Lỗ hổng trong chính sách và việc cần thiết phải sửa đổi Luật Chuyển giao công nghệ
VOV.VN - Việc chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo không chỉ là một yêu cầu tất yếu của Việt Nam mà còn là một nhiệm vụ chiến lược nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đáp ứng yêu cầu hội nhập sâu rộng, đồng thời hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số trong thời gian tới.
Đó là nội dung được các đại biểu đặc biệt quan tâm, thảo luận tại Diễn đàn Chính sách quản lý công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội diễn ra sáng ngày 30/9 tại Hà Nội. Sự kiện nằm trong khuôn khổ chuỗi các sự kiện Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024 (Techconnect and Innovation Vietnam 202024) do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cùng UBND TP.Hà Nội tổ chức.
Sự kiện được tổ chức với quy mô quốc gia bao gồm các hoạt động chính như: 5 diễn đàn kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo (Diễn đàn chính sách quản lý công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; Diễn đàn công nghệ ngành Xây dựng; Diễn đàn công nghệ ngành Y tế; Diễn đàn công nghệ ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Diễn đàn Xúc tiến Đầu tư công nghệ cao); Tọa đàm vai trò của đổi mới sáng tạo với doanh nghiệp Thủ đô; Trình diễn, giới thiệu các thành tựu công nghệ năm 2024, kết nối cung - cầu công nghệ; Hội nghị về hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo địa phương năm 2024.
Sự kiện đã thu hút sự quan tâm của các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo, tạo ra cơ hội để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, ý tưởng, tầm nhìn về các chính sách và chương trình hỗ trợ, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo, phục vụ quá tình chuyển đổi số quốc gia và nhiều mục tiêu quan trọng khác.
Phát biểu khai mạc sự kiện, Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh cho biết: “Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã và đang trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Với Việt Nam, việc đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo không chỉ là một yêu cầu tất yếu mà còn là một nhiệm vụ chiến lược nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đáp ứng yêu cầu của hội nhập sâu rộng”.
Diễn đàn đã tập trung thảo luận xung quanh các vấn đề bao gồm: Chính sách quản lý công nghệ; Cơ chế, chính sách về thẩm định công nghệ, chuyển giao công nghệ, thực trạng và định hướng trong thời gian tới; Cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển, ứng dụng công nghệ xanh, công nghệ giảm phát thải khí nhà kính hướng tới mục tiêu Net Zero.
Cũng tại sự kiện, ông Nguyễn Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có chia sẻ, Luật Chuyển giao công nghệ bổ sung quy định về việc thẩm định công nghệ đối với dự án chỉ thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mà không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư có thể là lỗ hổng trong chính sách quản lý nhà nước về công nghệ trong thời gian qua. Vì vậy, Luật cần bổ sung quy định thẩm định công nghệ cho dự án đầu tư đang hoạt động theo đề nghị của nhà đầu tư, làm cơ sở phục vụ nhu cầu của nhà đầu tư cũng như công tác quản lý nhà nước theo quy định pháp luật liên quan…