Việt Nam và ASEAN: Nhìn lại gần 2 thập kỷ đồng hành
VOV.VN -Trong 19 năm qua, Việt Nam đã có những đóng góp xứng đáng cho ASEAN thông qua nhiều sáng kiến...
Vào ngày này cách đây đúng 19 năm (ngày 28/7/1995), Việt Nam đã chính thức được kết nạp trở thành thành viên thứ 7 của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sau 3 năm làm quan sát viên. Sau gần 2 thập kỷ đồng hành gắn bó, đến nay đã có thể khẳng định, quyết định gia nhập ASEAN của lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta là một quyết định có tính lịch sử với tầm nhìn chiến lược dài hạn. Sự tham gia của Việt Nam trong ASEAN là một quá trình vừa học hỏi vừa làm, gắn bó lâu dài, đôi bên cùng có lợi, quyền lợi đi liền với trách nhiệm, nghĩa vụ.
Nhân dịp kỷ niệm ngày Việt Nam gia nhập ASEAN, Tiến sĩ (TS) Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Ngoại giao phân tích những đóng góp của Việt Nam kể từ khi trở thành thành viên của ASEAN.
Cờ của các nước tham gia Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (Ảnh: TTXVN)
Tham gia ASEAN đã mang lại cho Việt Nam rất nhiều lợi ích to lớn. Thông qua việc hội nhập sâu rộng vào các cơ chế của ASEAN đã giúp chúng ta củng cố và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, tranh thủ các điều kiện thuận lợi để phục vụ cho hai mục tiêu chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc. Không những thế, tham gia ASEAN còn là một bước đệm quan trọng để chúng ta hội nhập sâu rộng với thế giới.
Thông qua ASEAN, chúng ta biết các cơ chế khu vực vận hành như thế nào, Việt Nam đang ở đâu? Mạnh, yếu ở điểm nào? Các bạn bè, đối tác của chúng ta ra sao?... và từ đó ta vừa học hỏi, vừa có bước điều chỉnh phù hợp. Đây là một bước tập dượt rất quan trọng để chúng ta có thể hội nhập sâu hơn với khu vực và thế giới. Tham gia ASEAN còn giúp Việt Nam đào tạo được một đội ngũ cán bộ giỏi về chuyên môn, ngoại ngữ, tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong đàm phán quốc tế… Bên cạnh đó, việc tham gia ASEAN cũng đặt ra những thách thức đi kèm, trong đó lớn nhất là sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt hơn, thậm chí là cạnh tranh ngay trên sân nhà.
Trong 19 năm qua, Việt Nam đã có những đóng góp xứng đáng cho ASEAN thông qua nhiều sáng kiến, cũng như việc thực hiện nghiêm chỉnh các nghĩa vụ của một thành viên trong đại gia đình ASEAN. Có thể tóm tắt những đóng góp của Việt Nam trên 3 lĩnh vực:
Thứ nhất, về chính trị - an ninh: Mặc dù tình hình thế giới và khu vực diễn biến rất phức tạp; bản thân ASEAN trong 19 năm qua cũng đã có nhiều thay đổi cả về cơ cấu tổ chức, thể chế hoạt động… nhưng Việt Nam vẫn kiên trì các nguyên tắc cơ bản trong ASEAN như nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau… Chính điều này đã góp phần giúp ASEAN vượt qua được rất nhiều sóng gió trong hai thập kỷ qua. Trong quan hệ với các đối tác ngoài khu vực, chúng ta cũng đã phối hợp tốt cùng với các thành viên khác trong ASEAN duy trì sự đoàn kết nhất trí, duy trì tính trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc khu vực đang định hình. Việt Nam cũng đã cùng các nước ASEAN xây dựng nên một số cơ chế hiệu quả trong ASEAN như ADMM+…, góp phần xây dựng Hiến chương ASEAN… Điều này đã được các nước trong và ngoài khu vực đánh giá cao.
Thứ hai, trong quá trình xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN, mặc dù trình độ phát triển của Việt Nam mới chỉ ở nhóm nước trung bình trong ASEAN, nhưng chúng ta đã hoàn thành và thậm chí là vượt mức nhiều mục tiêu đề ra. Việt Nam cũng đi đầu trong việc thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước phát triển hơn trong ASEAN và nhóm các nước còn lại, góp phần xây dựng ASEAN ngày một vững mạnh.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đã tích cực tham gia quá trình xây dựng cộng đồng văn hóa – xã hội, đi tiên phong trong một số mặt như xóa đói giảm nghèo, hoạt động thanh niên, chống biến đổi khí hậu… Nói tóm lại, Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ qua đó có nhiều đóng góp thực chất cho ASEAN.
Thời gian tới, trách nhiệm đối với chúng ta trong ASEAN sẽ ngày càng lớn hơn do bối cảnh Quốc tế và khu vực hiện đang diễn biến rất phức tạp, bản thân ASEAN sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới về chất với việc hình thành 3 cộng đồng. Việt Nam cần phải chủ động hơn nữa, tích cực tham gia vào quá trình xây dựng và phát triển cộng đồng.
Tham gia ASEAN tới đây sẽ không chỉ có Chính phủ, mà còn có mọi thành phần kinh tế, xã hội, trọng tâm là hướng về con người, phục vụ con người. Cơ hội do ASEAN mang lại sẽ ngày càng nhiều nhưng thách thức cũng sẽ rất lớn. Nếu các doanh nghiệp, các tổ chức đoàn thể xã hội và mỗi người Việt Nam chủ động hơn, ý thức tốt hơn và có năng lực tự thân tốt thì sẽ tận dụng tốt hơn cơ hội, hóa giải mọi thách thức. Từ đó, chúng ta có thể cùng ASEAN hướng tới những mục tiêu cao hơn về hòa bình, ổn định và phát triển./.