Vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam có tổ chức, "quy mô lớn"
VOV.VN - Theo ông Nguyễn Thái Học, vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số Trung tâm Đăng kiểm “không phải là tham nhũng “vặt” mà có hệ thống, có tổ chức, có quy mô lớn lắm”.
Sáng 12/1, tại phiên họp 23, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đã thống nhất bổ sung vụ án “Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Môi giới hối lộ; Giả mạo trong công tác” xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số Trung tâm Đăng kiểm vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Thông tin thêm về vụ án này, tại buổi họp báo thông báo về kết quả phiên họp 23 tổ chức chiều 12/1, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho biết, vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số Trung tâm Đăng kiểm “không phải là tham nhũng “vặt” mà có hệ thống, có tổ chức, có quy mô lớn lắm”.
“Sáng nay, Bộ trưởng Bộ Công an nói, tính chất nghiêm trọng của vấn đề là có tổ chức, phân công, phối hợp chặt chẽ. Chính vì thế, Ban Chỉ đạo mới quyết định đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo vụ này”, ông Nguyễn Thái Học thông tin.
Đối với vụ việc tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ban chỉ đạo cũng xác định đây là một trong 10 vụ án trọng điểm sẽ được xử lý dứt điểm trong năm 2023.
Ông Nguyễn Thái Học cũng nhấn mạnh, tất cả các hành vi tham nhũng, tiêu cực xảy ra ở địa bàn nào, địa phương nào thì trách nhiệm của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương đó phải lãnh đạo, chỉ đạo, phát hiện, xử lý.
“Tất cả hành vi tham nhũng, tiêu cực xảy ra ở địa bàn nào, địa phương nào thì trách nhiệm của Ban chỉ đạo ở địa phương đó phải lãnh đạo, chỉ đạo, phát hiện, xử lý, không riêng gì việc lót tay, “bôi trơn”. Ở đâu có hành vi tham nhũng, tiêu cực mà ở đó không phát hiện, không xử lý thì trách nhiệm thuộc về cấp ủy, tổ chức đảng, mà trước hết là Trưởng Ban Chỉ đạo phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân”.
Ông Nguyễn Thái Học cho biết điều này, đồng thời thông tin tại phiên họp 23 diễn ra sáng nay, Tổng Bí thư đã nói: Qua theo dõi cho thấy Ban chỉ đạo ở nhiều địa phương làm rất tốt. Các nhân sự tham gia vào Ban Chỉ đạo phải là những người thực sự tiêu biểu, thực sự gương mẫu để đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, và như thế sẽ tạo ra chuyển biến rất tốt từ Trung ương cho đến địa phương.
Đùn đẩy, né tránh, không chịu làm việc là biểu hiện của tiêu cực
Nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 của Ban chỉ đạo Trung ương, ông Nguyễn Thái cho biết, Ban chỉ đạo xác định tập trung kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong xã hội, những lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động có tính khép kín. Định hướng chung này không chỉ ở Trung ương mà còn ở các địa phương cũng tập trung triển khai.
Ban chỉ đạo cũng yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng tập trung chỉ đạo, chấn chỉnh, khắc phục tư tưởng bàn lùi, đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Theo ông Nguyễn Thái Học, cần phải nhận diện đúng việc đùn đẩy, né tránh có nguyên nhân từ đâu? Nếu do cơ chế, luật pháp không rõ ràng thì phải sửa để mọi người đều thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của mình mà không sợ làm sai. Nếu như việc đùn đẩy, né tránh là do chủ quan, do năng lực hạn chế, do nhận thức pháp luật không đẩy đủ dẫn đến việc cán bộ không dám làm và không chịu làm thì phải chấn chỉnh, xử lý.
“Thường trực Ban Bí thư đã nói: Đùn đẩy, né tránh, không chịu làm việc thì đó là biểu hiện của tiêu cực, phải chấn chỉnh, xử lý. Nếu luật pháp, quy định đã rõ ràng mà cứ đùn đẩy, né tránh, không chịu làm thì phải bị xử lý”, ông Nguyễn Thái Học nêu rõ.
Cũng tại buổi họp báo chiều 12/1, thay mặt Ban chỉ đạo, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học đã tặng hoa và khen thưởng 8 cơ quan báo chí, trong đó có Phòng Phóng viên, Ban Thời sự, Đài TNVN đã có nhiều thành tích trong công tác tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước trong thời gian qua.