Xây dựng cơ sở Đảng ở biên giới Tây Nam: Ở đâu có dân, ở đó có Đảng
VOV.VN - Với phương châm "ở đâu có dân thì ở đó có Đảng", ngay sau từ khi thành lập ấp biên giới Tân Khai vào năm 2012, Đảng ủy xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh đã sớm kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở tại ấp.
Hiện nay, tại các Thôn, ấp khu vực biên giới Tây Nam ở vùng Đông Nam Bộ không còn có cảnh “trắng đảng viên”. Đây là nỗ lực của cấp ủy các cấp, của các lực lượng ở biên giới trong xây dựng, phát triển cơ sở Đảng. Mỗi chi bộ, đảng bộ là những sợi chỉ đỏ nối Đảng với nhân dân, từ đó giúp đời sống người dân khu vực biên giới, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện.
Nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở Đảng trong tình hình mới, trong đó đặc biệt chú trọng đến nâng cao chất lượng đảng viên, các đảng bộ, chi bộ khu vực biên giới Tây Nam đã thực hiện nhiều giải pháp trong lựa chọn, bồi dưỡng quần chúng ưu tú để bổ sung cho các tổ chức Đảng. Song thực tiễn tại khu vực biên giới, việc xây dựng, củng cố tổ chức Đảng còn gặp không ít trở ngại.
Đây cũng nhằm thực hiện việc xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh biên giới quốc gia; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước (Mục tiêu tổng quát) theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Loạt bài “Xây dựng cơ sở Đảng trong tình hình mới ở biên giới Tây Nam” của nhóm phóng viên thường trú tại TP.HCM sẽ cho chúng ta thấy được bối cảnh thực tế của công tác xây dựng cơ sở Đảng ở khu vực biên giới vùng Đông Nam bộ hiện nay.
Bài 1: “Ở đâu có dân, ở đó có Đảng”
Thay đổi nhờ có Đảng
Ấp biên giới Tầm Phô ở xã Tân Đông, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh là "ấp trắng đảng viên" với 100% đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Năm 2005, Đảng ủy xã Tân Đông đưa 3 đảng viên về thành lập Chi bộ ấp Tầm Phô. Từ khi có chi bộ, có đảng viên ở cơ sở cầm tay chỉ việc, lối sống sinh hoạt của bà con thay đổi hẳn. Người Khmer trong Ấp đã biết trồng đa canh thay cho mỗi năm một vụ lúa nước. Họ biết muốn qua biên giới thăm người thân, hay đi làm ăn phải thông báo cho lực lượng biên phòng mới đúng pháp luật của Nhà nước.
Ông Ngô Khắc Lợi, một trong ba đảng viên đầu tiên lên xây dựng Chi bộ ấp Tầm Phô chia sẻ: "Chúng tôi ở cùng trên Ấp với bà con, hướng dẫn bà con cách sống văn minh. Ngày trước, đồng bào Khmer không bao giờ đi làm mướn. Nhưng chúng tôi đã hướng dẫn họ cách làm. Hiện nay thanh niên Khmer trong Ấp đã biết đi làm mướn để kiếm thêm thu nhập cho gia đình".
Từ ấp "trắng đảng viên", đến nay Tầm Phô đã có 8 đảng viên. Anh Thạch Thành Lợi, đảng viên người Khmer của ấp Tầm Phô cho biết: "Vô Đảng, mình mới biết việc tốt. Thứ nhất là nắm bắt được pháp luật. Thứ hai, mình về Ấp, mình còn tuyên truyền những điểm tốt để bà con biết, cuộc sống của người Kinh phát triển như thế nào".
Anh Thạch Thành Lợi, người dân tộc Khmer ở ấp biên giới Tầm Phô, xã Tân Đông, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh và Điểu Cần ngụ ở thôn Thiện Cư, xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước, là hai trong số rất nhiều đảng viên người dân tộc thiểu số thấy được: Nhờ có Đảng thôn ấp cũng đổi thay, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới đã tốt dần lên.
Điểu Cần người dân tộc Stieng ở Bình Phước là 1 trong 6 đảng viên trưởng thành từ lớp xóa mù chữ của Đồn Biên phòng Bù Đốp. Nhiệt tình, năng nổ với công tác xã hội đoàn thể, thường xuyên tham gia công tác an ninh tự quản khu vực biên giới, tham gia chi hội nông dân, anh được Đảng tin tưởng lựa chọn đào tạo, bồi dưỡng và nay là Phó bí thư chi bộ, trưởng thôn Thiện Cư.
