Sát thời điểm tắt sóng 2G, chỉ còn 771,072 thuê bao chưa thực hiện chuyển đổi
VOV.VN - Theo Cục Viễn thông, tính đến ngày 10/10/2024, cả nước chỉ còn 771.072 thuê bao 2G only chưa chuyển đổi lên thiết bị 4G. Các nhà mạng sẽ hoàn thành tắt sóng 2G theo đúng lộ trình sau ngày 15/10 tới.
Như vậy, so với số liệu thống kê được công bố vào ngày 8/9/2024 với 3,4 triệu thuê bao 2G only còn chưa chuyển đổi trên hệ thống của các nhà mạng, chỉ sau hơn 1 tháng, số lượng đã giảm đi rất nhanh. Trong thời điểm sát “giờ G”, các nhà mạng cũng đang nỗ lực để triển khai hỗ trợ nốt số lượng 771.072 thuê bao còn lại.
Theo Cục Viễn thông, những con số kể trên cho thấy kết quả rất đáng ghi nhận của các cơ quan, tổ chức, địa phương cũng như các doanh nghiệp viễn thông thời gian qua.
Chương trình tắt sóng 2G ban đầu dự kiến được “chốt hạ” sau ngày 15/9, tuy nhiên do ảnh hưởng của bão số 3, các nhà mạng phải tâp trung dồn lực vào việc khắc phục các thiệt hại sau bão, cũng như tạo điều kiện để người dân, khách hàng có thêm thời gian để thực hiện chuyển đổi, Bộ TT&TT đã quyết định dời lại sau 1 tháng. Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các nhà mạng đều đã sẵn sàng, đảm bảo theo đúng lịch trình.
Theo đại diện một nhà mạng, nếu sau ngày 15/10, vẫn còn thuê bao 2G only tồn trên hệ thống, DN sẽ tiếp tục tiếp cận và hỗ trợ các thuê bao này tiếp tục chuyển đổi để “không một khách hàng nào bị bỏ lại phía sau”.
Tắt sóng 2G được đánh giá là bước đệm cần thiết để thúc đẩy chuyển đổi số trong cả nước. Khi chuyển lên các thiết bị 4G/5G, đa phần là smartphone, người dân mới có thể thực hiện các dịch vụ số và trải nghiệm các tiện ích số mà công nghệ mang lại. Việc tắt sóng 2G cũng giúp các nhà mạng giải phóng băng tần, dồn nguồn lực phát triển các mạng 4G/5G và 6G trong tương lai gần.
Để thực hiện lộ trình tắt sóng 2G đúng theo kế hoạch của Bộ TT&TT, đảm bảo việc kết nối liên lạc của người dân sau thời điểm tắt sóng, thời gian qua các nhà mạng gồm Viettel, VinaPhone, MobiFone đã nỗ lực triển khai hiệu quả công tác hỗ trợ người dân, khách hàng trong việc chuyển đổi thiết bị, tạo điều kiện để bước lên môi trường số, trở thành những công dân số.
Thông qua các kênh truyền thông, các nhà mạng đã đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa của việc chuyển đổi lên 4G/5G cho người dân, giúp tiếp cận các dịch vụ số hóa, gia tăng quyền lợi cho người dân trong quá trình thực hiện chuyển đổi số quốc gia.
Bên cạnh việc truyền thông trực tiếp, các nhà mạng còn tăng cường tần suất các hoạt động gọi điện, nhắn tin SMS, thông báo nhạc chờ cuộc gọi, phát IVR kèm cuộc gọi, Call Bot về các chương trình hỗ trợ. Hệ thống truyền thông cấp cơ sở (loa truyền thanh xã phường) cũng được đẩy mạnh để thông tin tới từng xóm làng, từng người dân, đặc biệt là các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo, các khu vực khó khăn trong tiếp cận…
Ông Đỗ Thái Hòa – Giám đốc Sở TT&TT Hà Giang cho biết, thời gian qua việc truyền thông về tắt sóng 2G cho người dân trên địa bàn, đặc biệt là các khu vực đồng bào dân tộc ban đầu gặp khá nhiều khó khăn. Nguyên nhân phần lớn từ thói quen sử dụng điện thoại feature phone (điện thoại “cục gạch”) và khả năng kinh tế hạn chế của nhiều người dân. Với các chương trình hỗ trợ như tặng máy điện thoại 4G cho người dân đã góp phần không nhỏ cho việc đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi.
Các nhà mạng cũng đã sáng tạo ra nhiều cách thức tuyên truyền mang tính trực quan để trình diễn cho bà con xem. Các nội dung truyền thông về tắt sóng 2G cũng được biên soạn và phát bằng nhiều thứ tiếng dân tộc, phát cho từng thôn để phù hợp với đặc điểm và khu vực mà bà con dân tộc sinh sống, với nhiều khung giờ khác nhau tùy thuộc vào nếp sinh hoạt…