Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả
VOV.VN - Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, một trong những yêu cầu cấp thiết của Nghị quyết 20 đặt ra đó là phải nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Chiều 21/7, báo cáo tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về Nghị quyết 20 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh đến những yêu cầu cấp thiết của Nghị quyết 20 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Theo đó, kinh tế tập thể phát triển năng động, hiệu quả, bền vững, sẽ cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân với nhiều mô hình hợp tác, liên kết trên cơ sở tôn trọng bản chất, giá trị và nguyên tắc của kinh tế tập thể, thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức tham gia; góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, hộ gia đình, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2030, cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên; 45.000 hợp tác xã với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp hợp tác xã với 1.700 hợp tác xã thành viên. Trên 60% tổ chức kinh tế tập thể đạt loại tốt, khá, trong đó có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị. Trên 5.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hoá gắn với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh tham gia vào các chuỗi cung ứng đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài.
Mục tiêu đến năm 2045, Nghị quyết đặt ra yêu cầu thu hút tối thiểu 20% dân số tham gia các tổ chức kinh tế tập thể. Mở rộng quy mô hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, chất lượng hoạt động ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới. Trên 90% tổ chức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả, trong đó có ít nhất 75% tham gia các chuỗi liên kết. Phấn đấu có ít nhất 3 tổ chức kinh tế tập thể nằm trong bảng xếp hạng 300 hợp tác xã lớn nhất toàn cầu do Liên minh Hợp tác xã quốc tế (ICA) công nhận. Các tổ chức kinh tế tập thể đều áp dụng công nghệ, nhất là chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ.
Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, để đạt được những mục tiêu trên, Nghị quyết đặt ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó đáng chú ý là yêu cầu về nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Phát triển kinh tế tập thể là một trong những phương thức để khắc phục mặt trái của kinh tế thị trường, là nền tảng quan trọng để đạt mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh"; là cơ sở để "hợp tác" trở thành văn hoá, bản sắc trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; là một kênh quan trọng để thực hiện các chính sách phát triển văn hoá, xã hội bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại cộng đồng dân cư.
Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 20, Phó Thủ tướng cho biết, Nghị quyết cũng đề ra 6 nhóm nhiệm vụ cần thiết để tổ chức thực hiện. Theo ông Lê Minh Khái, nhóm nhiệm vụ thứ 3 có ý nghĩa rất quan trọng. Theo đó, đặt yêu cầu đối với Đảng đoàn Quốc hội phối hợp với Ban cán sự đảng Chính phủ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Hợp tác xã năm 2012 phù hợp với tình hình và điều kiện phát triển mới; bố trí thích đáng ngân sách nhà nước trung hạn và hằng năm hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, tạo điều kiện thuận lợi cho phân bổ và tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế tập thể; tổ chức giám sát, kiểm tra, đánh giá triển khai thực hiện pháp luật về kinh tế tập thể./.