Xử lý dứt điểm dự án kéo dài, hiệu quả thấp gây thất thoát, lãng phí lớn
VOV.VN - Một trong những việc cần làm ngay là các cơ quan chức năng rà soát, xử lý dứt điểm các dự án tồn tại kéo dài, các dự án trọng điểm quốc gia, dự án hiệu quả thấp gây thất thoát, lãng phí lớn, dư luận xã hội quan tâm.
Tại cuộc thông báo kết quả cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) vào chiều 30/10, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Hữu Đông đã thông tin về việc phòng, chống lãng phí vừa được bổ sung vào nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.
Theo ông Nguyễn Hữu Đông, phòng, chống lãng phí là chủ trương xuyên suốt của Đảng ta từ trước đến nay. Trước đây, Bác Hồ đã từng nói: Tham ô, lãng phí là bệnh quan liêu, là kẻ thù của nhân dân, bộ đội và của Chính phủ. Tham ô có hại nhưng lãng phí có khi còn hại hơn nhiều, nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến…”, “Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ giặc ở trong lòng”. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa cũng đã ban hành nhiều văn bản về chống lãng phí.
Sau khi Trung ương và Chính phủ đã chỉ ra, rất nhiều dự án được tập trung khắc phục và đi vào hoạt động sau nhiều năm ách tắc như ngân hàng 0 đồng, dự án liên quan Bộ Công Thương đang quản lý.
Gần đây nhất, Quốc hội đã chỉ đạo, rà soát, chỉ ra rất nhiều dự án cần phải quan tâm chỉ đạo, cố gắng đưa các dự án này đi vào hoạt động, tránh lãng phí nguồn lực của nhà nước và xã hội.
“Chúng ta rất cố gắng nhưng công tác phòng, chống lãng phí là không xuể, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói là công việc này rất lớn, rất rộng; hậu quả của lãng phí là còn lớn hơn tham nhũng, nên phải kiên trì, làm từng bước và làm đến chi bộ”, ông Nguyễn Hữu Đông cho biết.
Trong những việc cần làm ngay, Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu phải ban hành hướng dẫn của Ban Chỉ đạo về phòng, chống lãng phí. Trong đó nhận diện, chỉ rõ các hành vi, biểu hiện của lãng phí cũng như trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác này.
"Không chỉ lãng phí trong tài sản công, đầu tư công mà còn nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt là lãng phí về thời gian. Nếu không đôn đốc thời gian hoàn thành và thời gian phải đưa vào triển khai thực hiện thì hết nhiệm kỳ này không làm, sang nhiệm kỳ sau lại không làm thì các công trình, dự án đang lãng phí sẽ không thể đưa vào sử dụng. Cán bộ, đảng viên phải dám nghĩ dám làm chứ bây giờ vô cảm, thờ ơ, vô trách nhiệm, không dám làm thì lãng phí cả thời gian và nguồn nhân lực”, ông Nguyễn Hữu Đông cho biết.
Cũng theo ông Nguyễn Hữu Đông, hiện nay, chi thường xuyên vẫn chiếm tới 70%, do đó, sắp tới Thường trực Ban Chỉ đạo cho rằng cố gắng giảm chi thường xuyên xuống 50% để có nguồn lực đầu tư các công trình phục vụ nhân dân.
Một thực tế khác là nguồn lực trong dân hiện nay vẫn chưa huy động được. Trong dân vẫn còn có tiền đô la, vàng nhưng chưa huy động được để doanh nghiệp, người dân tham gia đầu tư vào các công trình theo định hướng của Nhà nước.
Chính vì vậy, một việc cần làm ngay khác là các cơ quan chức năng rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống lãng phí đảm bảo đồng bộ, thống nhất. Cùng với đó, sửa đổi, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước.
“Trong kết luận, Tổng Bí thư đã giao Đảng đoàn Quốc hội rà soát Luật thực hành tiết kiệm năm 2013, nếu còn vấn đề thì sẽ đưa ra bàn thảo, sau đó sửa đổi cho phù hợp với thực tế. Quy định về tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật có những cái phải sửa ngay cho kịp thời, nếu không sẽ không có công trình mang tầm vóc thời đại”, ông Nguyễn Hữu Đông thông tin.
Làm rõ trách nhiệm những dự án tồn tại kéo dài gây lãng phí
Cũng theo Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, các cơ quan chức năng rà soát, xử lý dứt điểm các dự án tồn tại kéo dài với các dự án trọng điểm quốc gia, dự án trọng điểm, dự án hiệu quả thấp gây thất thoát, lãng phí lớn, dư luận xã hội quan tâm.
"Qua rà soát, hiện có 9 dự án trong lĩnh vực xây dựng, 22 dự án trong lĩnh vực điện lực, công nghiệp than khoáng sản, 15 dự án trong lĩnh vực giao thông, 7 dự án trong lĩnh vực giáo dục, văn hóa - thể thao - du lịch, 4 dự án trong lĩnh vực nông nghiệp cần xử lý chống lãng phí", ông Đông nói.
Theo ông Nguyễn Hữu Đông, trong báo cáo của cơ quan Thường trực và kết luận của Tổng Bí thư, trước mắt các cơ quan chức năng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý với Dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức (tại Hà Nam), dự án chống ngập do triều cường tại TP.HCM; các dự án điện năng lượng tái tạo đã xây dựng nhưng chưa được kết nối vận hành.
"Những dự án này phải quan tâm, làm rõ trách nhiệm, quan trọng nhất là định ra thời điểm để các dự án này đưa vào hoạt động, mang lại hiệu quả kinh tế cũng như phục vụ tốt cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân", ông Đông thông tin.