Già làng số: Nhân tố tích cực, quan trọng quyết định sự thành công của CĐS các địa phương
VOV.VN - Với vai trò, uy tín cá nhân trong cộng đồng, thôn làng, các “già làng số” đã, đang trở thành nhân tố không thể thiếu trong công cuộc chuyển đổi số tại các địa phương, đặc biệt là tại những khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa trong cả nước. Không phân biệt tuổi tác, dân tộc, các “già làng số” bằng chính câu chuyện, hành động của mình đang lan tỏa tinh thần, giúp người.
Già làng đi trước, làng nước theo sau
Từng là mục tiêu nhắm tới của lừa đảo trực tuyến hồi năm 2023, khi nhận được một cuộc gọi tự xưng là cán bộ điều tra, yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân liên quan đến nhân thân, tài khoản ngân hàng vì “có liên quan đến một vụ việc lừa đảo”, nhờ đã đươc phổ cập thông tin, kiến thức về những chiêu thức lừa đảo công nghệ cao từ chính quyền địa phương, bà Điểu Thị Út (xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) đã bình tĩnh nắm bắt, xử lý thông tin và tránh được việc trở thành nạn nhân của lừa đảo mạng.
Các nghiên cứu mới trong và ngoài nước đang chỉ ra rằng, người cao tuổi là một trong những nhóm đối tượng bị tội phạm mạng nhắm mục tiêu lừa đảo nhiều nhất, nguyên nhân từ việc bị hạn chế thông tin và khả năng tiếp cận công nghệ. Tuy nhiên, thực tế tại nhiều địa phương trong cả nước, nhiều “già làng”, bao gồm những người cao tuổi lại đang là thành phần quan trọng trong lực lượng tuyên truyền, phổ biến về các công nghệ số, chuyển đổi số cho người dân một cách hiệu quả.
Trường hợp bà Điểu Thị Út vừa là một minh chứng cho hiệu quả của công tác tuyên truyền, chuyển đổi số và an ninh mạng trong cộng đồng, bản thân bà Điểu đến lượt mình lại trở thành “hạt giống đỏ” để lan tỏa với cộng đồng. Với uy tín, sự ảnh hưởng của mình trong đồng bào dân tộc thiểu số địa phương, bà Điểu vẫn hàng ngày tham gia công tác hỗ trợ cho bà con về những chủ trương, chính sách, phương pháp tiếp cận công nghệ mới, giúp bà con bước lên môi trường số dễ dàng, thuận tiện và an toàn.
Vượt qua những giới hạn về sức khỏe, tuổi tác,… những “già làng số” như Bà Điểu đang là cầu nối giữa chính quyền và người dân, là nhân tố quan trọng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia. Đó cũng là câu chuyện của già làng Nguyễn Văn Long (xã Hàng Gòn, thành phố Long Khánh), ở độ tuổi U80 vẫn chịu khó học tập, tiếp cận công nghệ mới để làm gương cho bà con xung quanh, từ những việc đơn giản như tập sử dụng thẻ ATM đến bảo mật thông tin tài khoản ngân hàng, lập và sử dụng zalo để liên lạc… Tất cả những kiến thức, công nghệ đó, các “già làng số” đều tự mình trải nghiệm trước rồi mới phổ biến cho mọi người.
“Già làng” không nhất thiết phải “già”
Nếu như trước đây, trong xã hội truyền thống, địa vị của già làng luôn được khẳng định theo phương châm “Già làng nói – dân làng nghe, già làng hô – dân làng hưởng ứng, già làng làm – dân làng làm theo” thì hiện nay, sự ảnh hưởng của các “già làng số” cũng không kém phần quan trọng, tuy nhiên cũng có những khác biệt không hề nhỏ. Trước đây, già làng đơn thuần ảnh hưởng lên người dân bằng uy tín, tuổi tác, kinh nghiệm sẵn có của mình thì hiện nay, “già làng số” đòi hỏi cả sự học hỏi, vượt khó để tiếp cận, tiếp thu những cái mới, những cái “chưa có tiền lệ”, đặc biệt về mặt công nghệ để áp dụng trước, đúc rút kinh nghiệm trước rồi mới có thể thuyết phục được bà con.
Đặc biệt hơn nữa, trong môi trường hiện tại, “già làng số” không nhất thiết phải là những người cao tuổi. Ai cũng có thể trở thành “già làng số”, đóng vai trò đi đầu, tiên phong sử dụng công nghệ rồi lan tỏa ra cộng đồng. “Già làng số” không phân biệt tuổi tác, giới tính, miễn là dám thử cái mới, dám chấp nhận cái mới và dám thay đổi những thói quen đã cũ. Họ cũng là những người có tinh thần học hỏi, tìm tòi phương thức mới để giải quyết vấn đề, tiên phong, làm mẫu để trở thành một quy chiếu cho những người xung quanh tham khảo, áp dụng.
