Việt Nam tham dự kỳ họp Đại hội đồng IPU
(VOV) - Tham dự kỳ họp có hơn 1.400 đại biểu từ 162 nghị viên thành viên, các thành viên liên kết và các tổ chức phi chính phủ.
Trong các ngày từ 21-26/10, kỳ họp lần thứ 127 Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới (IPU) đã diễn ra tại thành phố Quebec, Canađa, với chủ đề "Bảo vệ tính đa dạng để đảm bảo hòa bình trong thế giới phân cực ngày nay". Kỳ họp có sự tham dự của hơn 1.400 đại biểu từ 162 nghị viên thành viên, cùng đại diện của các thành viên liên kết và các tổ chức phi chính phủ (NGO). Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do ông Trần Văn Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội làm trưởng đoàn, tham dự kỳ họp.
Trong bối cảnh tính đa dạng đang cần được tôn trọng và bảo vệ ở thế giới phân cực hiện nay, cuộc tranh luận tại kỳ họp Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới lần này tập trung bảo đảm quyền công dân, quyền nhân thân, sự đa dạng ngôn ngữ và văn hóa trong một thế giới toàn cầu hóa cũng như cách thức bảo vệ sự đa dạng chính trị, đặc biệt là trong số các quốc gia thành viên của Đại hội.
Phát biểu tại phiên họp toàn thể của Đại hội đồng, ông Trần Văn Hằng khẳng định: trong tiến trình hội nhập quốc tế, Việt Nam đã thể hiện trách nhiệm của mình bằng việc tham gia đầy đủ và thực hiện nghiêm túc các công ước quốc tế về quyền con người, quyền của người thiểu số, nội luật hóa hoặc áp dụng trực tiếp hầu hết những nguyên tắc và giá trị chung về nhân quyền được quốc tế công nhận. Quốc hội Việt Nam cam kết tiếp tục ủng hộ, tham gia chủ động, tích cực và có trách nhiệm các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm bảo đảm và phát huy các quyền cơ bản của con người, vì mục tiêu hòa bình, ổn định và phát triển bền vững.
Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam cũng đóng góp ý kiến về các nội dung thảo luận tại Ủy ban Chính trị và an ninh, Ủy ban Dân chủ nhân quyền và Ủy ban Tài chính thương mại.
Các kỳ họp của Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới là diễn đàn duy nhất quy tụ được tất cả các nước thành viên đại hội và các quan sát viên, kể cả những quốc gia đang xung đột với nhau, hoặc những quốc gia bị cô lập về chính trị. Ngoài nội dung chính trên, trong kỳ họp này, các thành viên cũng giải quyết những vấn đề khác có liên quan đến hòa bình, như cách thức kiến tạo hòa bình tại các quốc gia sau xung đột, bảo vệ sinh mạng của dân thường và những phương thức để các nghị sĩ hỗ trợ việc giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân./.