Xúc động cuộc gặp giữa Thủ tướng với bạn bè Thụy Điển
VOV.VN - Chiều 27/5 tại Stockholm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp gỡ đầy xúc động với các nhà ngoại giao, chuyên gia, bạn bè Thụy Điển.
Ôn lại lịch sử của tình hữu nghị Việt Nam-Thụy Điển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, 50 năm trước, khi cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam đang ở giai đoạn cam go nhất, nhân dân, bè bạn 5 châu đã xuống đường tuần hành ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và nguyên Chủ tịch Quốc hội Thụy Điển, Chủ tịch Hội nghị quốc tế Stockholm về Việt Nam, bà Birgitta Dahl. |
Trong các nước phương Tây, Thụy Điển nổi lên như một tấm gương sáng chói về tình đoàn kết vô tư, nhiệt thành với Việt Nam và là nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, luôn đồng hành cùng Việt Nam qua những giai đoạn thăng trầm lịch sử nửa thế kỷ qua.
Tưởng nhớ đến Thủ tướng Olof Palmer, người bạn lớn của nhân dân Việt Nam, người đã góp phần đặt nền móng cho hợp tác hai nước cách đây 50 năm, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta không thể quên những người bạn thân thiết của Việt Nam như nguyên Chủ tịch Quốc hội Thụy Điển, Chủ tịch Hội nghị quốc tế Stockholm về Việt Nam Birgitta Dahl, 8 vị đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam qua các thời kỳ, từ năm 1986 đến nay, nhà văn Sara Lidman, Bộ trưởng Ngoại giao Anna Lihl và nhiều nhân sĩ, trí thức, công nhân, thanh niên, phụ nữ… không phân biệt tôn giáo, đảng phái. Tất cả đều chung một lòng hướng về Việt Nam.
Suốt nửa thế kỷ qua, quan hệ Việt Nam – Thụy Điển không ngừng được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước nâng niu vun đắp. Nhiều công trình lớn của Việt Nam do Thụy Điển giúp xây dựng như Nhà máy giấy Bãi Bằng, Bệnh viện Nhi Trung ương Hà Nội, Bệnh viện Uông Bí đã trở thành biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam – Thụy Điển. Sự giúp đỡ của Tổ chức Hợp tác phát triển Thụy Điển (SIDA) đã góp phần to lớn giúp Việt Nam hoàn thành tốt nhiều Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp và từng bước hiện đại hóa trong phát triển.
Thủ tướng cho biết, người Việt Nam có truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” và cho rằng, tình hữu nghị Việt Nam – Thụy Điển có được như ngày nay là nhờ có sự đóng góp của bạn bè Thụy Điển từ nhiều thế hệ. Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến những người bạn Thụy Điển và quốc tế và khẳng định sẽ tiếp nối truyền thống, cùng các bạn Thụy Điển vung đắp cho mối quan hệ Việt Nam – Thụy Điển ngày càng phát triển tươi thắm. Từ trái tim đến trái tim, nhân dân hai nước không bao giờ quên nhau, luôn nhớ nhau với sự chân thành, da diết và biết ơn các bạn Thụy Điển.
Nguyên Chủ tịch Quốc hội Thụy Điển, Chủ tịch Hội nghị quốc tế Stockholm về Việt Nam, bà Birgitta Dahl bày tỏ, đến hôm nay, bà còn rất nhớ buổi họp của hội sinh viên khi đó, vào tháng 4/1965, khi bà còn là thành viên của hội sinh viên để kêu gọi Hoa Kỳ chấm dứt ngay lập tức việc ném bom miền Bắc Việt Nam. Hội sinh viên khi đó cũng đã kêu gọi Thụy Điển nhanh chóng thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Việt Nam.
Nhưng “điều kỳ diệu” đã đến, dù không dễ dàng gì bởi không phải ai cũng đồng tình với lời kêu gọi này, đó là vào tháng 9/1969, tại cuộc họp của Đảng Dân chủ Xã hội, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển khi đó đã chính thức công bố Thụy Điển thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Lúc đó, cả hội trường Quốc hội đã đứng dậy, vỗ tay hoan nghênh.
Khi đó, bà Birgitta Dahl cũng đã vận động thành lập Ủy ban của Thụy Điển về Việt Nam, vận động nhiều người Thụy Điển ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam cũng như ủng hộ nỗ lực chấm dứt chiến tranh của Hoa Kỳ tại Việt Nam. Trong những năm tháng ấy, bà cũng đã đến thăm Việt Nam, tận mắt chứng kiến hậu quả khủng khiếp của chiến tranh.
Các đại biểu khách mời tham dự buổi gặp mặt đầy ý nghĩa. |
Cũng tại buổi gặp mặt, ông Joakim Palmer, con trai Thủ tướng Olof Palmer cho biết, Thủ tướng Olof Palmer đọc bài diễn văn đầu tiên về phản chiến vào năm 1965, là khởi điểm cho việc ông xuống đường đấu tranh, ủng hộ cuộc chiến chính nghĩa của người dân Việt Nam vào tháng 2/1968. Điều ấn tượng nhất trong bài phát biểu đó là nêu cao tình đoàn kết với người dân Việt Nam khi chứng kiến hậu quả thảm khốc của bom Mỹ ném xuống Hà Nội vào năm 1972.
Ông Joakim Palmer đánh giá cao quan điểm của các nhà lãnh đạo Việt Nam là không tiếp tục bị ám ảnh hay chìm đắm trong hậu quả của xung đột trong quá khứ với kẻ thù của mình mà thay vào đó là hợp tác và hướng tới quan hệ đối thoại, thương mại, thậm chí là du lịch. Quan điểm này cũng hết sức gần gũi với khái niệm an ninh tập thể mà Thủ tướng Olof Palmer đã đề xuất tại cuộc họp Liên Hợp Quốc vào năm 1982. Đó là chúng ta chỉ có thể đạt được an ninh tập thể khi chúng ta sẵn sàng mở lòng hợp tác với chính kẻ thù của mình.
Bày tỏ vui mừng trước những thành tựu phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, ông Joakim Palmer hy vọng, di sản mà cha của ông để lại sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho những nỗ lực thúc đẩy công bằng, bình đẳng xã hội, bình quyền nam nữ./.