Điện toán đám mây và công nghệ 5G mở ra chương mới cho CĐS doanh nghiệp
VOV.VN - Sự kết hợp giữa mạng 5G tốc độ cao, độ trễ thấp với sức mạnh và tính toán linh hoạt của điện toán đám mây đang mở ra những cơ hội mới cho việc kết nối, cộng tác, mở rộng và đổi mới doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS) thành công, đồng thời mang đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh vượt trội.
Đây cũng là 2 nền tảng công nghệ mang tính cốt lõi mà các tổ chức, doanh nghiệp đều đang theo đuổi nếu không muốn bị bỏ lại phía sau nền kinh tế số.
Sự kết hợp giữa hạ tầng số và nên tảng số để tạo ra sức mạnh CĐS
Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định rõ tầm quan trọng của các công nghệ điện toán đám mây và 5G đối với việc triển khai thành công chính phủ số, doanh nghiệp số và kinh tế số. Nếu như việc xây dựng công nghệ 5G được xem là nhiệm vụ quan trọng của hạ tầng số thì công nghệ điện toán đám mây lại là mấu chốt của việc phát triển nền tảng số.
Chương trình xác định, về nhiệm vụ phát triển hạ tầng số: “Cần quy hoạch lại băng tần, phát triển hạ tầng mạng di động 5G, nâng cấp mạng di động 4G; sớm thương mại hóa mạng di động 5G, triển khai các giải pháp để phổ cập điện thoại di động thông minh tại Việt Nam…”.
Về nhiệm vụ phát triển nền tảng số, cần “xây dựng và làm chủ công nghệ điện toán đám mây (cloud) với các mô hình triển khai (đám mây công cộng, đám mây dùng riêng, đám mây lai) và các loại hình dịch vụ cung cấp trên đám mây khác nhau, phục vụ nhu cầu chuyển đổi số của các cơ quan nhà nước và xã hội…”.
Các nhiệm vụ được xây dựng dựa trên thực tiễn, nhu cầu cũng như bài học kinh nghiệm từ các quốc gia đã triển khai thành công chuyển đổi số trên toàn cầu và đang có một nền kinh tế số phát triển, các doanh nghiệp số lớn mạnh. Tận dụng tối đa lợi thế của các công nghệ này vào doanh nghiệp sẽ rút ngắn tối đa thời gian, quá trình chuyển đổi số, đem lại hiệu quả nhanh chóng, vượt trội.
Về mặt kỹ thuật, bản chất tốc độ cao và độ trễ thấp của mạng 5G sẽ cho phép truy cập nhanh hơn và đáng tin cậy hơn vào các dịch vụ dựa trên đám mây. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp và cá nhân có thể tận hưởng kết nối liền mạch, cho phép cộng tác, truyền dữ liệu và giao tiếp theo thời gian thực, cho dù đó là chia sẻ các tệp lớn, tiến hành hội nghị trực tuyến hay truy cập các ứng dụng quan trọng.
Ứng dụng trong các lĩnh vực kinh doanh, công nghệ 5G sẽ biến đổi lĩnh vực bán lẻ và truyền thông thông qua việc cá nhân hóa tiếp thị, trải nghiệm mua sắm thực tế tăng cường. Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, 5G sẽ mang lại lợi ích bằng cách tạo ra các hệ sinh thái kết nối, cải thiện sự linh hoạt của dây chuyền sản xuất và giảm chi phí.
Công nghệ 5G cho phép giám sát realtime và điều khiển quá trình sản xuất từ xa, trong khi điện toán đám mây giúp cải thiện hiệu suất, tối ưu ngân sách đầu tư và tạo ra các cơ hội mới trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Hình dung một cách cụ thể, một doanh nghiệp sản xuất sử dụng các công nghệ 5G và đám mây có thể thông qua các camera giám sát nắm bắt được mọi diễn biến trong nhà máy theo thời gian thực, từ việc vận hành dây chuyền, áp dụng các công nghệ AI để phát hiện ra các lỗi của máy móc, các cánh tay robot, từ đó kịp thời xử lý nhanh nhất, giảm thiểu nhất thiệt hại, mau chóng đưa sản xuất trở lại bình thường khi có vấn đề phát sinh. Tất cả các dữ liệu có liên quan của doanh nghiệp đều được lưu trữ theo đám mây – có thể co giãn theo nhu cầu và tùy thuộc từng giai đoạn phát triển.
Bên cạnh đó, nếu như trước đây, việc đầu tư cho hệ thống CNTT, lưu trữ dữ liệu vẫn là thử thách đối với hầu hết các doanh nghiệp, đặc biệt là những đơn vị không chuyên về mảng công nghệ. Không chỉ là vấn đề về hạ tầng, máy móc mà còn là nhân sự quản lý, điều hành, an ninh dữ liệu… thì hiện nay, các dịch vụ điện toán đám mây và 5G đã giải quyết được vấn đề này.
Cùng với sự quản lý chặt chẽ và những tiêu chuẩn cao về an ninh, bảo mật được đặt ra bởi cơ quan chức năng, quản lý nhà nước, các “đám mây” giúp doanh nghiệp có thể an tâm trao gửi “tài sản” của mình với chi phí thấp hơn, dễ dàng và thuận tiện hơn, được hỗ trợ 24/7 bởi chuyên gia trong ngành, có thể truy cập dữ liệu mọi lúc mọi nơi, không còn bị phụ thuộc vào các thiết bị phần cứng. Sự linh hoạt này mang lại hiệu quả về mặt ngân sách, cơ sở hạ tầng và bảo trì hiệu quả hơn.
Chưa hết, với sự phát triển mạnh mẽ như vũ bão của các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI) kết nối vạn vật (IoT), thực tế ảo (AR/VR), Big Data… - là những công nghệ đều đòi hỏi đường truyền mạnh mẽ và sức mạnh tính toán cao thì điện toán đám mây và 5G – tương lai là 6G sẽ là điều kiện cần thiết để các doanh nghiệp có thể tiếp cận các công nghệ mới, áp dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận hành của mình, tạo ra lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh.
Nói cách khác, công nghệ điện toán đám mây và mạng 5G là những yếu tố cần thiết hàng đầu để đưa doanh nghiệp bước lên môi trường số và tồn tại, cạnh tranh và phát triển trên chính môi trường đó.
Nỗ lực tạo điều kiện cho doanh nghiệp chuyển đổi số
Theo các chuyên gia, Châu Á Thái Bình Dương (APAC) hiện là khu vực có tốc độ phát triển Trung tâm dữ liệu cao hơn hẳn các khu vực khác. Thị trường này được dự báo có tỷ lệ tăng trưởng lớn nhất cho tới 2030 nhờ quá trình công nghiệp hóa và chuyển đổi số của các quốc gia (bao gồm Việt Nam).
Việt Nam cũng đang là một trong 10 thị trường mới nổi về trung tâm dữ liệu điện toán đám mây, quy mô thị trường dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ là 10,68% trong giai đoạn 2022- 2028. Năm 2023, giá trị toàn thị trường trong nước đạt 620 triệu USD, dự kiến tăng lên 1.037 tỷ USD vào năm 2028. Những con số kể trên cho thấy xu hướng và nhu cầu ngày càng bùng nổ của thị trường điện toán đám mây của Việt Nam nói chung và của các doanh nghiệp chuyển đổi số nói riêng.
Để đáp ứng nhu cầu, thời gian qua, Chính phủ và các bộ ngành, địa phương cũng đang nỗ lực thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư cho hạ tầng điện toán đám mây với các trung tâm dữ liệu quy mô lớn, công nghệ cao tại khắp các tỉnh thành trong cả nước.
Việt Nam có 32 trung tâm dữ liệu thương mại vừa và nhỏ, với tổng số hơn 20.000 tủ rack (không gian chứa các thiết bị mạng), tổng công suất thiết kế là 145 MW. Con số này dự kiến sẽ tăng nhanh trong thời gian tới khi các doanh nghiệp lớn như Viettel, VNPT, FPT, GMC… liên tục đầu tư, hợp tác với các “big tech” trên thế giới để phát triển, mở rộng xây dựng mới các Trung tâm dữ liệu quy mô vừa và lớn, phục vụ nhu cầu về điện toán đám mây cho các doanh nghiệp và nền kinh tế số.
Dưới sự hấp dẫn của các cơ chế, chính sách của nhà nước, các công ty như Nvidia, Google, Alibaba… cũng đang cân nhắc, lên kế hoạch xây dựng các trung tâm dữ liệu quy mô lớn vào Việt Nam trong thời gian tới.
Về công nghệ 5G, năm 2024 cũng là năm mà Bộ Thông tin và truyền thông xác định sẽ là năm thương mại hóa 5G trên toàn quốc. Bộ cũng đã triển khai nhiều bước chuẩn bị cho kế hoạch này như đấu giá thành công băng tần 5G, song song với việc hoàn thiện hành lang pháp lý cũng như các cơ chế hỗ trợ việc đẩy mạnh triển khai các dịch vụ 5G.
Bộ Thông tin và truyền thuông đang xây dựng Đề án thành lập cơ sở đổi mới sáng tạo 5G với mục đích trưng bày, trình diễn công nghệ cũng như các ứng dụng tiêu biểu, chọn lọc của các nhà mạng viễn thông, doanh nghiệp công nghệ, nhà sản xuất thiết bị, nhà cung cấp giải pháp tích hợp… đồng thời tạo ra cầu nối giữa các doanh nghiệp và nhà cung cấp dịch vụ 5G, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận với các công nghệ mới nhất, phục vụ cho hoạt động và phát triển…
Cùng với Bộ, các địa phương trong cả nước cũng triển khai mạnh mẽ các biện pháp truyền thông, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu rõ những lợi ích mà công nghệ 5G và điện toán đám mây có thể đem lại cho nền kinh tế số. Theo nghiên cứu của Viện Chiến lược Thông và và Truyền thông, dự kiến đến năm 2025, 5G sẽ đóng góp khoảng 7,34% vào tăng trưởng GDP nhờ những nỗ lực kể trên.