Giám đốc công ty bị kỷ luật vì hợp tác đầu tư với người thân
VOV.VN - Đại diện Công ty U Minh Hạ cho biết, trong quá trình làm Giám đốc, ông Trần Văn Hiếu ngoài hợp tác đầu tư với những nhân viên có nhu cầu thiết thực thì còn hợp tác đầu tư với người thân. Hiện Công ty này đã thanh lý 10 hợp đồng với những người thân ông Hiếu, thu hồi hơn 230 ha đất.
Liên quan vụ việc người dân ấp 2 và ấp 14 (ở xã Khánh Hòa, huyện U Minh, Cà Mau) yêu cầu đòi lại đất rừng, ông Trần Văn Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ (Công ty U Minh hạ) được xác định đã hợp tác đầu tư với người thân, cán bộ sai quy định, gây bức xúc cho người dân địa phương.
Giám đốc hợp tác đầu tư với người thân, cán bộ
Trong cuộc họp dân để giải quyết yêu cầu đòi quyền lợi về đất rừng của bà con ấp 2 và ấp 14 vào ngày 17/6 vừa qua, đại diện Công ty U Minh Hạ cho biết, trong quá trình làm Giám đốc, ông Trần Văn Hiếu ngoài hợp tác đầu tư với những nhân viên có nhu cầu thiết thực thì còn hợp tác đầu tư với người thân.
Hiện Công ty U Minh Hạ đã thanh lý 10 hợp đồng với những người thân ông Hiếu, thu hồi hơn 230 ha đất. Trong đó, 5 hợp đồng thuộc diện hợp tác đầu tư, với diện tích hơn 60 ha; còn lại là diện tích người thân ông Hiếu chuyển nhượng lại hợp đồng liên doanh liên kết. Ông Hiếu được xác định đã ký cho người thân chuyển nhượng hợp đồng liên doanh, liên kết sai quy định.
Với những sai phạm như vậy, ngày 21/7/2021, UBND tỉnh Cà Mau đã thi hành kỷ luật ông Trần Văn Hiếu với hình thức khiển trách. Sau đó, vị này cũng bị kỷ luật Đảng bằng hình thức tương đương. Ngày 16/8/2021, UBND tỉnh Cà Mau có quyết định miễn nhiệm chức vụ Giám đốc của ông Hiếu.
Đáng lưu ý, trong những hợp đồng ông Hiếu ký kết hợp tác đầu tư có 3 người là lãnh đạo huyện U Minh thời điểm đó gồm: ông Dư Bé Ba, Chủ tịch UBND huyện; ông Ngô Thanh Điền, Phó Chủ tịch UBND huyện và bà Võ Kim Nói, Phó Bí thư Huyện ủy. Chính việc hợp đồng với người thân, cán bộ như đã nêu trên gây bức xúc cho người dân địa phương.
Nhiều hộ dân tại ấp 2 và 14 xã Khánh Hòa đứng ra tố cáo ông Hiếu. Đồng thời, yêu cầu đòi lại phần đất rừng ông Hiếu giao cho người thân, cán bộ. Những người yêu cầu cho rằng, vào năm 1983 - 1984, Nhà nước thực hiện dự án “Đê bao bảo vệ rừng” đã cắt phần đất này từ đuôi đất của họ nên đề nghị được hợp đồng giao khoán hoặc hợp tác đầu tư.
Sẽ xử lý nghiêm người lôi kéo, kích động
Thanh tra tỉnh Cà Mau vào cuộc đã xác định ông Trần Văn Hiếu có sai phạm và bị xử lý kỷ luật như đã nêu trên. Hiện UBND tỉnh Cà Mau đang tiếp tục xem xét kỷ luật ông Hiếu về những sai phạm khác trong quá trình làm Giám đốc tại Công ty U Minh Hạ.
Theo ông Lê Hồng Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện U Minh, sau khi cùng các cơ quan chức năng liên quan vào cuộc xem xét các căn cứ người dân đưa ra, thì không có cơ sở để giải quyết yêu cầu của người dân ấp 2 và 14. Năm 1983 - 1984, khi nhà nước thực hiện dự án "Đê bao bảo vệ rừng", có 1 cụm dân cư gồm 12 hộ dân sống ở kênh Mương Chùa. Để không lấn vào đất của người dân, kênh bảo vệ rừng đã được múc theo hình chữ U để tránh như hiện trạng. Tuy nhiên, gần đây nhiều người dân đòi quyền lợi không chính đáng đã vào lấn chiếm đất lâm phần của Công ty U Minh Hạ để trồng cây, cất nhà trái phép, gây mất an ninh trật tự tại địa phương.
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau sau khi xem xét báo cáo về vụ việc đã giao Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ rà soát hồ sơ pháp lý liên quan, có văn bản trả lời cụ thể từng nội dung kiến nghị của các hộ dân theo quy định của pháp luật.
Chủ tịch UBND huyện U Minh rà soát, củng cố hồ sơ pháp lý, thực hiện xử lý việc cất nhà trái phép, hành vi vi phạm pháp luật trên đất lâm nghiệp theo đúng thẩm quyền và trình tự, thủ tục quy định; đồng thời, tiếp tục tổ chức tuyên truyền, vận động để các hộ dân hiểu, nghiêm túc chấp hành pháp luật.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng chỉ đạo, Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau chỉ đạo Công an huyện U Minh khẩn trương điều tra, xác minh, xác định đối tượng có hành vi lôi kéo, kích động, gây mất an ninh trật tự và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật; đồng thời tăng cường công tác theo dõi tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý các tình huống phát sinh ngay từ đầu, không để trở thành điểm nóng, phức tạp./.