Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ: Phạt chưa đủ, phải đền bù
VOV.VN - Xử phạt hành chính phải tính thiệt hại của người bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Một bộ phim làm ra chưa thu được lợi nhuận đã bị xâm phạm thì thiệt hại là rất lớn, khi xử phạt phải tính việc đền bù thiệt hại đó.
Sáng 12/4, tại Hà Nội, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ. Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng chủ trì Hội nghị.
Đồng chủ trì Hội nghị có bà Nguyễn Thị Mai Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; GS.TS Nguyễn Lân Dũng, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Quyền lực trí tuệ và sự hưng thịnh của quốc gia
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021) và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ 8 (ngày 15/2/2022). Sau khi tiếp thu, chỉnh lý trên cơ sở các ý kiến tại Phiên họp thứ 8 Ủy ban Thường vụ quốc hội, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ sẽ bổ sung, sửa đổi 103 điều. Trong đó có 12 điều chỉ sửa đổi, bổ sung về kỹ thuật, bãi bỏ một số quy định tại 5 điều; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giá, Luật Hải quan, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Hiện nay, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đang tiếp tục được xin ý kiến góp ý của các nhà khoa học, chuyên gia, các tầng lớp nhân dân thông qua các hội nghị, hội thảo để hoàn thiện.
Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, PGS.TS Quách Sỹ Hùng, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng: Chúng ta có quyền lực kinh tế và quyền lực trí tuệ, trong đó quyền lực trí tuệ rất quan trọng, nếu phát triển thì quốc gia hưng thịnh. Do đó, sửa luật lần này cần bảo đảm bảo vệ được quyền lực trí tuệ đó.
“Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi cần có sự thống nhất trong cách dùng từ “bảo vệ” và “bảo hộ” đối với các sáng chế, quyền sở hữu trí tuệ,... nhằm đảm bảo tính đồng bộ xuyên suốt quá trình hoàn thiện luật”, ông Quách Sỹ Hùng nói.
Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ: Phạt chưa đủ, phải đền bù!
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, MTTQ phải tuyên truyền, quy định để bảo đảm các tổ chức, cá nhân làm ra, sáng tạo ra sản phẩm phải đi đăng ký quyền sở hữu trí tuệ và các cơ quan quản lý Nhà nước phải tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, tránh tình trạng như vừa qua, nhiều sản phẩm, hàng hóa của người Việt Nam bị nước ngoài đăng ký quyền sở hữu trí tuệ.
“Xử phạt hành chính phải tính thiệt hại của người bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, một bộ phim làm ra chưa thu được lợi nhuận đã bị xâm phạm thì thiệt hại của họ là rất lớn, nên khi xử phạt phải tính đến thiệt hại đó”, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức nêu rõ.
Ở góc độ khác, GS.TS Lê Vân Trình, Ủy viên Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường UBTƯ MTTQ Việt Nam đề nghị cần sửa đổi tên dự án Luật, bởi Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 cũng đã được sửa đổi 2 lần vào năm 2009 và năm 2019. Do đó nên đổi tên dự án “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ” thành “Luật Sở hữu trí tuệ 2022”.
“Dự thảo cần quy định chi tiết mang tính định lượng các tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng để cả chủ sở hữu và cơ quan nhà nước có thẩm quyền có cơ sở thống nhất, cụ thể khi xác lập quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng.”, GS.TS Lê Vân Trình kiến nghị.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho biết, Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội thông qua năm 2005 (Luật số 50/2005/QH11) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2006. Qua 16 năm thi hành, Luật SHTT đã phát huy vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh các quan hệ pháp luật đối với loại tài sản đặc biệt, đó là tài sản trí tuệ. Tuy nhiên, bối cảnh phát triển hiện nay đã có nhiều thay đổi so với năm 2005. Việt Nam không còn thuần túy là nước “sử dụng tài sản trí tuệ” mà đang chuyển mạnh sang là nước tạo ra loại tài sản này để phục vụ cho mô hình tăng trưởng theo chiều sâu.
“Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ lần này là yêu cầu cấp thiết đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, đáp ứng các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp và yêu cầu mới đề ra theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng”, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.
Ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến đóng góp tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng khẳng định, các đề xuất, góp ý đã đạt hiệu quả thiết thực, đại diện cho tiếng nói của các giới, tầng lớp nhân dân.
UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ hoàn thiện văn bản góp ý gửi Ủy ban Pháp luật của Quốc hội để tổng hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để thông qua tại kỳ họp lần thứ 3 vào tháng 5/2022./.