Việt Nam thúc đẩy hợp tác với các nước truyền thống

(VOV) -Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội thể hiện quyết tâm của Việt Nam đẩy mạnh quan hệ hợp tác hữu nghị với 3 nước châu Âu

Sau 8 ngày ở thăm chính thức Liên bang Nga, Cộng hòa Liên bang Đức và Cộng hòa Ba Lan, sáng nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyyễn Sinh Hùng và các thành viên trong Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta đã về đến Hà Nội và kết thúc tốt đẹp. Kết quả của chuyến thăm thể hiện quyết tâm của Việt Nam đẩy mạnh quan hệ hợp tác hữu nghị với 3 nước châu Âu. 

Tại 3 nước đến thăm, Đoàn đại biểu Quốc hội nước ta đều được lãnh đạo cấp cao 3 nước này đón tiếp trọng thị. Các vị đứng đầu cơ quan lập pháp, Tổng thống Ba Lan và Thủ tướng Nga đã bày tỏ sự vui mừng trước những bước phát mới trong quan hệ hợp tác và hiện đang làm sâu sắc thêm trên nền tảng đã có truyền thống  tốt đẹp với Việt nam.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hội kiến Thủ tướng Nga Medvedev (Ảnh: Sông Thao)


Tại Liên bang Nga, Chủ tịch Thượng viện và Duma quốc gia Nga đều đánh giá cao những nỗ lực của Quốc hội Việt Nam trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm thích ứng với yêu cầu của hội nhập quốc tế. Đồng thời, đề nghị Quốc hội hai nước sẽ tiếp tục trao đổi đoàn cấp cao nhằm tăng cường thông tin, kinh nghiệm trong lập pháp; góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước, đặc biệt là kinh tế, thương mại và đầu tư.

Sau cuộc hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga, bà V.I.Matvienko phát biểu với bảo chí nhấn mạnh: chuyến thăm của Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng và Đoàn cấp cao Quốc hội Việt Nam lần này là điều kiện và thời cơ tốt đẹp để hai bên nâng cao vai trò của Quốc hội trong việc thúc đẩy các chương trình, dự án hợp tác.

“Chúng tôi đã tiến hành đàm phán với những nội dung rất phong phú. Sự hợp tác liên nghị viện đã góp phần rất quan trọng trong cuộc họp quan hệ đối tác, chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Nga. Quốc hội Liên bang Nga cũng như Quốc hội Việt Nam đã khai mạc và nhóm hợp tác hữu nghị đại biểu về phát triển quan hệ hữu nghị viện giữa hai nước. Hai bên đã soạn thảo và ký kết các chương trình hợp tác trong năm 2013"- bà Matvienko nói.

Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng cho rằng, chuyến thăm Liên bang Nga lần này, ngoài việc hai bên đều thể hiện được một sự tin cậy rất cao: “Hai bên đã trao đổi thẳng thắn nhiều vấn đề, nhằm thúc đẩy tăng cường hợp tác một cách toàn diện từ vấn đề chính trị, kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng. Đồng thời là tăng cường đẩy mạnh về hợp tác vấn đề kinh tế đặc biệt là những vùng, những khu vực trọng điểm mà hai bên có lợi thế. Ví dụ như vùng viễn Đông của Nga, với vùng miền Trung  của Việt Nam chúng ta. Thứ hai là lãnh đạo cấp cao của chúng ta với bạn trong các cuộc tiếp xúc với Chủ tịch Liên bang Quốc gia, Chủ tịch Thượng viện của Nga, Thủ tướng Medvedep, 2 bên thống nhất rất cao luôn luôn ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế những vấn đề mà hai bên luôn quan tâm, đặc biệt là phía bạn cũng tán thành quan điểm lập trường của chúng ta, xử lý một số vấn đề tranh chấp trên biển Đông”.

Tại Cộng hòa Liên bang Đức, bạn đã đón tiếp đoàn rất trọng thị. Khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Đoàn tham dự phiên họp dự thính Quốc hội Đức, cả hội trường đứng dậy vỗ tay chào mừng nhiệt liệt. Hai bên quan tâm mở rộng hợp tác giữa các ngành, giữa các ủy ban chuyên môn của Quốc hội và giữa các địa phương.

