“Đảng viên bỏ sinh hoạt Đảng, tự mình rời xa quần chúng”
VOV.VN - Trong mắt quần chúng, những đảng viên tự ý bỏ Đảng, là đang tự mình rời xa quần chúng, họ được nhắc đến như những “đảng viên mất chất”!
Việc đảng viên tự ý bỏ sinh hoạt đảng, né tránh sinh hoạt khi thay đổi nơi cư trú đã và đang ảnh hưởng xấu tới uy tín của Đảng, làm suy giảm vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng. Phát biểu Khai mạc Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, khi nói về việc nâng cao hơn nữa chất lượng, sức mạnh và tính chiến đấu của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dẫn lời Lênin nhấn mạnh: "Thà ít mà tốt".
Trên tinh thần đó, Thành ủy Đà Nẵng đã thực hiện nhiều giải pháp tăng cường hơn nữa công tác quản lý đảng viên, nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng. Từ thực tế ở Đảng bộ thành phố Đà Nẵng, nhóm phóng viên VOV thường trú khu vực miền Trung thực hiện loạt bài: “Tăng cường công tác quản lý đảng viên: Thà ít mà tốt”.
Tháng 11/2018, Thường trực Quận ủy Hải Châu thực hiện thủ tục xóa tên trong danh sách đảng viên đối với ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng. Trước đó, ông Vinh nghỉ hưu không nộp hồ sơ chuyển sinh hoạt Đảng, không tham gia sinh hoạt Đảng và lên mạng xã hội tỏ thái độ “quay lưng với Đảng”. Một số cán bộ, đảng viên cho rằng, trường hợp này có biểu hiện phai nhạt lý tưởng cách mạng, vi phạm nguyên tắc, kỷ luật Đảng cần xử lý nghiêm minh.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Minh Khoa, Học viện Chính trị Khu vực 3, hiện nay không ít đảng viên mờ nhạt lý tưởng cách mạng, sống thực dụng, suy thoái, “tự diễn biến” “tự chuyển hóa”, vi phạm nguyên tắc, kỷ luật đảng.
“Đảng viên bỏ sinh hoạt Đảng được chia thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất là những đảng viên vào Đảng với động cơ không trong sáng. Mong rằng vào Đảng rồi, từ đó họ thực hiện những tham vọng cá nhân để có được vị trí trong Đảng hoặc bên chính quyền, để thực hiện những lợi ích cá nhân của họ. Và vì vậy khi những lợi ích cá nhân của họ không thực hiện được thì sinh hoạt Đảng đối với họ không còn quan trọng nên họ không tham dự. Nhóm thứ hai cho rằng, việc thực hiện nhiệm vụ, công việc của họ là quan trọng. Còn việc sinh hoạt Đảng đôi khi họ không chú trọng. Với những Đảng viên này, tôi cho rằng, chúng ta phải giáo dục, nghiêm khắc phê bình kiểm điểm”, Thạc sĩ Nguyễn Minh Khoa phân tích.
Việc tự bỏ sinh hoạt Đảng theo cách này, cách khác không phải cá biệt. Một số đảng viên sau khi nghỉ hưu không nộp giấy chuyển sinh hoạt đảng. Nhiều cán bộ, đảng viên ở phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu rất bất bình khi nguyên Bí thư Quận ủy Sơn Trà từ ngày về hưu đến nay không hề tham gia sinh hoạt đảng. Ông Nguyễn Văn Phúc, Bí thư Chi bộ 39, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu cho biết: “Khi anh ấy về đây tôi có gặp, trao đổi. Anh ấy sinh sống ở đây khoảng 8 năm, nhưng không tham gia sinh hoạt Đảng. Chỉ mỗi lần họp tổ dân phố thì cử gia đình đi họp thôi”.
Những đảng viên tự ý bỏ sinh hoạt Đảng đã tự đánh mất mình, làm giảm niềm tin đối với người dân. Kiểu “né” sinh hoạt đảng diễn ra hiện nay thường là cán bộ sau khi nghỉ hưu không chuyển hồ sơ đảng viên đến tổ chức đảng nơi được giới thiệu về sinh hoạt.
Thực tế cho thấy, nhiều đảng viên chuyển nơi cư trú nhưng không báo cáo với chi bộ, sau đó không tham gia sinh hoạt đảng, không đóng đảng phí. Chi ủy đã nhiều lần liên hệ nhưng đảng viên thiếu hợp tác, gây khó khăn trong công tác quản lý đảng viên. Số lượng đảng viên bỏ sinh hoạt, xin ra khỏi đảng hoặc bị xóa tên trong danh sách đảng viên vẫn còn diễn ra nhiều nơi. Có người vì lý do gia đình, hoàn cảnh mưu sinh đi làm ăn xa phải xin ra khỏi đảng hoặc bỏ sinh hoạt đảng. Ông Trần Thắng Lợi, Bí thư Quận ủy Sơn Trà cho biết, trong số đảng viên bị xóa tên, cho ra khỏi Đảng, số đảng viên là bộ đội xuất ngũ, đi làm ăn xa chiếm đa số.
“Nhiều người đi làm ăn xa, khó khăn về kinh tế nên họ xin ra khỏi Đảng hoặc họ bỏ sinh hoạt Đảng, phải xoá tên. Có những trường hợp phát triển ở trong môi trường Quân đội, trong Công an Nhân dân khi đi nghĩa vụ được kết nạp vào Đảng. Có những em học sinh tiêu biểu, kết nạp từ trong trường, kể cả phổ thông, kể cả Đại học nhưng khi tốt nghiệp ra trường đi làm ăn xa, không sinh hoạt đầy đủ theo Điều lệ nên phải xoá tên”, ông Lợi thông tin thêm.
Tình trạng đảng viên bỏ sinh hoạt, xin ra khỏi Đảng hoặc bị xóa tên trong danh sách đảng viên là vấn đề rất nhạy cảm, phức tạp. Nhiều đảng viên nghỉ hưu, đảng viên đi làm ăn xa, công việc không ổn định, không đảm bảo thời gian sinh hoạt chi bộ, đảng viên là quân nhân xuất ngũ, sinh viên mới tốt nghiệp ra trường chưa tìm được việc làm không tham gia đầy đủ các buổi sinh hoạt Đảng vẫn tiếp tục xảy ra ở nhiều nơi. Điều đáng nói là những đảng viên tự ý bỏ Đảng đang tự mình rời xa quần chúng. Giờ đây, trong mắt không ít người dân tại khu dân cư, họ được nhắc đến như những “đảng viên mất chất”!
Theo Ban Tổ chức Quận ủy Ngũ Hành Sơn, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã có 25 đảng viên ra khỏi Đảng. Trong đó, 16 người xóa tên đảng viên, 4 người cho ra khỏi đảng, còn lại bị khai trừ đảng vì vi phạm kỷ luật. Theo Ban Tổ chức Quận ủy Sơn Trà, từ đầu nhiệm đến nay, Đảng bộ quận có 38 trường hợp ra khỏi Đảng. Trong đó, 16 người xóa tên, 21 người xin ra khỏi đảng và 1 người bị khai trừ.
Từ năm 2020 đến tháng 6/2022, toàn Đảng bộ thành phố Đà Nẵng kết nạp được 2.334 đảng viên mới, đồng thời có 434 đảng viên ra khỏi Đảng. Trong đó 29 người bị khai trừ, 241 người bị xóa tên, 164 người xin ra khỏi Đảng
Tình trạng bỏ sinh hoạt Đảng đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết. Đảng bộ thành phố Đà Nẵng xác định rõ nhiệm vụ, mục tiêu tăng cường công tác quản lý đảng viên và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong tình hình mới./.