Yêu cầu người đứng đầu phải thường xuyên kiểm tra để phát hiện, ngăn chặn tham nhũng
VOV.VN - Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thường xuyên kiểm tra, rà soát, phòng ngừa, chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng.
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Theo đó, thay mặt Thủ tướng, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải nêu cao tính gương mẫu, thường xuyên kiểm tra, rà soát, phòng ngừa, chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật các hành vi tham nhũng.
Phó Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ tiếp tục theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức liên quan trong việc thực hiện Chỉ thị 10/CT-TTg; định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả. Phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu, ban hành theo thẩm quyền hoặc kiến nghị, đề xuất hướng dẫn về cơ chế, quy định tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị, tố cáo qua đường dây nóng, hộp thư điện tử nhằm xử lý tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành trong bối cảnh nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, ở nhiều ngành, nhiều cấp vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức vì động cơ vụ lợi đã lợi dụng vị trí công tác; lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật; lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết về chính sách, pháp luật của một bộ phận người dân để sách nhiễu, gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết công việc, giải quyết không đúng quy định, không công bằng, không khách quan...gây bức xúc, làm xói mòn lòng tin của người dân, doanh nghiệp, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội.
Những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng trên là người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa đề cao trách nhiệm nêu gương, chưa gương mẫu thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong thực hiện nhiệm vụ, chưa thực hiện đúng và đầy đủ việc tiếp công dân theo quy định của pháp luật; công tác quản lý, giáo dục cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền chưa được thường xuyên, chặt chẽ; công tác thanh tra, kiểm tra công vụ chưa được chú trọng, chưa chủ động, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm, thậm chí có nơi còn bao che, dung túng cho hành vi sai trái của nhân viên; việc tổ chức đối thoại, tiếp công dân chưa thực chất, còn hình thức.
Tinh thần phục vụ, đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn thấp, chưa làm hết trách nhiệm; kỷ luật, kỷ cương hành chính ở một số nơi, trên một số lĩnh vực còn thiếu các biện pháp hữu hiệu để chấn chỉnh, khắc phục như: thuế, hải quan, đất đai, cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề, đầu tư, môi trường, xây dựng, cảnh sát giao thông, thanh tra chuyên ngành và một số đơn vị cung ứng dịch vụ hành chính công phục vụ yêu cầu của người dân ở xã, phường, cơ sở khám chữa bệnh, giáo dục...
Chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực quản lý đời sống xã hội chưa đồng bộ, còn chồng chéo, vướng mắc, có nhiều kẽ hở; trình tự, thủ tục thực hiện còn rườm rà, thiếu công khai, minh bạch, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; cơ chế bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp còn chưa rõ ràng…
Việc tiếp nhận phản ánh, góp ý, phê bình, tố cáo của người dân, cán bộ, đảng viên còn nhiều hạn chế. Sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với cơ quan hành chính nhà nước chưa được các cơ quan, đơn vị quán triệt, xây dựng thành kế hoạch để đưa vào thực hiện.
Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một số doanh nghiệp, người dân chưa tốt, còn tình trạng dễ dàng tiếp tay cho những hành vi sai trái của cán bộ, công chức, viên chức để được giải quyết công việc của mình một cách không đúng, không chính đáng…/.