Vĩnh biệt chú Sáu Khải
VOV.VN -Cuối cùng chú Sáu Khải ra đi trong niềm thương tiếc vô hạn của bao người, trong đó có tôi là người đã vinh dự làm phiên dịch cho Chú gần 10 năm.
Cứ thấp thỏm lo âu mãi trong suốt ba tuần qua để mong một điều kỳ diệu sẽ đến nhưng không hề có. Cuối cùng chú Sáu (nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải) đã về bên cô vào lúc 1h30 sáng 17/3 thật rồi.
Chú ra đi trong niềm thương tiếc vô hạn của bao người, trong đó có tôi. Bởi lẽ trong số gần 10 nhà Lãnh đạo Cấp cao của Việt Nam mà tôi được vinh dự phục vụ ít nhiều trong gần 10 năm làm phiên dịch cấp cao (1991-2000), chú Sáu là người mà tôi gắn bó nhiều nhất. Bao nhiêu ký ức của một thời đầy sôi động buồn vui cứ ùa về làm nước mắt chảy dài ướt sẫm áo.
Trong ảnh, đại sứ Phạm Sanh Châu đứng thứ 4 từ trái sang, sau Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. |
Làm sao quên được tiếng cười rất to, sảng khoái và cái bắt tay khá mạnh và bộc trực của ông những ngày ông tiếp khách nước ngoài thủa đầu mới mở cửa khi ông còn làm Phó Thủ tướng.
Làm sao quên được nỗi trăn trở và lời cầu nguyện Bác của ông khi ông dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam sang Auckland, New Zealand để dự Tuần lễ Cấp cao APEC 1999 mà chưa ký được Hiệp định Thương mại song phương BTA Việt Nam - Hoa kỳ như mong muốn.
Làm sao quên được cuộc nói chuyện giữa ông và Tổng thống Bill Clinton thân mật gần gũi và đầy cảm thông chia sẻ, mặc dù đó là cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Việt Nam và Hoa kỳ kể từ khi Việt Nam thống nhất. Sự chân thành của ông đã lay động được Tổng thống Clinton khiến Tổng thống quyết tâm thực hiện chuyến thăm lịch sử lần đầu tiên đến Việt Nam một năm sau đó.
Làm sao quên được sự tức giận của ông khi ông đã hết mình thuyết phục các nhà lãnh đạo Đông Nam Á nhưng vẫn không đạt được đồng thuận để Campuchia được kết nạp vào ASEAN tại Hội nghị Cấp cao Hà Nội 1998, mở đường cho việc xây dựng một cộng đồng ASSEAN gồm đầy đủ 10 nước thành viên như những nhà sáng lập ASEAN mong muốn. Ông đã “chiến đấu” hết mình cho một cộng đồng ASEAN và một mối quan hệ Việt Nam - Campuchia hữu nghị bền vững.
Vẫn còn đó khao khát cháy bỏng của ông mong muốn Việt Nam phát triển và xã hội bình yên như các nước Bắc Âu, khi ông tận tâm học từng mô hình phát triển ở những nước mà theo ông rất “xã hội chủ nghĩa” và mình phải học "từng chút của người ta”. Những nhà ngoại giao như chúng tôi sẽ nhớ mãi lời ông căn dặn nhân chuyến thăm Áo: “Tụi bây ở bên này phải cố làm gì có ích thiết thực cho đất nước chứ không thì phí thời gian và tiền bạc của nhân dân”.
Làm sao quên được khao khát trẻ hoá đội ngũ lãnh đạo Việt Nam của ông sau khi ông gặp và rất ấn tượng với Thủ tướng Anh Tony Blair, khi ông này chủ trì hội nghị Cấp cao ASEM 2 năm 1998. Sau ngày đó, ông nói với chúng tôi rằng: “Tao giao thật nhiều việc cho Ba Dũng (Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thời bấy giờ) để nó làm, nó cực lắm nhưng sẽ sớm trưởng thành”.
Ông bình dị đến nỗi không câu nệ về lễ tân ngoại giao, vì theo ông hiệu quả là quan trọng và không cần hình thức lắm. Ông vui mừng chừng nào khi tôi “thiết kế” được cho ông thoát khỏi một hàng dài các nguyên thủ đợi xe ô tô theo vần a-b-c, bằng cách đi bộ qua bãi đỗ xe của cung điện Buckingham để về khách sạn sau khi dự Quốc yến của Nữ hoàng Anh.
Ông là con người của gia đình luôn yêu thương vợ, con và những người cộng sự, giúp việc. Ngày ông hạnh phúc nhất là ngày con gái ông - chị Yến, người ông thương yêu nhất nhà vì hay ốm yếu, đi lấy chồng. Ngày ông đau khổ nhất là ngày bà từ bỏ ông để về với tổ tiên.
Lần cuối cùng tôi gặp ông, ông vẫn vui vẻ, tuy sức khoẻ có giảm sút đi nhiều. Vẫn trong căn nhà vườn ở Củ Chi, ông trầm ngâm: “Năm tháng càng lùi xa thì mọi người càng nhận thấy thời tao làm cũng được mày ạ, ổn định và phát triển”. Và ông dắt tôi ra vườn nơi có mộ bà và nói: “Tao để cô nằm đây cho gần nhà. "Và đây là chỗ của tao”- ông chỉ miếng đất nằm cạnh đó. Đời ông, đang đương chức mà chẳng màng đến danh vọng, huống chi lúc nằm xuống. Khi về hưu ông thanh thản và nhẹ nhàng, bàn giao lại mọi thứ và về thẳng quê nhà không can thiệp vào chính sự.
Ông là thế, hết mình vì nước, nhưng chính trực với lợi ích cá nhân mình. Ánh mắt ông nhìn tôi ái ngại khi công việc của tôi không thuận buồm xuôi gió, vì ông không giúp được tôi và đó sẽ là ánh mắt thân thương nhất đi hết cuộc đời này của tôi.
Trong những cộng sự đắc lực của ông, có mấy ai lên được chức Thứ trưởng! Chính vì thế, tôi đau cùng nỗi đau của ông khi ông bộc bạch trước Quốc hội là ông nhận khuyết điểm vì không ngăn chặn được tham nhũng và rằng “con người là vốn quí nhất của quốc gia”.
Thế là giờ Chú Sáu đã được đoàn tụ cùng Cô. Và nơi ấy, hẳn là tiếng cười của Chú vẫn giòn tan như nơi này. Vẫn cười to như khi con Át cơ chú có bắt được con K cơ của cháu. Vẫn hể hả khi bỏ nhỏ quả cầu lông trong mỗi trận đánh sau giờ làm việc tại ngôi nhà ở phố Chùa Một Cột.
Chú đi rồi cháu sẽ không bao giờ phải vội vã dò kênh bóng đá cho Chú nữa khi mỗi lần mình di chuyển sang khách sạn mới. Và cháu sẽ không bao giờ phải thủ sẵn một cái gạt tàn để mỗi lần Chú ngoài đầu là có sẵn.
Vĩnh biệt Chú!./.
Danh sách Ban Tổ chức Lễ tang nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải
Thông cáo đặc biệt tang lễ nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải
Tóm tắt tiểu sử nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải
Danh sách Ban Lễ tang nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải
Lễ viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải được tổ chức từ 8h ngày 20/3