Thương mại điện tử trở thành động lực tăng trưởng chính của kinh tế số Việt Nam
VOV.VN - Năm 2024, ngành TMĐT của Việt Nam tăng trưởng 18% so với cùng kỳ năm ngoái, mức GMV chạm mốc 22 tỷ USD, trở thành động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế số Việt Nam.
Theo ông Marc Woo, Giám đốc điều hành, phụ trách Việt Nam, Google châu Á – Thái Bình Dương thì trong 5 năm qua, nền kinh tế số Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh và liên tục: “Được thúc đẩy bởi TMĐT, nền kinh tế số quốc gia duy trì tốc độ tăng trưởng hai con số, dù trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu nhiều bất ổn”.
Thông tin được chia sẻ sau báo cáo Nền kinh tế số Đông Nam Á 2024 vừa được Google, Temasek và Bain & Company công bố. Báo cáo năm nay với chủ đề “Lợi nhuận trên đà tăng trưởng, khai thác lợi thế của khu vực Đông Nam Á” đã cập nhật xu hướng kinh tế số của 6 quốc gia Đông Nam Á bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam... trong đó cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành thương mại điện tử (TMĐT), dịch vụ giao đồ ăn, vận tải, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và dịch vụ tài chính.
Theo đó, năm 2024, nền kinh tế số khu vực dự kiến đạt 263 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa (GMV), thu về 11 tỷ USD lợi nhuận, theo đó GMV và lợi nhuận đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) lần lượt ở mức 15% và 24% kể từ năm 2023. Về nền kinh tế số của Việt Nam, báo cáo cho thấy những tín hiệu lạc quan khi giữ vững mức tăng trưởng hai con số, được thúc đẩy chủ yếu bởi lĩnh vực TMĐT và du lịch trực tuyến. Năm 2024, ngành TMĐT của Việt Nam tăng trưởng 18% so với cùng kỳ năm ngoái, mức GMV chạm mốc 22 tỷ USD, trở thành động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế số Việt Nam.
Lĩnh vực du lịch trực tuyến cũng ghi nhận mức tăng trưởng 16% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 5 tỷ USD từ đầu năm đến nay, đóng góp vào tổng giá trị hàng hóa. Du lịch trực tuyến tiếp tục duy trì việc tạo ra doanh thu thông qua tăng tỷ lệ hoa hồng trên từng chuyến bay, trong khi đó các kênh bán lẻ trực tiếp góp phần lớn nhất vào tổng doanh thu.
Theo báo cáo, nhóm khách trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Đông Nam Á), chiếm 52% tổng chi tiêu du lịch tại Việt Nam. Trong khi đó, người Việt cũng chi tiêu cho du lịch nhiều nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Đông Nam Á), chiếm hơn 1/3 tổng chi tiêu du lịch nước ngoài của người Việt, tương đương 36%.
Đối với lĩnh vực truyền thông trực tuyến, báo cáo cho thấy thị trường Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực, khi GMV trên đà chạm mốc 6 tỷ USD, với tỷ lệ tăng trưởng kép tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái và dự đoán đạt mức 11 tỷ USD vào năm 2030. Đối với lĩnh vực vận tải và thực phẩm, năm 2024, GMV của Việt Nam dự kiến đạt 4 tỷ USD (tăng trưởng 12%).
Báo cáo cũng thấy người dùng Việt ngày càng thích ứng và sẵn sàng với các giải pháp và dịch vụ mới. Mức độ quan tâm và nhu cầu về AI trong cộng đồng người tiêu dùng số tại khu vực Đông Nam Á, đặc biệt ở các thành phố lớn ngày càng gia tăng. TP.HCM và Đà Nẵng là hai địa phương dẫn đầu cả nước về mức độ quan tâm và nhu cầu về AI. Các ngành giáo dục, tiếp thị và chăm sóc sức khỏe là ba ngành tạo ra nhiều lượng tìm kiếm nhất về AI tại Việt Nam.
Trí tuệ nhân tạo (AI) cũng đang đóng vai trò chuyển đổi trong sự phát triển của nền kinh tế sáng tạo, có hơn 22% lượt tải xuống các ứng dụng di động của người Việt tích hợp những tính năng AI như hiệu ứng ảnh, tạo dựng nội dung và chỉnh sửa video.
Năm qua, Chính phủ Việt Nam cũng đã công bố lộ trình kỹ thuật số đầy tham vọng, trong đó nhấn mạnh vào AI và công nghệ bán dẫn cùng với mục tiêu tăng trưởng kinh tế và cải thiện các dịch vụ công. Cách tiếp cận chủ động này của Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam đạt được những tiến bộ đáng kể về công nghệ số bất chấp những hạn chế trước đây trong đầu tư cơ sở hạ tầng.