Hợp tác đa phương sẽ là chủ đề nóng tại Hội nghị thượng đỉnh G20
VOV.VN - Một trong các chủ đề nóng tại G20 sắp tới sẽ là tăng cường hợp tác đa phương trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Chỉ còn 4 ngày nữa, Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ diễn ra tại thành phố Osaka, Nhật Bản. Theo đánh giá của giới học giả Nhật Bản, một trong các chủ đề nóng sẽ được tập trung thảo luận tại hội nghị lần này chính là tăng cường hợp tác đa phương trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang leo thang trên thế giới.
Lãnh đạo các nước chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tháng 11/2018 tại Buenos Aires, Argentina. Ảnh: Chính phủ Nhật Bản |
Theo Tổng thư ký Trung tâm Báo chí nước ngoài Nhật Bản Akiko Sagano, vận mệnh của con người hiện nay có mối quan hệ mật thiết với nhau. Lợi ích của tất cả các quốc gia đều gắn chặt với nhau. Cộng đồng quốc tế cũng vì thế mà cùng phải đối mặt với những vấn đề và thách thức mới ngày càng tăng.
Sự gia tăng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các quốc gia trên thế giới, trong đó có căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, cũng như sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ đã kéo theo nhiều nguy cơ đối với sự phát triển của kinh tế thế giới. Điều này đòi hỏi các quốc gia phải thúc đẩy cơ chế hợp tác đa phương và tăng cường hợp tác quốc tế nhằm đối phó với các nguy cơ và thách thức chung. Đây cũng chính là chủ đề sẽ được đại diện các nước tham dự G20 lần này tập trung thảo luận.
Bà Sagano nhấn mạnh: “Tất cả các bên đều kỳ vọng, hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka sẽ thúc đẩy đối thoại vì hợp tác kinh tế và thương mại đa phương là điều không thể thiếu được đối với sự phát triển công bằng và tự do của nền kinh tế và thương mại thế giới. Ngoài ra, các quy định của nền kinh tế thế giới đều đang bị suy yếu đi. Điều này tác động tiêu cực tới sự phát triển của kinh tế thế giới. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc triệu tập hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka. Mọi người, kể cả giới báo chí nước ngoài đều quan tâm đến các nội dung thúc đẩy hệ thống thương mại công bằng và tự do thông qua hợp tâc thương mại và kinh tế đa phương.”
Tuyên bố chung tại hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 – hội nghị trù bị cho hội nghị thượng đỉnh G20 - diễn ra đầu tháng 6 này cũng đã nhấn mạnh rằng, nền kinh tế thế giới và các xung đột kinh tế, thương mại cũng như xung đột địa chính trị đang ngày càng nhiều lên và nghiêm trọng hơn. Phần đông cộng đồng quốc tế đều lên tiếng ủng hộ các cơ chế đa phương, phản đối các hành động bảo hộ và đơn phương cũng như thúc đẩy tinh thần đối tác, tăng cường trao đổi quốc gia và hợp tác cũng như xây dựng nền kinh tế thế giới mở. Do đó, không lẽ gì, hội nghị G20 lại không nhấn mạnh tầm quan trọng của các cơ chế đa phương và tự do thương mại toàn cầu.
Giáo sư học viện nghiên cứu Châu Á – Thái Bình Dương thuộc đại học Waseda, Nhật Bản Shujiro Urata nói: “Tốc độ tăng trưởng toàn cầu cần được đẩy mạnh, đòi hỏi các quốc gia phải đối phó với bảo hộ thương mại và thúc đẩy tự do thương mại thông qua hợp tác kinh tế. Tôi tin là tầm quan trọng của cuộc gặp G20 ở Osaka nằm ở việc nhận thức lại nguy cơ của bảo hộ thương mại và tầm quan trọng của tự do thương mại.”
Hội nghị Thượng đỉnh G20 dự kiến sẽ diễn ra ở Osaka trong các ngày từ 28 đến 29/6, với sự tham dự của các nguyên thủ/lãnh đạo của 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới, 8 quốc gia khách mời và lãnh đạo của nhiều tổ chức quốc tế quan trọng trên thế giới như Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO)...
Cho đến lúc này, mọi công tác chuẩn bị cho hội nghị đã gần như hoàn tất. Các cơ quan chức năng Nhật Bản đã triển khai các biện pháp an ninh gắt gao nhất tại Osaka nhằm đảm bảo an toàn cho hội nghị. Ước tính hơn 32.000 cảnh sát đã được huy động từ 46 tỉnh, thành trên khắp đất nước Nhật Bản để bảo đảm an toàn và an ninh trên các tuyến phố tại Osaka, nhiều hơn so với con số 23 nghìn cảnh sát được triển khai để đảm bảo an ninh cho Hội nghị Thượng đỉnh G7 năm 2016. /.