Xây dựng lực lượng cứu hộ-cứu nạn chính quy và hiện đại
VOV.VN - Không chỉ làm tốt nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, Cục còn hoàn thành tốt vai trò tham mưu chỉ đạo phòng chống thiên tai, ứng phó thảm họa
Cục Cứu hộ, cứu nạn (Bộ Quốc phòng) thành lập ngày 9/8/2004, là lực lượng tham mưu, chỉ đạo chuyên nghiệp, chủ động và sẵn sàng ứng phó có hiệu quả với thiên tai, sự cố và thảm họa, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Nhân ngày truyền thống của lực lượng, phóng viên VOV phỏng vấn Thiếu tướng Phạm Hoài Giang, Cục trưởng Cục Cứu hộ - cứu nạn, Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn.
Thiếu tướng Phạm Hoài Giang: Cục Cứu hộ - cứu nạn đã phát huy tốt vai trò, chức năng tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu chỉ đạo toàn quân thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống thiên tai, cứu hộ - cứu nạn. Đặc biệt Cục thực hiện tốt chức năng là văn phòng thường trực của Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, tham mưu cho Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn và giúp Chính phủ chỉ đạo điều hành các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn trong 10 năm qua góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai sự cố gây ra. Các trang thiết bị và phương tiện được mua sắm phù hợp tùy theo khả năng của Nhà nước và địa phương để từng bước hiện đại hóa phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển, dưới biển và trong lòng đất.
** Công tác cứu hộ - cứu nạn được coi là nhiệm vụ chiến đấu quan trọng trong thời bình, việc xây dựng lực lượng cứu hộ - cứu nạn chính quy và hiện đại sẽ được thực hiện như thế nào, thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Phạm Hoài Giang: Đó là cần củng cố và xây dựng cơ quan tham mưu về công tác tìm kiếm cứu nạn đồng bộ từ trung ương đến các địa phương. Trước mắt, phải làm tốt xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý thực hiện nhiệm vụ. Thứ hai xây dựng hệ thống tổ chức biên chế lực lượng làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn đảm bảo tính chuyên nghiệp. Thứ ba là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thứ tư là trang thiết bị phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn. Thứ năm là mở rộng hợp tác quốc tế để chia sẻ trao đổi kinh nghiệm trong công tác ứng phó thiên tai và thảm họa.
** Trước diễn biến phức tạp, khó lường của biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai vẫn còn những nguy cơ tiềm ẩn về sự cố, thảm họa. Thời gian tới, Cục sẽ triển khai các nhiệm vụ gì nhằm làm tốt công tác chuẩn bị sẵn sàng ứng phó kịp thời, có hiệu quả với các tình huống về thiên tai, sự cố xảy ra?
Thiếu tướng Phạm Hoài Giang: Bản chất công tác phòng chống thiên tai là phải dự báo được tình hình tương đối chính xác. Trên cơ sở dự báo đấy, chúng ta xây dựng các phương án ứng phó. Từ đó, chúng ta tổ chức diễn tập để nâng cao tổ chức chỉ đạo điều hành và nâng cao kỹ năng ứng phó cho các lực lượng phù hợp tình hình mới. Tổ chức tốt các vấn đề đó thì khi thiên tai sự cố xảy ra chúng ta mới không bị động lúng túng. Xây dựng các đơn vị chuyên trách có tính chuyên nghiệp cao không những ứng phó kịp thời các tình huống sự cố thiên tai xảy ra trong nước mà còn sẵn sàng hỗ trợ quốc tế khi có yêu cầu. Hiện nay chúng ta rất coi trọng hợp tác và chia sẻ cùng các nước trong khu vực ASEAN cũng như các nước khác và biểu hiện thành công bằng việc tổ chức tốt Diễn tập ứng phó thảm họa tai khẩn cấp ADREX 13 vừa qua để chúng ta có cơ hội trao đổi chia sẻ kinh nghiệm với các nước.
** Xin cảm ơn ông!./.