Xử lý vụ án, vụ việc chậm do vướng định giá tài sản
VOV.VN - Công tác giám định, định giá tài sản đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến quá trình xử lý vụ án, vụ việc, nhất là các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Đây là vấn đề được nêu ra tại buổi Tọa đàm “Giải pháp nâng cao công tác chỉ đạo trong việc giám định, định giá tài sản để phục vụ xử lý các vụ án, vụ việc” do Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp thành phố Đà Nẵng tổ chức chiều 20/10.
Tại buổi Tọa đàm, nhiều ý kiến đại diện các cơ quan tố tụng cho rằng, công tác giám định, định giá tài sản đang gặp nhiều vướng mắc. Theo quy định, việc định giá đối với tài sản phải phù hợp với giá thị trường tại thời điểm và nơi tài sản được yêu cầu định giá. Tuy nhiên, một số tài sản thời điểm cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đề nghị định giá quá lâu gây khó khăn trong việc tham khảo giá hoặc không khảo sát được giá. Trên thực tế, có một số loại tài sản tại nơi yêu cầu định giá không có thông tin giá thị trường nên không có cơ sở so sánh giá của tài sản.
Một số tài sản yêu cầu định giá có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài, để có cơ sở định giá tài sản phải có các hồ sơ liên quan như: hợp đồng mua, bán; hóa đơn, tài liệu khác thể hiện tính pháp lý… Tuy nhiên, đối với các tài sản này, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hầu như không cung cấp được hồ sơ nên việc khảo sát thông tin giá giao dịch mua bán của tài sản không thể thực hiện được do không có thông tin liên quan.
Thượng tá Lê Hữu Hồng, Phó Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an thành phố Đà Nẵng nêu những khó khăn trong định giá hàng nhập lậu: “Đối với loại hàng hóa buôn lậu nhập về Việt Nam, đa số các mặt hàng không được kinh doanh trên thị trường Việt Nam. Trước khi định giá phải tiến hành trưng cầu giám định số lượng, chủng loại, xuất xứ để định giá, ảnh hưởng đến thời gian điều tra. Những khó khăn, vướng mắc trong giám định, định giá tài sản là nguyên nhân dẫn đến kéo dài thời gian và tốn kinh phí trong việc giải quyết các vụ án, vụ việc.”
Tại buổi Tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng, cần sớm có hướng dẫn về dấu hiệu “Gây thiệt hại khác đến lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” làm cơ sở pháp lý xử lý các vụ án liên quan. Để tránh việc lạm dụng thuê doanh nghiệp thẩm định giá và tránh lãng phí, Trung ương cần có hướng dẫn, quy định cụ thể về các trường hợp cần thiết thuê Hội đồng định giá doanh nghiệp thẩm định giá và các tổ chức, cá nhân có kinh nghiệm tư vấn định giá tài sản đối với đất đai. Một số ý kiến cho rằng, cần có chế tài xử lý đối với các trường hợp cơ quan giám định, giám định viên từ chối giám định không có lý do chính đáng.
Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng cho biết, các ý kiến đưa ra tại buổi Tọa đàm này giúp Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp thành phố có giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án, vụ việc trong thời gian tới.
Ông Lương Minh Triết cho biết: “Trong quá trình xử lý vụ án, vụ việc thời gian qua do Ban Thường vụ Thành ủy, Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng và tiêu cực thành phố chỉ đạo, vấn đền giám định, định giá tài sản đang gặp rất khó khăn, ảnh hưởng đến quá trình xử lý vụ án, vụ việc. Tọa đàm nhằm phục vụ cho việc cải cách tư pháp, tìm ra cách làm tốt nhất trong công tác giám định, định giá tài sản, phục vụ cho công tác điều tra, xử lý, nhanh hơn, đảm bảo tiến độ và kịp thời hơn./.”