Xử lý dứt điểm vụ án liên quan cán bộ lãnh đạo, phục vụ công tác nhân sự đại hội
VOV.VN - Ông Phan Đình Trạc lưu ý, Ban chỉ đạo cấp tỉnh tập trung chỉ đạo, phối hợp xử lý dứt điểm các vụ, việc liên quan đến Việt Á, AIC, FLC, Vạn Thịnh Phát, đăng kiểm…; các vụ án, vụ việc liên quan đến cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, góp phần phục vụ công tác nhân sự cho đại hội đảng các cấp sắp tới.
Sáng 8/7, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến giao ban 6 tháng đầu năm 2024 hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố.
Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thay mặt Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những kết quả của các Ban Chỉ đạo các tỉnh, thành phố đạt được trong 6 tháng đầu năm.
“Có thể khẳng định “trên nóng và dưới cũng đang nóng”, ông Phan Đình Trạc nhấn mạnh.
Xử lý hình sự 24 người đứng đầu trong 6 tháng
Theo ông Phan Đình Trạc, trong 6 tháng đầu năm, các ban chỉ đạo cấp tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các sai phạm, tạo bước tiến mới trong công tác PCTNTC ở địa phương.
Các Ban chỉ đạo đã chỉ đạo kiểm tra, giám sát, thanh tra, vừa trực tiếp kiểm tra, giám sát các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực và các chuyên đề, vụ việc theo yêu cầu của Ban chỉ đạo Trung ương. Nhất là đã khẩn trương rà soát, kiểm tra, xử lý các tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm liên quan đến các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực theo yêu cầu của Ban chỉ đạo Trung ương, như vụ án, vụ việc xảy ra tại Công ty AIC, tập đoàn FLC, Vạn Thịnh Phát, Phúc Sơn, Thuận An….
Trong 6 tháng đầu năm, các địa phương đã xử lý kỷ luật 66 trường hợp người đứng đầu, trong đó có 24 trường hợp bị xử lý hình sự; kịp thời cho từ chức, miễn nhiệm, bố trí công tác khác đối với 172 trường hợp cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút (trong đó có 2 trường hợp diện Trung ương quản lý, 34 trường hợp diện Ban Thường vụ tỉnh, thành ủy quản lý).
Ban chỉ đạo cấp tỉnh đã chỉ đạo phát hiện, điều tra, xử lý dứt điểm nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, kể cả những vụ, việc tồn đọng kéo dài, liên quan đến cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của địa phương. Trong 6 tháng đầu năm 2024, các cơ quan tố tụng địa phương đã khởi tố mới 444 vụ án/1242 bị can về tội tham nhũng (tăng 25 vụ so với cùng kỳ năm 2023). Các ban chỉ đạo cấp tỉnh đã đưa 107 vụ án, vụ việc vào diện theo dõi, chỉ đạo.
“Điều này cho thấy các ban chỉ đạo cấp tỉnh đã thể hiện sự đồng lòng, nhất trí cao trong việc đẩy mạnh công tác PCTNTC ở địa phương, cơ sở và khẳng định hiệu quả hoạt động của các ban chỉ đạo cấp tỉnh”, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc khẳng định.
Cũng theo ông Phan Đình Trạc, một số ban chỉ đạo cấp tỉnh đã có cách làm mới, sáng tạo như tổng kết, nhận diện những sai phạm phổ biến trong các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực thời gian qua để phòng tránh, tập trung vào các lĩnh vực đất đai, tài nguyên khoáng sản, đấu giá, đấu thầu… Công tác giám định, định giá tài sản, thu hồi tài sản tham nhũng có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều địa phương thu hồi tài sản đạt tỷ lệ cao như Hà Giang, Nam Định, Bà Rịa –Vũng Tàu… Một số địa phương có vụ án thu hồi tài sản đạt tỷ lệ 100% như Điện Biên, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Hòa Bình, Nghệ An…
Tuy nhiên, theo Trưởng Ban Nội chính Trung ương, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như, vẫn còn Ban chỉ đạo chưa thực sự quyết liệt trong chỉ đạo phát hiện, xử lý vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, tiến độ giải quyết một số vụ án, vụ việc chưa đảm bảo yêu cầu. Công tác giám định, định giá tài sản có nhiều chuyển biến so với trước đây nhưng trong một số vụ án vẫn còn chậm, gây ảnh hưởng đến tiến độ điều tra xử lý vụ án, vụ việc; giá trị tài sản tham nhũng phải thu hồi còn tồn đọng lớn, trong đó nhiều địa phương tỷ lệ thu hồi đạt dưới 10%; có nơi còn lúng túng trong tham mưu chỉ đạo xử lý vụ án, vụ việc.
Xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng
Về nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc yêu cầu Ban chỉ đạo cấp tỉnh chỉ đạo hoàn thành kiểm tra các dự án, gói thầu liên quan đến Công ty AIC; rà soát, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có sai phạm liên quan đến các dự án, gói thầu do Tập đoàn Phúc Sơn, Tập đoàn Thuận An và các công ty có liên quan thực hiện tại địa phương.
“Tập trung chỉ đạo, phối hợp xử lý dứt điểm các vụ, việc liên quan đến Việt Á, AIC, FLC, Vạn Thịnh Phát, đăng kiểm…; các vụ án, vụ việc liên quan đến cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, góp phần phục vụ công tác nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp sắp tới, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Dứt khoát không để lọt vào cơ quan lãnh đạo những người đã phạm sai lầm, vướng vào tham nhũng, tiêu cực, báo che cho tội phạm, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng”, ông Phan Đình Trạc lưu ý.
Trưởng Ban Nội chính Trung ương cũng lưu ý các Ban chỉ đạo cấp tỉnh cần chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khẩn trương kết luận giám định, định giá tài sản, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.
Trong đó, khẩn trương kết luận giám định, định giá liên quan đến các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo: như TP.HCM liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty Địa ốc Sài Gòn; Hải Phòng, Sơn La, Hòa Bình liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty Chè; Đồng Nai liên quan đến vụ án xảy ra tại Khu dân cư Tân Thịnh, xã đồi 61, huyện Tràng Bom và vụ án xảy ra ra tại Tổng Công ty Tín Nghĩa.
“Chỉ đạo thực hiện nghiêm kết luận của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương, kiên quyết điều tra, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, né tránh, từ chối kết luận giám định, định giá tài sản, từ chối cung cấp tài liệu mà không có lý do chính đáng, cố tình ban hành kết luận giám định, định giá tài sản không đúng quy định pháp luật, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc”, ông Phan Đình Trạc cho biết.