Nỗ lực thu hút đầu tư cho công nghệ bán dẫn, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia
VOV.VN - Tại Việt Nam, cùng với các chính sách thu hút nguồn đầu tư công nghệ, đặc biệt là công nghệ bán dẫn của Chính phủ, chúng ta đã trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều “big tech” trên thế giới.
Là một phần trong “câu chuyện” tổng thể phát triển của đất nước, thời gian qua chính phủ đang rất quyết liệt trong việc chỉ đạo, khuyến khích và thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn nước nhà, trong đó đặc biệt chú trọng vấn đề thu hút đầu tư từ các “ông lớn” trong và ngoài nước. Sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn mang tính yếu tố then chốt trong quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Cụ thể hóa chiến lược công nghiệp bán dẫn Việt, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam
Theo hiệp hội công nghiệp bán dẫn SIA, thị trường bán dẫn toàn cầu dự kiến sẽ đạt 600 tỷ USD vào năm 2025, tăng 14% so với năm 2023. Khi chất bán dẫn ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các công nghệ hiện đại, phục vụ cho việc sản xuất các thiết bị từ điện tử tiêu dùng cho tới các mục tiêu lớn hơn như xây dựng các trung tâm dữ liệu trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain, siêu máy tính… bán dẫn đã trở thành đích mà hầu hết các quốc gia trên thế giới, bao gồm Việt Nam đang hướng tới để phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội.
Tại Việt Nam, cùng với các chính sách thu hút nguồn đầu tư công nghệ, đặc biệt là công nghệ bán dẫn của Chính phủ, chúng ta đã trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều “big tech” trên thế giới, bao gồm nhiều ông lớn trong ngành bán dẫn như Samsung, Qualcomm, Infineon, Amkor, Hana Micron, Intel, Foxconn, LG... Nhiều dự án đầu tư xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất, lắp ráp có giá trị lên tới hàng tỷ USD. Dự báo đến cuối năm nay, công nghiệp bán dẫn Việt Nam sẽ đạt 6,16 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất quan trọng của nhiều doanh nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Để cụ thể hóa các mục tiêu, phương hướng cho việc phát triển lĩnh vực này, ngày 21/9/2024, Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã ký quyết định số 1018/QĐ-TTg ngày 21/9/2024, ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050.
Việc phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2050 sẽ theo lộ trình 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn đầu tiên (2024-2030) đặt nền tảng cho cả quá trình, sẽ tận dụng lợi thế chính trị, nhân lực về công nghiệp bán dẫn, thu hút FDI có chọn lọc, phát triển trở thành một trong các trung tâm về nhân lực bán dẫn toàn cầu, hình thành năng lực cơ bản trong tất cả các công đoạn từ nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, đóng gói và kiểm thử của công nghiệp bán dẫn.
Bước sang giai đoạn 2 (2030-2040), chúng ta sẽ phát triển công nghiệp bán dẫn kết hợp giữa tự cường và FDI. Giai đoạn 3 (2040 – 2050), Việt Nam sẽ trở thành quốc gia thuộc nhóm đi đầu trên thế giới về công nghiệp bán dẫn, điện tử; làm chủ nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn, điện tử. Mục tiêu đến năm 2050, quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn Việt Nam sẽ đạt trên 100 tỷ USD/năm.
Chiến lược cũng vạch ra những nhiệm vụ cụ thể, trong đó, đặc biệt chú trọng nhiệm vụ thu hút FDI trong lĩnh vực bán dẫn. Xây dựng cơ chế ưu đãi cao nhất để thu hút có chọn lọc dự án đầu tư nước ngoài có hàm lượng công nghệ cao trong công nghiệp bán dẫn, điện tử. Đồng thời có chính sách ưu tiên các doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực bán dẫn, điện tử có hoạt động nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam, sử dụng công nghiệp phụ trợ Việt Nam, liên doanh, liên kết với doanh nghiệp Việt Nam; tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực bán dẫn, điện tử….
Chiến lược đã cụ thể, rõ ràng hóa con đường bán dẫn mà Việt Nam đang hướng tới, cũng khẳng định quyết tâm lớn của Đảng, Nhà nước, các bộ ngành, địa phương trong việc phát triển ngành công nghiệp mang tính thời đại này.
Chiến lược ngoại giao tổng lực để phát triển công nghiệp bán dẫn và những “trái ngọt đầu mùa”
Để hiện thực hóa các mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia dẫn đầu về lĩnh vực bán dẫn, thời gian qua, lãnh đạo Đảng, Chính phủ đã luôn chú trọng, ưu tiên việc thu hút các “big tech” đầu tư vào Việt Nam. Tháng 12/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi tiếp Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành tập đoàn Nvidia Jensen Huang.
Tại buổi tiếp, Thủ tướng đánh giá cao những thành tựu mà Nvidia đã đạt được thời gian qua, đồng thời đề nghị công ty xác định tầm nhìn chiến lược, lâu dài trong việc hợp tác, đồng hành, hỗ trợ Việt Nam xây dựng, thực hiện chiến lược bán dẫn quốc gia, phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn. Thủ tướng cũng đề nghị công ty tập trung hợp tác đầu tư hạ tầng, xây dựng các cơ sở đào tạo, trung tâm nghiên cứu phát triển, trung tâm thiết kế, phát triển sản phẩm chip bán dẫn và công nghệ trí tuệ nhân tạo, trung tâm dữ liệu lớn, tính toán hiệu năng cao và các chương trình đào tạo kỹ sư bán dẫn tại Việt Nam.
