11 doanh nghiệp công nghệ số Việt được vinh danh trong câu lạc bộ 1000 tỷ
VOV.VN - Doanh thu của các doanh nghiệp công nghệ số được vinh danh top 10 năm nay đạt 115,469 tỉ đồng, tương đương hơn 4,7 tỷ USD với tổng số nhân sự trên 75.000 người.
Doanh nghiệp công nghệ số - tiên phong trong sáng kiến Make in Vietnam
Phát biểu tại lễ công bố và vinh danh top 10 doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc Việt Nam 2024 lần thứ 11 do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức sáng 21/9, ông Ngô Diên Hy, Phó Chủ tịch VINASA cho biết: Sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam được tạo nền tảng từ việc sở hữu, phát triển, ứng dụng những công cụ công nghệ tiên tiến, và phát triển được lực lượng chuyên gia, kỹ sư công nghệ thông tin xuất sắc. Đặc biệt là công nghệ trí tuệ nhân tạo.
“Nhiều công ty đã có những sản phẩm trí tuệ nhân tạo được cấp bằng sáng chế, đạt nhiều giải thưởng quốc tế. Công thức tăng trưởng của nhiều doanh nghiệp công nghệ số trong thời gian vừa qua là đầu tư mạnh cho nghiên cứu và phát triển (R&D) ứng dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo như OCR, Chatbot, Code Converter, Code Generator, Test automation...nhằm: Tăng năng suất lao động, tăng tốc độc đóng gói sản phẩm từ đó tối ưu được nguồn lực tạo ra tăng trưởng cả doanh thu và lợi nhuận”, ông Ngô Diên Hy cho hay.
Năm 2024 là năm thứ 11 Chương trình được tổ chức và đã thu thúc sự tham gia của 192 đề cử từ 140 doanh nghiệp trên khắp cả nước.
“Qua 3 vòng đánh giá khắt khe, chúng tôi ghi nhận những thành tích xuất sắc của 81 lượt doanh nghiệp tại 22 lĩnh vực, trong đó có 11 doanh nghiệp có doanh thu trên 1.000 tỉ đồng. Các top 10 doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc năm nay có doanh thu hơn 4,7 tỷ USD, tạo công ăn việc làm cho hơn 75.000 lao động. Đây là những doanh nghiệp uy tín, không chỉ đạt được những thành tựu lớn về doanh thu, có năng lực công nghệ xuất sắc, cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp, quam tâm đến ESG và phát triển bền vững”, ông Ngô Diên Hy đánh giá.
Theo ông Ngô Diên Hy, các doanh nghiệp công nghệ số không chỉ đảm nhận trách nhiệm lớn lao trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia, mà còn là những người tiên phong trong chiến lược “Go Global” và sáng kiến "Make in Vietnam" – sáng tạo ra những sản phẩm, giải pháp công nghệ Việt Nam để giải quyết các vấn đề trong nước và quốc tế. Đây là minh chứng cho việc các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam không ngừng vươn mình ra thế giới, khẳng định thương hiệu và năng lực của mình.
“Đặc biệt trong tương lai, các doanh nghiệp công nghệ số sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các động lực mới cho nền kinh tế Việt Nam, như công nghiệp bán dẫn và chuyển đổi xanh - thông minh. Đây là những lĩnh vực đang được các doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ, không chỉ để phát triển kinh tế trong nước mà còn để mở rộng ra thị trường quốc tế, thu hút sự quan tâm của các đối tác toàn cầu”, ông Ngô Diên Hy nhấn mạnh.
Việt Nam sẽ có bộ luật riêng về công nghệ số
Ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, công nghệ số đã trở thành lực lượng sản xuất cơ bản, giúp thông minh hóa, hiện đại hóa các ngành, lĩnh vực kinh tế xã hội, từ đó tạo ra kinh tế số là động lực tăng trưởng chính cho phát triển đất nước. Đảng và Nhà nước đã đặc biệt quan tâm và đã có nhiều chỉ đạo định hướng nhằm thúc đẩy và phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ số của Việt Nam; điều này đã được cụ thể hóa thành các văn kiện quan trọng của Đảng và Chính phủ trong thời gian qua.
Lần đầu tiên ở Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có bài viết thể hiện những quan điểm chỉ đạo, định hướng lớn, có tính lý luận cao về vai trò đặc biệt quan trọng của chuyển đổi số, khẳng định chuyển đổi số là động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tổng Bí thư cũng đã nhấn mạnh đến "cuộc cách mạng chuyển đổi số", "Chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế - xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại - “phương thức sản xuất số”.
“Quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ đặt ra cho ngành TT&TT, doanh nghiệp công nghiệp công nghệ số Việt Nam trọng trách vô cùng to lớn đồng thời cũng tạo cơ hội và điều kiện hết sức thuận lợi cho sự phát triển bùng nổ của ngành cùng với sự phát triển lực lượng doanh nghiệp công nghệ số trong thời gian tới”, ông Nguyễn Khắc Lịch cho hay.
Đứng trước cơ hội và sứ mệnh được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao phó, Bộ TT&TT đang tập trung nghiên cứu xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số nhằm hoàn thiện khung hành lang pháp lý, mở ra không gian phát triển mới cho ngành và lĩnh vực công nghiệp CNTT, công nghệ số.
“Khi được thông qua, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có một bộ luật riêng về công nghệ số. Luật này không chỉ là một bước tiến quan trọng trong việc quản lý và phát triển ngành công nghệ số mà còn là nền tảng vững chắc hỗ trợ và thúc đẩy hệ sinh thái công nghệ số quốc gia, phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ ưu đãi cho hoạt động sản xuất sản phẩm, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với sản phẩm dịch vụ công nghệ số để thúc đẩy đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp công nghệ số”, ông Nguyễn Khắc Lịch thông tin thêm.
Đồng thời, Bộ TT&TT cũng đang khẩn trương hoàn thiện Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt và ban hành trong thời gian sớm. Đây là một lĩnh vực mà Đảng và Nhà nước đã xác định trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn, trở thành động lực phát triển đất nước trong thời đại mới.