Theo đó, bằng việc tổ chức các hoạt động rất đa dạng, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã làm việc với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng kinh tế Đức Philip Roesler để xác định rõ thêm 8 nội dung cụ thể mà hai nước đã nhất trí thúc đẩy hợp tác. Nhóm Nghị sĩ Quốc hội hai nước Việt-Đức cũng có những cuộc tiếp xúc và cam kết cùng nhau tăng cường hợp tác để hỗ trợ cho các cơ quan lập pháp và chính phủ hai nước Việt Nam- Cộng hòa Liên bang Đức hợp tác hiệu quả hơn.

Chính vì vậy, trong buổi tiệc chiêu đãi chính thức Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng của Chủ tịch Quốc hội bang Hessen, Ngài Nobert Kartman cho biết: Ở đây, có nhiều đảng phái và còn rất nhiều vấn đề, quan điểm chưa thống nhất với nhau; nhưng việc thúc đẩy quan hệ hợp tác với Việt Nam thì tất cả các đảng phái đều đồng thuận.

Ngài Nobert Kartman nói: “Bang Hessen của chúng tôi cũng có cộng đồng người Việt rất đông và hôm nay, sau khi đoàn đặt chân xuống sân bay đã có cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với cộng đồng và giờ đây đoàn đến với chúng tôi, chúng tôi coi đây là niềm vinh hạnh, niềm vui rất lớn. Thưa ngài Chủ tịch, chúng tôi, cá nhân tôi xin phép chuyển tới ngài Chủ tịch và đoàn lời chào chân tình nhất, nồng nhiệt nhất của tất cả đại biểu Quốc hội bang Hessen. Chúng tôi cũng xin phép vào một thời gian thuận lợi sẽ cử 1 đoàn của Bang Hessen sang thăm Việt Nam. Trong nhiệm kỳ này, chúng tôi cố gắng để điểm này vào chương trình nghị sự của chúng tôi.”

Theo Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng, kết quả chuyến thăm Cộng hòa Ba Lan của Chủ tịch Quốc hội lần này đạt được ngoài mong đợi. Dù đã 20 năm, lãnh đạo cấp cao nước ta mới đến thăm, nhưng với bề dày truyền thống hợp tác đã có trên 60 năm; nên chuyến thăm này là nền tảng để hai nước thúc đẩy một bước tiến quan hệ cao hơn: “Ở Ba Lan, 2 bên cũng đa thỏa thuận xây dựng những nguyên tắc cơ bản, tiến tới thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Tổng thống Ba Lan cũng đã nhận lời mời của Chủ tịch nước ta, chuẩn bị sang thăm việt Nam vào cuối năm nay. Trong buổi tiếp Chủ tịch ta, Tổng thống Ba Lan nói rằng chuyến thăm nhằm phát huy những thành tựu, mối quan hệ hữu nghị truyền thống, để nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược và muốn phát triển hơn nữa, hiệu quả hơn nữa. Phía bạn đánh giá Việt Nam là 1 điểm rất quan trọng trong Chiến lược đối ngoại của Ba Lan và đây là cầu nối để Ba Lan tăng cường mở rộng hợp tác với các nước ASEAN và khu vực Đông Nam Á”.

Cũng qua chuyến thăm này, Đoàn đại biểu Quốc hội nước ta đã có dịp trao đổi kinh nghiệm trên một số lĩnh vực hoạt động và thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác gắn bó giữa lãnh đạo Quốc hội ta với với lãnh đạo nghị viện Liên bang Nga, Cộng hòa Liên bang Đức và Cộng hòa Ba Lan.

Đồng thời, thông qua chuyến thăm này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đã lắng nghe bà con Việt Kiều góp ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và kêu gọi ngươi Việt Nam ở nước ngoái tiếp tục góp ý vào Dự thảo Hiến pháp một cách thiết thực và hiệu quả./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên