Việt Nam ủng hộ sớm kết thúc vòng đàm phán thương mại Doha
Việt Nam ủng hộ việc sớm kết thúc vòng đàm phán Doha một cách cân bằng trên cơ sở đàm phán toàn diện, công khai với sự tham gia của tất cả thành viên, đảm bảo lợi ích của mọi thành viên.
Trước khi diễn ra Hội nghị bộ trưởng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) lần thứ 7, các quan chức cao cấp của Tổ chức này đã họp tại Geneva, Thụy Sĩ từ ngày 24 đến 27/11, thảo luận các vấn đề trọng tâm của Vòng đàm phán Doha, như nông nghiệp, mở cửa thị trường hàng phi công nghiệp, dịch vụ, các sản phẩm hàng hóa liên quan đến môi trường, sở hữu trí tuệ, chống bán phá giá và trợ cấp…
Trong phiên họp về mở cửa thị trường hàng hóa phi nông nghiệp chiều qua (25/11), Đại sứ Vũ Dũng, Trưởng phái đoàn đại diện nước ta bên cạnh Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Genva nhấn mạnh, gần 3 năm qua, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới, nhưng Việt Nam đã thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết của mình, góp phần củng cố và tăng cường hệ thống thương mại đa biên quốc tế. Là thành viên mới gia nhập, Việt Nam ủng hộ việc sớm kết thúc vòng đàm phán Doha một cách cân bằng trên cơ sở đàm phán toàn diện, công khai với sự tham gia của tất cả thành viên, đảm bảo lợi ích của mọi thành viên.
Về đàm phán mở cửa thị trường và các hàng rào phi thuế quan, Đại sứ Vũ Dũng nêu rõ: Đàm phán phải nhằm mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa của các nước đang phát triển tiếp cận thị trường các nước phát triển; việc xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với các ngành hàng cụ thể không được tạo ra các gánh nặng tài chính và hành chính cho các nước đang phát triển, phải xem xét đồng thời các hình thức linh hoạt, ưu đãi và các biện pháp hỗ trợ kỹ thuật cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Cùng ngày, tại phiên đàm phán về các qui định của Tổ chức Thương mại Thế giới, bà Trần Thu Hằng, Phó trưởng phái đoàn đại diện nước ta, cũng đã phát biểu bày tỏ lo ngại việc một số nước gia tăng các biện pháp chống bán phá giá, gây thiệt hại không những cho sản xuất của nhiều nước đang phát triển mà cả người tiêu dùng tại các nước phát triển. Việt Nam, cùng nhiều thành viên đang phát triển khác đã đưa ra các đề xuất cụ thể về sửa đổi các qui định của Tổ chức Thương mại Thế giới theo hướng hạn chế việc lạm dụng các biện pháp chống bán phá giá và áp dụng các qui định bất lợi cho các nước đang phát triển như phương pháp qui về không trong bán phá giá, các qui định về rà soát, và tính giá. Về trợ cấp, đoàn Việt Nam nhấn mạnh, nhu cầu phát triển và duy trì những ưu đãi, trợ cấp dành cho ngư dân, thực hiện các mục tiêu xóa đói, giảm nghèo cho các vùng ven biển. Đề xuất của Việt Nam đã được nhiều nước đang phát triển khác ủng hộ.
Trong tuần đàm phán, đại diện nhiều nước cũng bày tỏ quyết tâm cùng nhau vượt qua những vấn đề còn tồn tại, phấn đấu đưa vòng đàm phán Doha đến đích cuối cùng trong năm sau./.
TTXVN