Câu chuyện của anh Sình Dỉ Gai (SN 1976) ở thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang là một điển hình cho “già làng số” nhưng không “già”. Về tuổi tác, so với nhiều người, anh Gai chưa thể sánh, nhưng mức độ uy tín với bà con thì không mấy kém cạnh. Là người khởi xướng, tiên phong trong việc làm du lịch cộng đồng ở Lô Lô Chải, bằng sự khởi sắc của kinh tế gia đình, anh Gai tiếp tục hướng dẫn cho bà con xung quanh, từng bước làm “thay da đổi thịt” bộ mặt kinh tế làng bản, địa phương. Sự uy tín, tiếng nói của anh Chải đã trở thành một sự đảm bảo cho thành công khi triển khai các chủ trương, chính sách mới, được chính quyền địa phương “chọn mặt gửi vàng” để triển khai chuyển đổi số tới bà con.
Anh Gai cũng là người đầu tiên kéo Internet về thôn Lô Lô Chải để phục vụ việc làm du lịch. Nhằm giúp dân làng tiếp cận dễ dàng hơn với các phương thức kinh doanh mới, hội nhập vào mặt bằng chung của đời sống kinh tế, xã hội, đặc biệt là nền kinh tế số đang diễn ra tại khắp các tỉnh thành trong cả nước, anh Gai cũng phải mất một thời gian dài để tìm hiểu, áp dụng rồi phổ biến cho dân làng.
Nếu như trước kia, dịch vụ du lịch chỉ đơn giản là cung cấp địa điểm, nơi ăn chốn ở cho khách thì hiện nay, bà con ở Lô Lô Chải đã có thể thông qua Facebook, Zalo,… để quảng bá cho dịch vụ của mình, học cách chụp ảnh, làm marketing, đưa thông tin cơ sở lưu trú của mình lên các website đặt phòng trực tuyến… Các lễ hội của dân tộc Lô Lô cũng được truyền tải thông qua những bức ảnh, video, được làm cho sống động hơn, hấp dẫn hơn để thu hút sự quan tâm của khách du lịch trong và ngoài nước… Mô hình thành công của Lô Lô Chải cũng đã, đang thu hút nhiều “già làng số” tại các địa phương khác học tập và làm theo, sau đó áp dụng cho thôn bản nơi mình sinh sống.
Tương tự câu chuyện của “già làng” Sình Dỉ Gai (SN 1986) là câu chuyện của anh Đinh Văn Hin – Trưởng ban nhân dân kiêm Tổ trưởng Tổ hỗ trợ điểm dịch vụ công trực tuyến thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.
Là một người con “sinh ra ở làng”, cũng như nhiều gia đình khác ở Tà Lang, anh Hin thấu hiểu được những khó khăn cũng như thuận lợi của một địa phương “dựa vào rừng để sống”. Kể từ khi được tín nhiệm bầu làm vị trí trưởng thôn, không ít thử thách đặt ra, buộc anh phải tìm tòi phương thức mới để có thể làm trọn trách nhiệm của mình với vai trò là cầu nối của chính quyền với người dân.
Mặc dù đã phát triển du lịch, tuy nhiên đa phần dân làng Tà Lang vẫn sống dựa vào rừng. Nhiều buổi họp thôn triển khai thông tin xuống cơ sở vắng bóng một số hộ dân, hỏi ra mới biết họ đi rừng, đi rẫy, có người đi 2-3 ngày mới về, xuống nhà nhiều lần nhưng không gặp…. Bằng sự kiên trì, quyết tâm, nói được làm được, anh Hin và những người bạn của mình trong Tổ Công nghệ số cộng đồng tìm mọi cách để tiếp cận, phổ biến và hỗ trợ bà con cài đặt, sử dụng các ứng dụng chuyển đổi số vào công việc, vào các nhu cầu hàng ngày của mình. Nếu không đi trước, khôn thử thách trước thì sẽ rất khó để thuyết phục người dân làm theo, đi cùng.
Bên cạnh việc vận động bà con đến Nhà văn hóa thôn để tập trung hướng dẫn, Tổ Công nghệ số cộng đồng cũng xây dựng các nhóm trên mạng xã hội, thường xuyên đăng tải các thông báo, thông tin để mọi người cùng nắm vững.
Mặc dù còn rất nhiều khó khăn, nhưng với anh Hin, việc đươc hỗ trợ, giúp đỡ những người bà con cùng làng, cùng xã để cùng phát triển là một niềm vui, cũng là cách để anh xây dựng và đền đáp lại vùng đất mà mình đã sinh ra và lớn lên.
Nếu như nói quá trình chuyển đổi số nông thôn lấy Tổ công nghệ số cộng đồng làm nòng cốt thì các “già làng số” như anh Hin đang đóng vai trò là chủ công, bởi hơn ai hết, họ là những người được bà con tin cậy, từ chính việc làm, hành động mỗi ngày của họ đã là một tấm gương để những người xung quanh học và noi theo.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bắc Lê Thị Thu Hà, những thành công của cấp ủy, chính quyền địa phương trong thời gian qua có sự đóng góp rất tích cực của đội ngũ người hoạt động không chuyên trách như anh Hin. Thời gian qua, địa phương cũng đã triển khai nhiều chính sách để khuyến khích các “già làng số” tham gia tích cực vào công cuộc tuyên truyền, phát triển chuyển đổi số của địa phương.