Các nhà mạng di động đang được trao quá nhiều quyền?
VOV.VN - Nhiều tiền, nhiều quyền (thông tin) phải chăng đang là nguồn cơn của những bất cập trong điều hành, kinh doanh của các nhà mạng.
Trong thời đại số hiện nay, khi hầu như ai cũng sở hữu ít nhất một thiết bị di động như smartphone, ipad... để liên lạc, kết nối internet thì các doanh nghiệp viễn thông cũng không quá khó để huy động tiền trong dân. Nhất là khi thị trường nhà mạng hiện nay chỉ có 3 ông lớn là Viettel, VinaPhone và Mobifone (chiếm tới hơn 95% số thuê bao cả nước).
Nhiều tiền, nhiều quyền (thông tin), độc quyền (phân phối dịch vụ) phải chăng là nguồn cơn dẫn tới quá nhiều bất cập trong điều hành, kinh doanh… của các nhà mạng?
Cần khung pháp lý quản lý các nhà mạng chặt chẽ hơn nữa. |
Theo khảo sát của Tập đoàn IDG, có đến 73% người dùng internet tốc độ cao băng thông rộng dành cho trò chơi trực tuyến (game online), đánh bạc trực tuyến... Điều này không chỉ gây rủi ro lớn cho vấn đề an ninh bảo mật mà còn không giúp ích gì cho kinh doanh, thương mại, đầu tư hay phát triển kinh tế số.
Gần đây nhất là việc yêu cầu bổ sung thông tin thuê bao từ các nhà mạng. Theo Nghị định 49, các nhà mạng có 1 năm để hướng dẫn khách hàng bổ sung thông tin thuê bao, thế nhưng chỉ trong khoảng 1 tháng trước khi đến hạn yêu cầu của Nghị định, nhà mạng mới "dồn dập" yêu cầu khách hàng thực hiện nếu không sẽ bị cắt dịch vụ.
Sau những ấm ức vì mất công, mất việc, xếp hàng từ tờ mờ sáng, "đặt gạch, xếp phiếu" như thời bao cấp đi nhận gạo, người dân vẫn chẳng có sự lựa chọn nào ngoài những nhà mạng này nếu muốn dùng điện thoại di động để liên lạc.
Theo ông Lê Thanh Tâm, Tổng Giám đốc IDG Đông Nam Á, nhà mạng hoàn toàn có đầy đủ các giải pháp phần mềm để chặn các dịch vụ nguy cơ cao như đánh bạc trực tuyến, game trực tuyến có yếu tố đánh bạc hay sim rác tuy nhiên lợi nhuận, doanh thu từ nguồn này thực sự "khủng", nên họ chưa đặt nặng quản lý vấn đề này.
Ông Lê Thanh Tâm, Tổng Giám đốc IDG Đông Nam Á.
Tuy nhiên, nhìn mặt khác là cơ quan chủ quản, không có lý nào, Bộ TT&TT không biết việc các nhà mạng trì hoãn thực hiện bổ sung thông tin thuê bao. Từ đó, có biện pháp hay phương thức xử lý buộc nhà mạng phải thực hiện đúng quy định của Chính phủ.
Lợi dụng sự "buông lỏng" quản lý, các nhà mạng cũng tận thu tối đa lợi nhuận từ sim rác, tin nhắn rác. Kết cục cuối cùng là cảnh người dân vỡ trận bơ phờ, bỏ công, bỏ việc, xếp hàng để được bổ sung thông tin thuê bao của chính mình trong khi không chắc thông tin đó sẽ được bảo mật ra sao!
"Nhà mạng đang được hưởng quá nhiều ưu đãi của nhà nước từ đầu tư, giấy phép, tài nguyên tần số, hạ tầng đến dữ liệu thông tin người dùng... Thế nhưng việc sử dụng cũng như bảo mật các dữ liệu đó nhà mạng vẫn chưa làm đúng trách nhiệm. Kết quả là người dân bị ảnh hưởng nhiều nhất", ông Lê Thanh Tâm phân tích.
Nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc cần có khung pháp lý cũng như chế tài chặt chẽ hơn trong việc quản lý các nhà mạng, để tránh việc đẩy khó cho dân như hiện nay./. Chưa thuê bao nào bị khóa, không còn chen chúc nộp ảnh chân dung
Quá tải bổ sung thông tin thuê bao là lỗi của nhà mạng