Tận dụng tối đa CĐS để tăng tỷ trọng kinh tế số trong GRDP tại Ninh Bình
VOV.VN - Với những nỗ lực chuyển đổi số toàn diện từ sớm, Ninh Bình hiện nằm trong top 15 cả nước về chỉ số đánh giá chuyển đổi số cấp bộ/tỉnh do Bộ TT&TT đánh giá năm 2023, đứng thứ 11/63 tỉnh, thành về chỉ số cải cách hành chính do Bộ Nội vụ đánh giá năm 2023…
Thông tin được chia sẻ tại Hội nghị “Chiến lược dữ liệu cho phát triển ứng dụng AI và thúc đẩy chuyển đổi số Ninh Bình” vừa được tổ chức phối hợp bởi Bộ TT&TT và UBND tỉnh Ninh Bình ngày 24/10.
Phát biểu tại sự kiện, ông Đoàn Thanh Hải, Giám đốc sở TT&TT Ninh Bình cho biết, do sớm thực hiện chuyển đổi số (CĐS) toàn diện, Tỉnh đã đang gặt hái được nhiều thành tựu ấn tượng: nằm trong top 15 tỉnh thành cả nước về chuyển đổi số cấp bộ, tỉnh; đứng thứ 11/63 tỉnh, thành về chỉ số cải cách hành chính do Bộ Nội vụ đánh giá năm 2023; đứng thứ 14/63 chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh do MTTQ Việt Nam đánh giá…
Ninh Bình cũng là một trong những địa phương sớm triển khai thực hiện đảm bảo các giải pháp an toàn, an ninh mạng theo mô hình 4 lớp và hoàn thành kết nối với Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, đảm bảo an toàn thông tin để phục vụ kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy chuẩn của Bộ Công an và Bộ TT&TT.
Về phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế số, tỉnh lấy du lịch và công nghiệp văn hóa làm mũi nhọn, công nghiệp và công nghệ cao là trụ cột của công nghiệp cơ khí ô tô hiện đại, lấy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo làm đột phá, nông nghiệp sinh thái đa giá trị làm trụ đỡ….
Ninh Bình hướng đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ và thành phố sáng tạo.
Tham dự và có ý kiến chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm nhận định, Ninh Bình có rất nhiều tài nguyên để có thể số hóa: “Phát triển thì cần hạ tầng mới. Kinh tế số thì cần hạ tầng số. Các địa phương lựa chọn các hạ tầng và nền tảng số phù hợp để giải quyết các vấn đề của mình. Chính vì vậy, Ninh Bình cần tận dụng tối đa chuyển đổi số để tăng tỷ trọng kinh tế số trong GRDP”.
Theo Thứ trưởng, chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là công cụ hỗ trợ, mà là yếu tố làm thay đổi sâu sắc phương thức sản xuất. Trong đó, công nghệ số đã trở thành lực lượng sản xuất cơ bản trong kỷ nguyên số, là công cụ sản xuất mới. Ứng dụng công nghệ số cũng sinh ra tài nguyên mới là dữ liệu.
Về dữ liệu, Thứ trưởng Phan Tâm cho biết, đó là tài nguyên, là đất đai mới và cần có thể chế quản lý mới để giải phóng giá trị: “Trong tương lai, hầu hết các giá trị sẽ được tạo ra từ dữ liệu. Càng nhiều dữ liệu, nhất là càng nhiều loại dữ liệu khác nhau thì cơ hội tạo ra giá trị mới càng lớn. Người có dữ liệu và người tạo ra giá trị mới từ dữ liệu trong nhiều trường hợp không phải là một. Bởi vậy, việc xây dựng thể chế để phân tách quyền sở hữu dữ liệu, định giá tài sản dữ liệu, phân chia lợi ích theo đóng gói là rất quan trọng”.