Ý kiến người dân về công tác chỉ đạo phòng chống tham nhũng
Nhiều ý kiến tin tưởng, việc Bộ Chính trị trực tiếp quản lý công tác phòng chống tham nhũng có thể có hiệu quả hơn cho công tác này trong thời gian tới.
- Bình tĩnh, sáng suốt và quyết tâm cao
- Cần nhìn thẳng vào sự thật tình hình tham nhũng, lãng phí
- Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là cần thiết và đặc biệt quan trọng
- Bế mạc Hội nghị lần thứ 5 BCH Trung ương Đảng
Hội nghị lần 5, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI kết thúc ngày 15/5 đã đưa ra nhiều quyết sách quan trọng. Một trong những nội dung được dư luận đặc biệt quan tâm và bày tỏ sự đồng tình là việc Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, bởi cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đang đòi hỏi một tổ chức đủ mạnh mới có thể đem lại hiệu quả.
Trước thềm Hội nghị Trung ương 5, Câu lạc bộ Thăng Long (Hà Nội), nơi sinh hoạt của 1.600 cán bộ hưu trí, nguyên là cán bộ trung, cao cấp ở các cơ quan Trung ương và Hà Nội đã có kiến nghị gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư tham gia ý kiến về các giải pháp phòng, chống tham nhũng.
Ông Dương Ngọc Sơn - Phó Chủ nhiệm thường trực Câu lạc lộ Thăng Long, nguyên Phó Tổng thanh tra Chính phủ cho biết, để có bản kiến nghị này, câu lạc bộ đã tổ chức hai cuộc hội thảo với nhiều ý kiến tâm huyết, trong đó kiến nghị 5 giải pháp về phòng chống tham nhũng.
Ông Sơn cho rằng, quan trọng nhất của kỳ họp này là Bộ Chính trị trực tiếp vào cuộc để chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng. Ông Sơn phấn khởi: “Sau này, khi Ban chỉ Trung ương phòng chống tham nhũng đi vào hoạt động dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và trực tiếp là Tổng Bí thư thì tôi tin rằng, công tác phòng chống tham nhũng sẽ khởi sắc và có kết quả tốt”.
Ông Mai Thúc Lân - nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cơ chế này sẽ bảo đảm sự độc lập với các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, phù hợp với thể chế Đảng lãnh đạo toàn diện... Đó là thành công được dư luận hoan nghênh nhất từ Hội nghị Trung ương 5.
Ông Mai Thúc Lân cho rằng: “Đó là việc làm hết sức cụ thể, thiết thực, đem lại lòng tin của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 của Ban chấp hành Trung ương về “Một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng”.
Mô hình nào để triển khai công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng có hiệu quả? Đó cũng là trăn trở của các tầng lớp nhân dân. Luật sư Lưu Văn Đạt- Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết: Vừa qua, tại Hội nghị của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có đưa ra hai mô hình cơ quan phòng chống tham nhũng. Một là đặt ở cơ quan hành pháp như hiện nay và hai là đặt ở cơ quan Quốc hội. Về cơ bản, Mặt trận ủng hộ mô hình hai vì nó đảm bảo tính khách quan, độc lập.
“Với chủ trương Bộ Chính trị chỉ đạo cơ quan phòng chống tham nhũng, tôi cho rằng, như thế là thích hợp. Bộ Chính trị trực tiếp quản lý thì việc phòng chống tham nhũng có thể có hiệu quả hơn”, Luật sư Lưu Văn Đạt nói.
Cùng với việc hoàn chỉnh bộ máy phòng chống tham nhũng theo mô hình mới, dư luận cũng mong rằng, các cơ quan chức năng tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm hạn chế những bất cập nảy sinh tiêu cực; sử dụng những con người thật sự trong sạch, không có tì vết khi tham gia phòng chống tham nhũng, làm rõ mối quan hệ giữa Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng với các cơ quan chức năng của Nhà nước và phát huy cao độ vai trò giám sát của nhân dân. Có như vậy, nhân dân mới thật sự tin tưởng vào hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng- một vấn đề khó và phức tạp, liên quan trực tiếp đến sự tồn vong của chế độ./.