Theo ông Jensen Huang, Nvidia đã đầu tư khoảng 250 triệu USD vào Việt Nam, xác định Việt Nam là thị trường quan trọng của công ty và Nvidia rất hân hạnh khi tham gia vào quan hệ đối tác với Việt Nam.
Tháng 9 năm nay, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã có buổi gặp gỡ với các lãnh đạo, chuyên gia tập đoàn công nghệ hàng đầu của Mỹ về bán dẫn và trí tuệ nhân tạo như AMD, Google, Marvell, Hiệp hội công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA), Hiệp hội bán dẫn toàn cầu (SEMI)… Tổng Bí thư khẳng định Việt Nam đang ưu tiên phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để bứt phá về năng suất, chất lượng và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Việt Nam khuyến khích và ưu tiên thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng đến các dự án công nghệ cao, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, nghiên cứu và phát triển, năng lượng tái tạo…Việc hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn và AI sẽ mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp hai bên cùng phát huy, khai thác lợi thế của mỗi bên. Tổng Bí thư nhấn mạnh Việt Nam đang có những thế mạnh và cơ hội để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và AI.
Đó chỉ là một phần trong số những nỗ lực mà những người đứng đầu Đảng, Chính phủ và các bộ ngành đã thực hiện nhằm thúc đẩy sự đầu tư của nước ngoài vào lĩnh vực bán dẫn Việt Nam. Những nỗ lực không mệt mỏi đó đã, đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn với nhiều dự án, nhiều nhà máy bán dẫn đã, đang và chuẩn bị đi vào hoạt động.
Tại Vĩnh Phúc, tới đây dự kiến sẽ có thêm một nhà máy sản xuất chất bán dẫn trị giá 100 triệu USD, do Tập đoàn đa ngành của Hàn Quốc là Signetics và Tập đoàn CNCTech hợp tác đầu tư, xây dựng.
Trong số các “ông lớn” về bán dẫn đã vào Việt Nam thời gian qua, Samsung hiện đang sở hữu một trung tâm phát triển sản phẩm lớn nhất Đông Nam Á tại Hà Nội. Một số doanh nghiệp vi mạch bán dẫn từ Hà Lan cũng đã bắt đầu đầu tư vào Việt Nam. Công ty BE Semiconductor Industries N.V của Hà Lan đã nhận giấy chứng nhận đầu tư vào Khu công nghệ cao TP.HCM, với số vốn hơn 115 tỷ đồng (tương đương 4,9 triệu USD) trong giai đoạn đầu để đầu tư thuê nhà xưởng, sản xuất. Dự án này dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào quý I/2025.
Tháng 6 năm nay, tỉnh Bắc Ninh cũng đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án Nhà máy FCPV Foxconn Bắc Ninh. Dự án được đầu tư với mục tiêu sản xuất, lắp ráp, gia công bảng mạch in PCB (bo mạch in) với tổng công suất là 2.793.000 sản phẩm/năm. Tổng vốn đầu tư thực hiện dự án là 383,33 triệu USD.
Tới tháng 7 sau đó, Bắc Ninh cũng đã trao Giấy chứng nhận điều chỉnh đầu tư cho Công ty TNHH Amkor Technology Việt Nam (Amkor). Theo đó, dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn của Amkor tại KCN Yên Phong II-C điều chỉnh tăng vốn thêm hơn 1,07 tỷ USD. Trước đó, Amkor dự kiến phân kỳ đầu tư đến năm 2035 mới đầu tư đủ 1,6 tỷ USD, tuy nhiên sau khi khánh thành nhà máy vào tháng 10/2023, tập đoàn này đã quyết định đầu tư sớm 11 năm so với dự kiến.
Thử thách buộc phải vượt qua
Theo TS. Nguyễn Nhật Quang, thành viên Hội đồng sáng lập Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), việc hợp tác với những “ông lớn” trên thế giới, đang có vị thế trong chuỗi cung ứng bán dẫn sẽ giúp Việt Nam dễ dàng tiếp cận, tham gia một phần vào chuỗi giá trị quan trọng này. Tuy nhiên, chúng ta cần chọn những ngành có giá trị gia tăng cao nhưng phù hợp với tiềm năng và lợi thế vốn có. Nếu không chọn lọc, sản phẩm nào cũng tham gia trong khi tài nguyên, con người có hạn thì đó lại sẽ trở thành bước cản đối với sự phát triển.
Cũng theo các chuyên gia, tuy sở hữu nhiều lợi thế, Việt Nam cũng đang phải đối diện với không ít thách thức trong việc thu hút đầu tư. Việt Nam đang thiếu kỹ sư trình độ cao phục vụ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Đây là yếu tố quan trọng hàng đầu không chỉ đối với Việt Nam mà hầu hết các quốc gia đang đặt kỳ vọng vào ngành bán dẫn đều đang phải đối mặt. Chưa kể, cơ sở hạ tầng và logistics để hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam còn nhiều hạn chế.
Việt Nam chỉ đứng thứ 71/132 quốc gia về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, nhóm chỉ số cơ sở hạ tầng. Sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng và trình độ chuyên môn cao cũng sẽ khiến các nhà đầu tư trở nên e dè hơn khi lựa chọn điểm đến. Đây là những điều mà Việt Nam cần phải khắc phục trong thời gian tới để có thể thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn cho các “ông lớn” ngành bán dẫn thế giới.