Mạng 5G- tương lai của xã hội số, kinh tế số
VOV.VN - Với lợi thế về tốc độ mạnh gấp 10 lần mạng 4G, độ trễ gần như bằng không, mạng 5G là sự lựa chọn không thể thiếu đối với nhiều lĩnh vực số, bao gồm xây dựng thành phố thông minh, phát triển công nghệ cao AR/VR, trí tuệ nhân tạo.
Có thể nói, sự phát triển của các thế hệ mạng mạnh mẽ như 5G đang từng bước mở ra chương mới cho tương lai xã hội số, kinh tế số
Xu hướng toàn cầu và tiềm năng cho sự phát triển của 5G tại việt Nam
Theo báo cáo nghiên cứu toàn cầu về “Nâng cao 5G với kết nối vượt trội” vừa được Ericsson ConsumerLab công bố cho thấy, có hơn 23.000 người dùng smartphone trong độ tuổi từ 15-69 đã tham gia khảo sát, trong đó có hơn 17.000 người dùng smartphone đến từ 16 thị trường lớn trên toàn cầu. Cuộc khảo sát đại diện cho 1,1 tỷ người dùng smartphone, bao gồm 750 triệu người đang sử dụng thuê bao 5G.
Báo cáo nhận định, trong bối cảnh hiện nay, các ứng dụng AI tạo sinh (GenAI) đang trở thành một yếu tố quan trọng thúc đẩy sự quan tâm ngày càng tăng của người dùng smartphone toàn cầu đối với kết nối vượt trội, đảm bảo kết nối ổn đinh, tốc độ cao khi người dùng cần nhất.
Dự báo của Ericsson cũng cho biết, trong vòng 5 năm tới, số lượng người dùng smartphone sử dụng GenAI sẽ tăng ít nhất 2 lần mỗi tuần. Sự bùng nổ này sẽ góp phần mở rộng các use case dùng kết nối vượt trội hiện có, như gọi video, phát trực tuyến, thanh toán trực tuyến, từ đó thúc đẩy người dùng smartphone sẵn sàng chi thêm phí kết nối để có trải nghiệm tốt hơn.
Đáng lưu ý, có tới 35% người dùng smarphone 5G cho biết họ quan tâm đến việc trả thêm tiền cho kết nối vượt trội đối với các ứng dụng thiết yếu. Một phần tư số người dùng GenAI tham gia khảo sát cho biết sẵn sàng chi trả thêm 35% phí thuê bao để có được kết nối nhanh và an toàn, phản hồi nhanh chóng..,.
Đề cập đến thị trường Việt Nam, bà Rita Mokbel, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Ericsson Việt Nam nhấn mạnh: “Khi mạng 5G được triển khai toàn diện tại Việt Nam, các CSP sẽ có thể cung cấp các network API với chất lượng theo yêu cầu (QoD) cho các nhà phát triển, từ đó đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng đối với các ứng dụng hiệu suất cao”.
Theo dự báo phân tích đánh giá tác động của công nghệ 5G đến sự phát triển của kinh tế thế giới nói chung mà Qualcomm hợp tác thực hiện mới đây thì, tính đến năm 2030, 5G sẽ giúp kinh tế thế giới tăng giá trị khoảng 350 tỷ USD và tạo ra khoảng 35 triệu việc làm mới.
Các chuyên gia cũng dự báo đến năm 2028, ngành công nghệ sẽ tạo doanh thu tới 25 tỷ USD chỉ riêng từ 5G, chiếm 20% tổng doanh thu công nghệ của Việt Nam.
Việt Nam đang có nhiều lợi thế trong việc triển khai mạng 5G. Chúng ta không phải là nước phát triển sớm nhất hạ tầng 5G so với các quốc gia khác trên thế giới và trong khu vực. Tuy nhiên, công nghệ này đã phát triển chín muồi và đây chính là lợi thế của Việt Nam khi triển khai 5G thời điểm hiện tại. Giá thành thiết bị đã giảm cho nên chi phí đầu tư 5G bây giờ so với cách đây vài năm sẽ tiết kiệm hơn.
Đặt trong bối cảnh xu hướng chung toàn cầu, đặc biệt là mục tiêu chương trình chuyển đổi số quốc gia từ nay đến năm 2025, mục tiêu đến năm 2030, việc phát triển hạ tầng số, bao gồm hạ tầng mạng 5G đã trở thành một nhiệm vụ quan trọng với các cơ quan, tổ chức, ban ngành và cả người dân.
Theo ông Gaurav Korde – Giám đốc phụ trách thị trường Châu Á – đối tác tại Nokia Bell Labs Singapor thì 5G không chỉ đơn thuần là một công nghệ di động mới với tốc độ kết nối cao hơn mà còn góp phần định hình nền kinh tế tương lai của quốc gia. Các nghiên cứu của Bell Labs Conslulting thì các khoản ddafu tư vào mạng di động có tác động mạnh mẽ đến GDP bình quân đầu người. Chỉ cần tăng 1% vốn đầu tư ban đầu vào mạng di động hay khi mật độ thuê bao tăng 1% cũng có thể giúp GDP bình quân đầu người tăng từ 0,25% đến 0,6%.
Thực tế ghi nhận, tại Việt Nam, khi mật độ thiết bị di động tăng từ 20% lên 80%, GDP bình quân đầu người đã tăng khoảng 1.500 USD. Điều đó chứng minh một cách rõ ràng về tầm quan trọng của mạng 5G trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Trong khuôn khổ Tuần lễ số quốc tế 2024 vừa diễn ra từ ngày 19-22/11 vừa qua, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cũng nhấn mạnh, tầm quan trọng của 5G chưa bao giờ rõ ràng như hiện nay. 5G không chỉ là một bước đột phá về công nghệ mà còn là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội và đổi mới sáng tạo. Công nghệ này đang chuyển đổi số các ngành công nghiệp, tạo ra các mô hình kinh doanh mới và cải thiện chất lượng quộc sống cho hàng triệu người.
Những thành tựu đáng ghi nhận trên hành trình xây dựng hạ tầng mạng 5G tại Việt Nam
Ngay từ những năm 2000, Bộ TT&TT cùng các nhà mạng lớn tại Việt Nam đã tập trung đầu tư, nghiên cứu về hạ tầng 5G, đi trước nhiều nước trong khu vực và thế giới. Năm 2019, 3 nhà mạng Việt Nam gồm Viettel, VinaPhone, MobiFone đã thành công thử nghiệm mạng 5G trong nước, chính thức đánh dấu một bước tiến mới của chúng ta trên bản đồ công nghệ thế giới.
Tiếp đó, trong chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, mục tiêu đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 3/6/2020 đã đặt ra những mục tiêu cơ bản về phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số. Bên cạnh việc phổ cập dịch vụ mạng Internet băng rộng cáp quang, đưa tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử lên trên 80%, đưa Việt Nam vào nhóm 30 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng (GCI), chương trình còn đặc biệt chú trọng việc phổ cập mạng di động 5G trong toàn dân.
Về nhiệm vụ, kế hoạch chương trình cũng xác định phải quy hoạch lại băng tần, phát triển hạ tầng mạng di động 5G, nâng cấp mạng 4G; sớm thương mại hóa mạng di động 5G, triển khai các giải pháp để phổ cập điện thoại di động thông minh tại Việt Nam; xây dựng quy định và lộ trình yêu cầu tích hợp công nghệ 4G, 5G đối với các sản phẩm điện thoại di động và các thiết bị Internet vạn vật (IoT) được sản xuất và nhập khẩu để lưu thông trên thị trường trong nước….
Các mục tiêu, kế hoạch của chương trình cho đến thời điểm hiện tại đã, đang đi đúng theo lộ trình và gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng.
Đầu năm nay, Bộ TT&TT cũng đã chính thức đấu giá thành công 3 dải băng tần 5G cho các nhà mạng: Viettel với khối băng tần “vàng” C1 2500 - 2600 MHz, VinaPhone với khối băng tần C2 từ 3.700 - 3.800 MHz, MobiFone với dải băng tần C3 từ 3.800 - 3.900 MH. Sau khi đấu giá thành công, các nhà mạng cũng lần lượt xin cấp phép và nhanh chóng triển khai cơ sở hạ tầng mạng và tiến tới thương mại hóa mạng 5G tới người dùng cuối, bắt đầu từ tháng 10 năm nay.
Tại Việt Nam, mạng 5G thương mại mới chỉ chính thức được triển khai trong tháng 10 nhưng đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người tiêu dùng. Theo thống kê của Viettel, tính đến 31/10, nghĩa là chỉ nửa tháng kể từ khi khai trương mạng lưới, mạng này đã có tới 3 triệu người dùng, tập trung tại các tỉnh thành như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng, chiếm gần 50% tổng thuê bao hiện có. Nhà mạng này đánh giá tốc độ tăng trưởng thuê bao 5G đang cao gấp đôi so với mạng 4G triển khai cùng giai đoạn 7 năm trước. Năm 2017, khi thương mại hóa 4G, nhà mạng phải mất 1 tháng mới đạt con số 3 triệu người dùng, dù số trạm 4G khi đó là 36.000 trạm, cao gấp 5,5 lần trạm 5G.
Về phía VNPT VinaPhone, nhà mạng cũng đặt mục tiêu đến hết năm 2024 sẽ hoàn thành lắp đặt trên 3.000 trạm phát sóng VinaPhone 5G nhằm đảm bảo phủ sóng mạnh mẽ, ổn định và liên tục, đặc biệt tại các khu vực đô thị và trung tâm kinh tế lớn trên toàn quốc.
Nhà mạng MobiFone được cấp băng tần muộn hơn 2 nhà mạng còn lại (tháng 9/2024) nên vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện cơ sở hạ tầng và cũng đã bắt đầu cung cấp tới khách hàng trong nước với mục tiêu chất lượng dịch vụ đặt lên hàng đầu.
Có thể nói, cuộc chạy đua phát triển hạ tàng 5G tại Việt Nam đang đạt được những thành tựu vô cùng ấn tượng, cho thấy sự quyết tâm, quyết liệt triển khai thực hiện bằng được các mục tiêu đã đặt ra của Chính phủ, của Bộ TT&TT, các doanh nghiệp viễn thông cũng như của cac tổ chức, doanh nghiệp liên quan và người dân trong nước.
Mặc dù vậy, việc triển khai mạng 5G thương mại bước đầu cũng đã gặp không ít những khó khăn, thử thách. Bên cạnh kinh phí đầu tư cao cho hạ tầng, vẫn còn một số nơi sóng 5G chưa ổn định, còn chập chờn, ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách hàng. Các nhà mạng cũng đã nhanh chóng triển khai các giải pháp khắc phục và cải thiện nhanh nhất để phục vụ người dân, tổ chức và doanh nghiệp.
Cuộc chạy đua 5G không chỉ là bước tiến về tốc độ mạng, mà còn là sự khẳng định vị thế công nghệ của Việt Nam trên bản đồ thế giới. Hạ tầng mạng 5G mạnh mẽ là động lực quan trọng để Việt Nam phát triển kinh tế số, hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia công nghệ số vào năm 2030.