Xanh mãi con đường tuổi hai mươi

Sự hy sinh của những thanh niên xung phong tại Hang Tám Cô là khúc tráng ca của huyền thoại Trường Sơn, để Trường Sơn xanh mãi con đường của tuổi hai mươi

Cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam của nhân dân ta ngày càng quyết liệt, địch càng điên cuồng đánh phá đường Trường Sơn hòng ngăn chặn con đường chi viện cho chiến trường miền Nam. Những chàng trai cô gái của Đoàn 559 phải giành giật từng giờ từng phút với khốc liệt của đạn bom, giữ vững con đường cho xe qua. Không ít người đã nằm lại với Trường Sơn huyền thoại. Sự hy sinh của những thanh niên xung phong tại Hang Tám Cô là khúc tráng ca của huyền thoại Trường Sơn, để Trường Sơn xanh mãi con đường của tuổi hai mươi.

Mùa mưa năm 1965, việc vận chuyển hàng hóa, vũ khí bằng cơ giới trên đường Trường Sơn nhánh Tây bị ách tắt do vùng Xiêng Phan, nước bạn Lào ngập sâu trong nước. Để phá thế độc tuyến, bảo đảm chi viện liên tục cho chiến trường miền Nam, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 quyết định mở đường tránh, nối Ðông Trường Sơn từ Quảng Bình đến Tây Trường Sơn thuộc tỉnh Khăm Muộn (Lào).

Con đường xuất phát từ Phong Nha, vắt ngang qua dãy Trường Sơn, tới ngã ba Lùm Bùm, trên tả ngạn sông Noọng Cà Ðen, nước bạn Lào, nối vào đường 128, theo đường 9, tổng chiều dài 123km. Con đường phải vượt qua nhiều địa hình hiểm trở, vách đá dựng đứng như Chà Ang, Ba Thang, Khe Diêm, U Bò. Lượng đá phải phá hơn 1 triệu mét khối, trong khi chúng ta chưa nhiều kinh nghịêm và thiếu thốn mọi bề. Trung đoàn 10 công binh 559, hai Trung đoàn bộ binh đi B dừng lại và bốn đội Thanh niên xung phong với tổng số 4.000 đội viên được huy động để mở đường.

17 giờ chiều 30 Tết Bính Ngọ 1966, quả bộc phá đầu tiên được phát lệnh nổ. Với quyết tâm "Chọc thủng Trường Sơn mở đường thắng lợi", con đường được đặt tên là Quyết Thắng, sau này còn có tên là đường 20,  tuổi của những thanh niên xung phong thi công cung đường này. Khó khăn không làm chùn quyết tâm sắt đá của tuổi trẻ. Mỗi ngày đêm các  lực lượng hoàn thành 1 km đường.

Sau 127 ngày đêm làm việc không ngưng nghỉ, con đường dài 123 km đã hoàn thành, từng đoàn xe lại nối nhau xuyên Trường Sơn chuyển hàng vào mặt trận, năng suất vận chuyển tăng lên gấp 10 lần trước đó. Chiến tranh ngày càng ác liệt, địch điên cuồng đánh phá miền Bắc nhằm ngăn chặn quân ta ra trận. Đường 20 Quyết Thắng trở thành cửa khẩu huyết tử giữa Trường Sơn. Những cái tên như Cua chữ A, ngầm Ta Lê, Pu La Nhích, ai đã một lần qua Trường Sơn những năm tháng ác liệt ấy đều không thể nào quên. Bởi từng ngọn cây, hốc đá nơi đây đã thấm máu hàng nghìn thanh niên xung phong, bộ đội… để bảo vệ tuyến đường. Các anh các chị đã không quản ngại gian khổ hiểm nguy, không tính toan vụ lợi cho riêng mình. Tất cả vì sự an toàn cho những chuyến hàng chi viện cho miền Nam máu lửa. 

