Đảng viên “thà ít mà tốt” còn hơn “hữu danh vô thực”
VOV.VN - Việc đưa ra khỏi hàng ngũ của Đảng những cán bộ, đảng viên giữ vị trí lãnh đạo nhưng thoái hóa, biến chất khẳng định quyết tâm của Đảng làm trong sạch đội ngũ, lấy lại niềm tin của quần chúng nhân dân.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắn nhủ cán bộ đảng viên “Nếu sợ không phục vụ được nhân dân, không phục vụ được cách mạng thì đừng vào, hay khoan hãy vào Đảng”. Còn trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa nhấn mạnh thông điệp và cũng là yêu cầu đối với đảng viên, đó là “thà ít mà tốt”, đồng thời dẫn câu nói của Lê-nin cho rằng “những đảng viên hữu danh vô thực thì cho không cũng không cần”.
Trong bối cảnh hiện nay, việc kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những đảng viên yếu kém, thoái hóa, biến chất là yêu cầu cấp bách trong công tác xây dựng đảng, khắc phục tình trạng đảng viên “hữu danh vô thực”, tạo tiền đề nâng cao chất lượng đảng viên, đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới.
7 năm trước, dưới cờ Tổ quốc, cờ Đảng và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, đảng viên Phạm Đăng Khuê ở Chi bộ thôn Lang Can 2, xã Thanh Lang, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đã đọc lời tuyên thệ, cam kết tự nguyện thực hiện Cương lĩnh, Điều lệ Đảng và hứa làm tròn nhiệm vụ của người đảng viên. Vậy mà giờ đây, Phạm Đăng Khuê không thực hiện đúng lời thề, có hành vi vi phạm pháp luật, buộc phải tiến hành các quy trình thủ tục để đưa ra khỏi Đảng. Bí thư chi bộ thôn Lang Can 2 Nguyễn Thế Hương nhớ lại: “Chi bộ cũng đau lòng vì bỏ đồng chí đi, lại là đảng viên trẻ nữa. Phải đôn đốc, tâm sự, giúp đỡ nhiều. Đảng viên này rất trẻ, kết nạp trong quân đội, về chuyển chính thức ở chi bộ. Sau đó đồng chí đi làm kinh tế, vi phạm pháp luật”.
Phạm Đăng Khuê chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp đảng viên nằm trong danh sách “bị sàng lọc” của cấp ủy Đảng các cấp cả nước trong thời gian vừa qua do vi phạm nguyên tắc, Điều lệ Đảng. Từ năm 2011 đến năm 2017, bên cạnh gần 12.000 đảng viên bị kỷ luật bằng hình thức khai trừ, cũng có hơn 38.500 đảng viên bị xóa tên. Trong nhiệm kỳ khóa XII, đã có 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý vi phạm kỷ luật Đảng. Từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, số cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý vi phạm bị xử lý là 40 người.
Rất nhiều câu hỏi đặt ra với chính những người phấn đấu kết nạp Đảng hôm nay và rèn luyện khi đã cầm trong tay tấm thẻ đảng. Trên con đường công danh, sự nghiệp, khi vật chất đủ đầy thì nhiều người lại suy thoái đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, đi ngược lại với lời thề danh dự của người đảng viên. Đây là điều mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn trăn trở.
“Nếu không liêm thì của gì cũng cả gan lấy. Không sỉ thì việc gì cũng bất chấp làm. Người mà đến như thế không chỉ rước họa làm “thân bại danh liệt” và thử hỏi còn tai họa nào mà chẳng đến. Khi mình đã ở cấp lãnh đạo mà không làm cho đạo đức được thi hành, quốc pháp được tuân thủ, những người chuyên sống xảo trá, quỷ quyệt, ăn cắp quốc khố là vô hình trung đã vứt bỏ mất danh dự, liêm sỉ, tức là lòng hổ thẹn của mình rồi”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.
Để giữ danh dự, phẩm chất người đảng viên, Giáo sư, Tiến sỹ Trần Hữu Tiến, Hội đồng lý luận Trung ương cho rằng, danh dự là phẩm chất đạo đức, lòng tự trọng của một con người, cần phải thường xuyên xây đắp, tích tụ trong suốt cuộc đời.
“Điều chúng ta suy nghĩ không phải là bộ phận nhỏ cán bộ, đảng viên không giữ phẩm chất mà điều chúng ta lo ngại là khi có điều kiện thì liệu có giữ được phẩm chất hay không? Do đó, trước hết, đảng viên phải có đạo đức cách mạng “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”. Trước hết đối với những người có trách nhiệm và sau đó toàn bộ cán bộ, đảng viên phải gương mẫu”, Giáo sư, Tiến sỹ Trần Hữu Tiến nêu quan điểm.
"Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt". Để khắc phục tình trạng đảng viên “hữu danh vô thực” thì phân công nhiệm vụ cụ thể là thước đo cống hiến của người đảng viên. Đảng viên phải gắn với trách nhiệm xã hội chứ không thể cứ tròn vo trong nhiệm vụ của Đảng.
Theo ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cấp ủy chính quyền địa phương, các tổ chức cơ sở Đảng cần đặc biệt coi trọng việc lấy phiếu tín nhiệm của nhân dân nơi đảng viên cư trú với các tiêu chí như: bản thân đảng viên và người thân chấp hành các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, các quy định của địa phương; việc nêu gương trong sinh hoạt, công việc hàng ngày. Có phương pháp cụ thể, rõ ràng để nhân dân góp ý đánh giá cán bộ, đảng viên.
“Có lẽ cứ phải nhân dân giám sát, nhân dân kiểm soát. Đảng lãnh đạo nhưng không dựa vào dân để hiểu những thông tin thì chắc chắn Đảng có muốn cũng không dễ làm được. Nói như Bác Hồ “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Vậy phương pháp là để nhân dân góp ý đánh giá giới thiệu, làm rõ những cán bộ đó vi phạm quy định thế nào. Như thế mới có điều kiện đi đến lựa chọn, kết luận mới chính xác được”, ông Phạm Thế Duyệt nhấn mạnh.
Để xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên vững mạnh không thể thiếu việc phát huy ý thức tự giác của đảng viên. Theo nhà báo Phạm Đình Đảng, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, mỗi đảng viên cần đối diện với chính mình, với lương tâm tự thấy không xứng đáng là đảng viên, hoặc không thể làm tròn nhiệm vụ đảng viên thì tự nguyện xin ra khỏi Đảng.
“Mọi người, không kể ai, từ người đứng đầu cấp ủy cho đến mỗi đảng viên bình thường phải tự xoi xét lại tư cách người đảng viên xem có xứng đáng hay không. Mỗi đảng viên đối mặt với người khác, cùng đối mặt với chính mình. Đối mặt với tổ chức và đến lượt tổ chức đối mặt với từng đảng viên. Nhân dân đối mặt với từng đảng viên. Có lẽ phải làm như thế chúng ta mới kỳ vọng vào việc tiếp tục làm trong sạch đảng, mới kỳ vọng nâng cao vị thế cầm quyền của Đảng, kỳ vọng nêu gương của cán bộ, đảng viên”, nhà báo Phạm Đình Đảng nêu quan điểm.
“Thà ít mà tốt”, còn hơn “hữu danh vô thực”. Việc đưa ra khỏi hàng ngũ của Đảng những cán bộ, đảng viên giữ vị trí lãnh đạo nhưng thoái hóa, biến chất khẳng định quyết tâm của Đảng làm trong sạch đội ngũ, lấy lại niềm tin của quần chúng nhân dân. Đề án xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên đang được thảo luận tại Hội nghị Trung ương 5 được trông đợi sẽ tạo chuyển biến, tiến bộ mới, thực chất, xây dựng đội ngũ đảng viên có số lượng, chất lượng và cơ cấu hợp lý, có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị vững vàng, đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng trong tình hình mới./.