Việt Nam sáng tạo, thích ứng để hoàn thành tốt vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA
VOV.VN - Trong hai năm là Ủy viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, Đại sứ Đặng Đình Quý cho rằng, thành công lớn nhất của Việt Nam là các nước lớn nể chúng ta hơn, các bạn bè truyền thống quý chúng ta hơn.
Trong hai năm làm Ủy viên không thường trực của Hội đồng bảo an nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam đã khẳng định được vai trò và vị thế tại cơ quan quan trọng nhất của Liên Hợp Quốc. Việt Nam đã tham gia chủ động, thể hiện lập trường độc lập tự chủ, đóng góp xây dựng, hợp tác và có trách nhiệm, khéo léo xử lý khi có vấn đề khác biệt giữa các thành viên; đồng thời có nhiều sáng kiến và đóng góp vào hoạt động của Hội đồng Bảo an, được các nước đánh giá cao. Nhân dịp Việt Nam kết thúc nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021, phóng viên VOV thường trú tại Mỹ có cuộc trao đổi với Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc.
PV: Đại sứ đánh giá thế nào về nhiệm kỳ của Việt Nam là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an và thành công lớn nhất trong nhiệm kỳ của Việt Nam là gì, thưa Đại sứ?
Đại sứ Đặng Đình Quý: Có thể nói là chúng ta đã hoàn thành được những nhiệm vụ của mình trong hai năm là Ủy viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc và tôi nghĩ rằng thành công lớn nhất của Việt Nam là sau hai năm là Ủy viên không thường trực thì các nước lớn nể chúng ta hơn, các bạn bè truyền thống quý chúng ta hơn. Đấy là thành công lớn nhất.
PV: Trong nhiệm kỳ hai năm qua, đặc biệt là hai tháng làm Chủ tịch Hội đồng Bảo an, Việt Nam đã có những sáng kiến và đóng góp cụ thể gì cho hoạt động của Hội đồng Bảo an và Liên Hợp Quốc nói chung, thưa Đại sứ?
Đại sứ Đặng Đình Quý: Rất nhiều vấn đề mà chúng ta đóng góp vào. Vấn đề thứ nhất là chúng ta đóng góp vào chuyện thượng tôn pháp luật trong bảo vệ hòa bình và an ninh thế giới. Thứ hai là thúc đẩy câu chuyện bảo vệ thường dân, nhất là phụ nữ và trẻ em. Thứ ba là trong nỗ lực ứng phó với thách thức an ninh phi truyền thống trong đó có biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Thứ tư là chúng ta thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn và nâng cao vai trò các tổ chức, khu vực và tiểu khu vực, hợp tác giữa các tổ chức, khu vực và tiểu khu vực với Liên Hợp Quốc trong bảo vệ hòa bình và an ninh ở các khu vực và quốc tế. Đấy là những đóng góp rất nổi trội của Việt Nam trong suốt nhiệm kỳ này.
Nếu nói về số lượng công việc thì chúng ta đã tham gia vào 840 cuộc họp ở cấp Đại sứ trở lên, đã tham gia đàm phán và thông qua 254 văn kiện và riêng trong 2 tháng Chủ tịch, chúng ta đã thông qua 26 văn kiện. Việt Nam đã có sáng kiến, chủ trì soạn thảo, chủ trì đàm phán và thông qua 2 nghị quyết của Hội đồng Bảo an, 3 tuyên bố Chủ tịch Hội đồng Bảo an. Đó là những nỗ lực chung của chúng ta đóng góp cho Hội đồng bảo an trong 2 năm vừa qua.
PV: Trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, Việt Nam đã gặp phải những khó khăn gì và chúng ta đã làm gì để thích ứng cũng như đã rút ra những bài học kinh nghiệm gì, thưa Đại sứ?