Chiến tranh ác liệt, đạn bom cày nát núi rừng Trường Sơn. Hàng ngàn liệt sĩ đã ngã xuống để bảo vệ tuyến đường. Trong đó, sự ra đi của những thanh niên xung phong ở Hang Tám Cô bên đường 20 đã trở thành huyền thoại. Chiều 14/11/1972, máy bay B52 rải 3 loạt bom xuống Km16 đường 20. Không gian như vỡ tung, núi rừng chao đảo. Một khối đá khổng lồ đổ sập xuống lấp kín cửa hang và giam chặt 8 thanh niên xung phong cùng 5 chiến sĩ pháo binh làm nhiệm vụ trên cung đường này. Đồng đội tìm mọi cách cứu họ nhưng đành bất lực. 9 ngày chầm chậm trôi qua, những tiếng kêu cứu lịm dần trong hang đá. Các anh các chị đã mang vào lòng đất nỗi đau tột cùng của chiến tranh.

25 năm sau, tháng 3/1996, một trung đội công binh Quảng Bình dùng 80kg thuốc nổ, phá đá đào bới gần 60 ngày đêm mới tìm thấy 8 bộ hài cốt. Thật xúc động khi phát hiện trong hang có hai cụm xương, một cụm xương gần cửa hang, được xác định của anh Hoàng Văn Vụ, xương tay rướn tới cào vào mép đá như một nỗ lực cuối cùng tìm về cuộc sống. Cụm thứ hai có 7 bộ xương gồm 3 nam, 4 nữ. Chắc là trước khi kiệt sức, 7 người đã ôm chặt để cùng sống chết có nhau. Vì vậy mà “Hang Tám Cô” đã trở thành hang đá thiêng trên đường 20 Quyết Thắng.

Ngoài ra, trước cửa hang cũng cất bốc thêm 5 hài cốt liệt sĩ của bộ đội pháo binh. Trong 13 liệt sỹ tìm thấy hài cốt tại khu vực này, chỉ có 4 nữ Thanh niên xung phong cùng quê Thanh Hóa, nhưng người đời vẫn gọi cái hang định mệnh này là “Hang Tám cô”.

  

Hang Tám cô và Đền thờ liệt sĩ bên cạnh hang

Hang Tám Cô bây giờ đã được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia. Đền thờ liệt sĩ xây dựng khang trang bên cạnh hang lúc nào cũng nghi ngút khói hương. Khách tham quan, người qua lại nơi đây ai cũng thành kính dâng hương hoa, tưởng niệm các thanh niên xung phong. Trên bàn thờ còn có cả những chiếc gương, chiếc lược mới xinh xinh. Tạo hóa cũng cảm thông cho những chàng trai cô gái đôi mươi hy sinh vì đất nước  mà chưa một lần được yêu, cây sanh lớn bên cạnh đền thờ đã buông rễ ôm chặt lấy cây mận rừng, suốt ngày rì rào nhạc lá, ca mãi bản tình ca của tuổi hai mươi một thời máu lửa Trường Sơn. Hang Tám Cô  trở thành một địa chỉ thiêng liêng đối với bao người đang sống hôm nay.

Đất nước đang trên đường đổi mới, đường 20- Quyết Thắng đã được nâng cấp. Cửa khẩu Cà Roòng - Noọng Ma ngày ngày đón những chuyến xe xuôi ngược từ tỉnh Khăm Muộn nước bạn Lào sang Quảng Bình, xuôi đường Hồ Chí Minh đến với biển xanh cát trắng miền Trung. Cùng với Khu tưởng niệm anh hùng liệt sỹ tại Hang Tám Cô,  các trọng điểm trên đường 20 Quyết Thắng, bến phà Xuân Sơn, động Phong Nha và đường Hồ Chí Minh khắc sâu bao sự kiện, bao chiến công hiển hách của bộ đội Trường Sơn, của Thanh niên xung phong đã và đang trở thành địa chỉ đỏ cho bao thế hệ có dịp đến với Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng, thăm lại chiến trường xưa, kính cẩn thắp nén hương tưởng niệm trước vong linh những người đã hiến trọn tuổi xuân của mình cho đất nước.

Giữa thăm thẳm rừng già, giữa bốn bề núi dựng, trong tiếng suối rừng ngân nga, trong tiếng gió ngàn cây lay động, trời vẫn xanh và mây trắng vờn bay, các anh các chị đã nằm lại Trường Sơn với mãi mãi tuổi 20, với con đường mang tên sức trẻ của chính mình.../.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên