Doanh nghiệp tăng trưởng mạnh về mức độ sẵn sàng chuyển đổi số
VOV.VN - Đến hết nửa đầu năm 2024, cả nước có hơn 5.000 doanh nghiệp (DN) tự đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, hơn 13.800 DN tại 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc được đào tạo trực tiếp về chuyển đổi số… Chương trình Hỗ trợ DN Chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 của Bộ KH&ĐT đã tạo ra những thành tựu tích cực, góp phần thúc đẩy DN mạnh dạn bước lên môi trường số, chuyển đổi hiệu quả.
Doanh nghiệp mạnh dạn chuyển đổi số thành công thúc đẩy sản xuất
Là một doanh nghiệp có thâm niên trong lĩnh vực in và đóng gói bao bì, sở hữu công nghệ máy móc hiện đại, dịch vụ in đa dạng, đội ngũ lao động giàu kinh nghiệm, tuy nhiên sau giai đoạn Covid-19, công ty In và Đóng gói Đại Phúc Hải (Hải Phòng) cũng đã gặp không ít khó khăn do tình trạng thiếu hụt nguyên liệu thô, tăng giá nguyên vật liệu sản xuất, sự cạnh tranh trong ngành ngày càng căng thẳng, doanh số bán hàng sụt giảm nhanh chóng khiến công ty phải “tìm đường sinh”.
Sau nhiều khó khăn, thử thách, công ty đã từng bước tìm thấy lối thoát cho mình nhờ sự hỗ trợ đến từ USAID IPSC (Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam do Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, được tài trợ bởi Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ). Dự án đã hỗ trợ công tác chuyển đổi số (CĐS) cho doanh nghiệp, phổ biến kiến thức, đào tạo và cung cấp các giải pháp chuyển đổi….
Nhờ đó, trong công tác quản lý doanh nghiệp, công ty đã chỉnh sửa và kiểm soát được 30% lỗi in ấn, chuẩn hóa quy trình sản xuất và tăng năng suất lao động, hoàn thiện chất lượng quản lý chăm sóc khách hàng cũng như hoạt động bán hàng và truyền thông… Đại Phúc Hải hiện đã vượt qua khó khăn và đang từng bước chinh phục, mở rộng thị trường, tiếp cận các khách hàng tiềm năng tại Quảng Ninh, Bắc Giang và TP.Hà Nội…
Một điển hình khác của việc doanh nghiệp được phổ cập, nâng cao nhận thức về CĐS, từ đó tự tin chuyển đổi thành công là Journey of the Senses (JOS) – hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ gồm nhà hàng, spa, quà tặng… cung cấp việc làm cho 57 người lao động, trong đó có 21 phụ nữ, 9 người thuộc cộng đồng LGBT+ và 13 người khuyết tật. Năm 2022, JOS có cơ hội nhận được sự hỗ trợ chuyển đổi từ Dự án ISEE-Covid là Dự án được tài trở bơi Bộ Các vấn đề toàn cầu Canada, đồng thực hiện bởi Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam.
Kể từ đó, công ty đã triển khai xây dựng thương hiệu bằng cách tạo ra một website thương mại điện tử, chuyển đổi và cân bằng các sản phẩm từ kênh trực tiếp truyền thống sang kênh trực tuyến. Khách hàng cũng có thể quét mã vạch, mua/giao hàng và thanh toán trực tuyến, không chỉ gia tăng trải nghiệm số cho khách hàng mà còn giúp nhân viên được thuận lợi hơn trong giao tiếp với khách…. CĐS giúp JOS không bị hạn chế về không gian địa lý, tối đa và đa dạng hóa tệp khách hàng, từ đó thúc đẩy doanh thu tăng 229,54% trong năm 2022 so với năm 2021…
Từ các điển hình của công ty Đại Phúc Hải và JOS, có thể nói, cùng với sự đồng hành, hỗ trợ của các Bộ ngành, địa phương cùng những tổ chức trong và ngoài nước đã từng bước đem đến cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ - vốn có nhiều hạn chế trong việc tiếp cận công nghệ có được giải pháp phù hợp với nhu cầu và điều kiện, tình hình phát triển của mình, từ đó tự tin, sẵn sàng và thực hiện CĐS thành công.
Gia tăng mức độ sẵn sàng chuyển đổi số doanh nghiệp qua các năm
Thời gian qua Chính phủ, các bộ ngành và địa phương trong cả nước đã liên tục triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ CĐS cho doanh nghiệp như Nghị định 80/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Thông tư 06/2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thông tư 52/2023 của Bộ Tài chính đã bổ sung căn cứ pháp lý triển khai các hoạt động hỗ trợ chuyển đổi số, cụ thể: Hỗ trợ tối đa 50% giá trị hợp đồng tư vấn chuyển đổi số, tối đa 50 triệu đồng/hợp đồng/năm đối với doanh nghiệp nhỏ; 100 triệu đồng/hợp đồng/năm đối với doanh nghiệp vừa. Hỗ trợ 50% chi phí cho doanh nghiệp thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số, tối đa 20 triệu đồng/năm/doanh nghiệp siêu nhỏ; 50 triệu đồng/năm/doanh nghiệp nhỏ và 100 triệu đồng/năm/doanh nghiệp vừa.
Chỉ tính riêng, tổng kinh phí ngân sách Trung ương bố trí hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2024 là 140 tỷ đồng, trong đó, dự kiến hỗ trợ đào tạo cho hơn 8.000 doanh nghiệp (gồm cả hình thức đào tạo trực tiếp và trực tuyến), tư vấn và hỗ trợ ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số cho hơn 800 doanh nghiệp.
Về phía Bộ Kế hoạch và đầu tư, từ tháng 1/2021 đã phê duyệt Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu tới năm 2025 có 100% số doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về CĐS; ít nhất 100.000 doanh nghiệp được hỗ trợ kỹ thuật về CĐS; ít nhất 100 doanh nghiệp được hỗ trợ mô hình CĐS điển hình thành công để lan tỏa và nhân rộng; thiết lập mạng lưới chuyên gia gồm ít nhất 100 tổ chức, cá nhân tư vấn, cung cấp giải pháp thúc đẩy CĐS cho doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển các nền tảng số…
Sau 3 năm triển khai, chương trình đã có những kết quả tích cực, giúp gia tăng mạnh mẽ mức độ sẵn sàng CĐS cho các doanh nghiệp. Năm 2021-2023, chương trình đã triển khai nhiều hoạt động đồng bộ, trong đó tập trung vào phổ cập, nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố và trên các nền tảng số của chương trình, các phương tiện thông tin đại chúng. Các doanh nghiệp đã có những chuyển biến rõ rệt trong nhận thức vể sự cần thiết của CĐS. Nhiều doanh nghiệp đã bước vào giai đoạn số hóa dữ liệu, chuẩn hóa quy trình, ứng dụng công nghệ số và tiến tới chuyển đổi số ở phạm vi rộng và đồng bộ hơn. Hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số cũng đã được xây dựng và phát triển.
Giai đoạn 2021 – 2023 cũng là giai đoạn quan trọng của Chương trình, đánh dấu bằng kết quả nâng cao nhận thức và năng lực chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam, tạo bản lề để chuyển tiếp đến giai đoạn tiếp theo tập trung hơn vào hiệu quả, chiều sâu.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, trong giai đoạn tiếp theo, cùng với xu thế của CĐS, với cam kết của Việt Nam và xu thế quốc tế về chuyển đổi xanh, bền vững, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ cùng lúc cần thực hiện cả 2 sự chuyển dịch trên, vừa để nâng cao hiệu quả kinh doanh, vừa đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Đây cũng chính là xu thế “Chuyển đổi Kép” đã xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới.
Báo cáo thường niên chuyển đổi số doanh nghiệp Việt Nam năm 20023 của Bộ Kế hoạch và đầu tư, khảo sát tự đánh giá mức độ sẵn sàng số hóa của 500 doanh nghiệp trong năm 2023 cho thấy, mức độ sẵn sàng CĐS của các doanh nghiệp tham gia đều có sự gia tăng mạnh. Nếu như trong năm 2022, chỉ có 4 ngành bao gồm giáo dục đào tạo; bất động sản; hoạt động hành chính và hỗ trợ; nghệ thuật – vui chơi và giải trí đều đạt được điểm mức độ sẵn sàng CĐS dưới trung bình (<2,5) thì trong năm 2023, tất cả các ngành đều ghi nhận sự cải thiện, đạt ngưỡng điểm trên trung bình (>2,5) với mức tăng từ 0,7 đến 1,4 điểm so với năm trước.
Tính đến hết nửa đầu năm 2024, Chương trình đã có hơn 2 triệu lượt tiếp cận thông tin, hơn 30.000 lượt tải các tài liệu, video đào tạo, chia sẻ hướng dẫn chuyển đổi số; Mạng lưới hơn 120 tổ chức, cá nhân cung cấp giải pháp, tư vấn, đào tạo chuyển đổi số được sàng lọc, thành lập, kết nối với cộng đồng doanh nghiệp; Hơn 5.000 doanh nghiệp tự đánh giá mức độ sẵn sàng CĐS tại Cổng thông tin Chương trình (địa chỉ http://digital.business.gov.vn); Hơn 13.800 doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc được đào tạo trực tiếp về CĐS; Gần 400 doanh nghiệp được hỗ trợ chuyên sâu xây dựng và triển khai lộ trình chuyển đổi số, 28 doanh nghiệp được đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp về CĐS…
Theo bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì “Chúng ta đã thấy có sự tăng trưởng rõ rệt trong mức độ sẵn sàng CĐS của doanh nghiệp Việt Nam năm 2023. Doanh nghiệp ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực đã và đang tích hợp mục tiêu CĐS vào chiến lược phát triển của công ty, sẵn sàng cho việc triển khai CĐS”.
Mặc dù vậy, công tác chuyển đổi số và mức độ sẵn sàng chuyển đổi số doanh nghiệp không phải không có khó khăn, trở ngại. Theo ông Phó Đức Trung – Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), mặc dù đã có nhận thức cao hơn nhưng mức độ áp dụng CĐS nội bộ của nhiều doanh nghiệp vẫn còn yếu và thiếu dẫn đến việc CĐS không đồng bộ, kém hiệu quả, từ đó không khai thác được hết các giá trị mà CĐS mang lại. Việc thay đổi nhận thức của con người là trọng tâm. Đây cũng chính là những khó khăn hàng đầu mà các doanh nghiệp phải đối diện và vượt qua để chuyển đổi số thành công.
Theo bà Đặng Thị Thu Hoài, đại diện Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam, sự hỗ trợ của nhà nước là rất cần thiết, trong đó tập trung vào việc nâng cao nhận thức, sự hiểu biết của doanh nghiệp vào vấn đề CĐS cũng như những xu hướng mới của thế giới, từ đó giúp doanh nghiệp định hình và bố trí nguồn lực một cách hiệu quả.