Đại sứ Đặng Đình Quý: Hai năm qua có một bối cảnh rất đặc biệt. Phần lớn thời gian chúng ta phục vụ trong Hội đồng Bảo an là Covid-19 và tác động của đại dịch. Đại dịch gây ra hai chuyện. Câu chuyện thứ nhất là phải thay đổi cách làm, trước là làm trực tiếp thì nay chuyển sang trực tuyến. Trực tuyến thì khó vì làm việc với mình, với nhau cũng khó, đồng thời là làm việc với các đối tác cũng khó và điều này tạo ra số lượng công việc gấp đôi vì khi làm trực tuyến thì phải làm nhiều lần đồng thời phải có những biện pháp để kiểm tra lẫn nhau cho nên khối lượng tăng lên rất nhiều. Thêm vào đó là lòng tin, kể cả tin về kỹ thuật và con người khi anh làm việc trực tuyến và trực tiếp lại khác.
Điều thứ hai đó là Covid-19 đã mang lại rất nhiều hệ lụy, hệ quả tiêu cực ở các khu vực xung đột, đồng thời là bản thân các nước thành viên Hội đồng Bảo an cũng có những điểm khác biệt trong cách tiếp cận và làm cho mâu thuẫn giữa họ, lúc bình thường đã căng thì bây giờ còn căng hơn. Thế nên hai năm qua chúng ta phải khẩn trương thích ứng với môi trường đó.
Về mặt nội bộ thì mình phải làm việc nhiều hơn, phải có kế hoạch bọc lót lẫn nhau giữa nội bộ phái đoàn và giữa phái đoàn và trong nước, đồng thời phải tổ chức tập huấn nhiều hơn, rút kinh nghiệm nhiều hơn để đưa ra những biện pháp kịp thời để ứng phó với những thay đổi đó. Đối với các nước lớn thì lại phải làm đúng và làm tốt hơn những chỉ đạo của nhà về câu chuyện là làm sao phải đứng giữa các bên, làm sao điều hòa được những mâu thuẫn của họ để đạt được mục tiêu của mình, cũng là những mục tiêu chung của Hội đồng bảo an trong hai năm qua. Nói về bài học thì tôi thấy có mấy chữ thế này: câu chuyện thứ nhất là “phải sáng tạo”, câu chuyện thứ hai là “phải thích ứng”, có lẽ là 6 từ đó hai năm qua chúng ta đã làm như vậy.
PV: Mặc dù sắp tới Việt Nam sẽ không còn là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an nữa nhưng chắc chắn chúng ta sẽ tiếp tục có những đóng góp tích cực cho các hoạt động của Liên Hợp Quốc, vậy Việt Nam và phái đoàn thường trực nói riêng có những kế hoạch cụ thể gì trong thời gian tới, thưa Đại sứ?
Đại sứ Đặng Đình Quý: Những chủ đề mà chúng ta ưu tiên trong Hội đồng Bảo an cũng giống như chủ đề ở Liên Hợp Quốc, vẫn là câu chuyện thượng tôn pháp luật, luật pháp quốc tế trong bảo vệ hòa bình, an ninh quốc tế, vẫn là câu chuyện bảo vệ thường dân, vẫn là câu chuyện thích ứng và ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống trong đó có biến đổi khí hậu, thế nhưng ưu tiên khác đi, trước kia thì là Hội đồng Bảo an thì bây giờ chuyển sang các ủy ban như ủy ban 1 về an ninh trong đó có an ninh mạng, kiểm soát vũ khí và ứng phó với biến đổi khí hậu, ủy ban 6 về áp dụng và phát triển luật pháp như thế nào, trong đó có luật biển để đối phó với những thách thức đối với toàn nhân loại. Chúng ta tiếp tục những nỗ lực và nguyên tắc của chúng ta đã tuân thủ trong hai năm vừa qua nhưng quan trọng là phải phát huy được vị thế sau 2 năm ở Hội đồng bảo an để mà có đóng góp lớn hơn ở các ủy ban, đồng thời chúng ta lại tiếp tục ứng cử vào các cơ quan khác và trong năm nay chúng ta vận động để ứng cử thành công vào Hội đồng nhân quyền. Đó là rất nhiều việc sẽ phải triển khai tiếp.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!./.