Vào Đảng, được giao trách nhiệm, lại chịu khó học hỏi, Điểu Cần có thêm cơ hội giúp đỡ đồng bào nhiều hơn, như việc giúp đồng bào hiểu được làm thể nào để đúng đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đến việc xóa đói giảm nghèo, rồi vận động bà con đi học chữ.
Theo Điểu Cần, trước đây, tỉ lệ đồng bào dân tộc mù chữ rất cao. Năm 2005, Biên phòng Bù Đốp mở lớp xóa mù chữ cho đồng bào. Nhờ lớp học này mà đến nay 90% đồng bào Stieng trong các thôn, ấp trên địa bàn xã Thiện Hưng đã biết chữ.
Nói về Điểu Cần, Trung tá Phạm Ngọc Giang, cán bộ địa bàn của đồn Biên phòng Bù Đốp đánh giá: "Bộ đội Biên phòng dạy cho Điểu Cần biết đánh máy, biết chữ, làm trưởng thôn, phó bí thư chi bộ. Giờ Điểu Cần đánh máy làm giấy mời, các thủ tục hành chính, Nghị quyết đầy đủ hết. Điểu Cần còn dạy lại bà con cách đánh máy ngay tại nhà. Giỏi lắm!"
Đâu khó, có biên phòng
Với phương châm "ở đâu có dân thì ở đó có Đảng", ngay sau từ khi thành lập ấp biên giới Tân Khai vào năm 2012, Đảng ủy xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh đã sớm kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở tại ấp, từ: thành lập chi bộ, thành lập hội nông dân, hội cựu chiến binh, hội chữ thập đỏ…
11 năm bám cùng cơ sở, Bí thư Chi bộ Nguyễn Thị Huỳnh Hoa cho hay, từ 6 đảng viên ban đầu, ấp Tân Khai đến nay đã có 23 đảng viên tham gia sinh hoạt. Trong đó, đa số đảng viên là giáo viên và cán bộ của trạm y tế xã. Lực lượng đảng viên của ấp thường xuyên phối hợp với lực lượng biên phòng vừa hỗ trợ bà con phát triển kinh tế, vừa tham gia bảo vệ an ninh biên giới.
Trong phát triển cơ sở đảng ở các địa bàn khu vực biên giới, ngoài nỗ lực của cấp ủy đảng địa phương, không thể không nhắc đến vai trò của lực lượng biên phòng. "Đâu cần, đâu khó, đã có biên phòng", lực lượng biên phòng không chỉ giúp tham mưu cho chính quyền các huyện, xã, thôn ấp biên giới nhiều giải pháp, chương trình phát triển kinh tế, mà còn giúp dân xóa đói giảm nghèo, xóa mù chữ; đưa đảng viên là cán bộ chiến sĩ biên phòng về "cùng ăn, cùng ở" với đồng bào, để từ đó củng cố hệ thống chính trị cơ sở.
Theo Thiếu tá Hoàng Xuân Tuyên, Chính trị viên Đồn Biên phòng Bù Đốp, cán bộ biên phòng tham mưu cho Chi bộ thôn, ấp xây dựng nghị quyết hàng tháng, hàng năm. Từ đó đưa Nghị quyết vào đời sống của bà con ở thôn, ấp. Trong phát triển đảng viên, cán bộ bộ đội biên phòng cũng tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, các thôn ấp tìm kiếm nguồn và tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia vào phát triển Đảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở địa phương.
Nhằm tăng cường sức chiến đấu của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã có Nghị quyết 21 về tăng cường, củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới. Trong đó, nhấn mạnh việc đẩy mạnh bồi dưỡng, kết nạp vào Đảng những đoàn viên, hội viên ưu tú, cán bộ quản lý doanh nghiệp, nông dân, trí thức… , nhằm tạo nguồn cán bộ cho hệ thống chính trị các cấp trước mắt và lâu dài. Tuy nhiên, với tính chất đặc thù, xuất phát từ thực tiễn, cho thấy việc thực hiện các chủ trương trong xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở Đảng ở khu vực biên giới Tây Nam tại vùng Đông Nam Bộ không phải dễ dàng.