chóng của các chất hướng thần mới (NPS); kêu gọi kỳ họp thông qua các nghị quyết và giải pháp hướng tới mục tiêu chiến lược phát triển bền vững, giảm thiểu và tiến tới loại bỏ việc sử dụng các loại ma túy và các chất hướng thần.
Ông Yury Fedotov khẳng định UNODC đã và đang nỗ lực cùng các nước thành viên giải quyết vấn nạn ma túy toàn cầu thông qua việc thực hiện các chương trình hỗ trợ, xây dựng mối quan hệ đối tác, kêu gọi các nước thành viên xây dựng các giải pháp đồng bộ về luật pháp, y tế và phát triển thay thế trên; kêu gọi các nước đóng góp tích cực để chuẩn bị cho Kỳ họp đặc biệt của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc về ma túy vào năm 2016 theo quyết định của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm 1998.
Phát biểu tại phiên họp cấp cao, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam, Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định Việt Nam luôn là một thành viên có trách nhiệm của Liên Hợp Quốc, chủ động hội nhập quốc tế, tích cực tham gia và triển khai các chương trình phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống ma túy nói riêng ở tất cả các diễn đàn đa phương và song phương.
Thứ trưởng nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chủ trương, biện pháp tích cực, toàn diện, đồng bộ và cân bằng nhằm ngăn chặn và đẩy lùi hiểm họa do ma túy gây ra với phương châm lấy phòng ngừa làm chính, lấy tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức là cơ bản, từ đó thúc đẩy sự đồng tình và tích cực tham gia của toàn dân vào các chương trình, hoạt động phòng chống ma túy.
Thứ trưởng Lê Quý Vương cho rằng, trước những nguy cơ và thách thức của tình hình sản xuất, buôn bán và vận chuyển trái phép các loại ma túy tổng hợp (ATS), sự xuất hiện và lan nhanh của các chất hướng thần mới nguy hiểm (NPS), bên cạnh nỗ lực của các nước thành viên trong tăng cường hợp tác và phối hợp đấu tranh phòng, chống ma túy, Việt Nam kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục chia sẻ nỗ lực, ủng hộ và giúp đỡ các quốc gia trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền và đối thoại mang tính xây dựng.
Nhân kỳ họp CND 57, Việt Nam và các nước thành viên Bản thỏa thuận về hợp tác phòng, chống ma túy tiểu vùng sông Mê Công đã tổ chức triển lãm, hội thảo giới thiệu với cộng đồng các nước tài trợ, các tổ chức quốc tế và các đối tác tiềm năng về một số thành tựu, tình hình và kết quả hợp tác phòng, chống ma túy ở tiểu vùng sông Mê Công, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục dành sự quan tâm và hỗ trợ cho phòng, chống ma túy tại khu vực tiểu vùng sông Mê Công và đến chào xã giao ông Yury Fedotov, Phó Tổng Thư ký kiêm Giám đốc Điều hành UNODC.
Được thành lập từ năm 1946, Ủy ban Kiểm soát ma túy Liên Hợp Quốc (CND) là cơ quan trực thuộc Hội đồng Phát triển Kinh tế - Xã hội Liên Hợp Quốc (ECOSOC), chuyên trách hoạch định các chủ trương, chính sách liên quan đến kiểm soát phòng, chống ma túy, chất hướng thần và tiền chất trên toàn cầu. Kỳ họp cấp cao của Ủy ban Kiểm soát ma túy Liên Hợp Quốc là sự kiện rất quan trọng, có tác động đến công tác kiểm soát và phòng, chống ma túy trên toàn thế giới.
Kỳ họp lần thứ 57 của Ủy ban Kiểm soát ma túy sẽ tiếp tục cho đến ngày 21/3 tới và sẽ thông qua Tuyên bố chung cấp Bộ trưởng của Hội nghị./.