Ứng dụng AI - Điểm nhấn mới trong bức tranh chuyển đổi số giáo dục

VOV.VN - AI (trí tuệ nhân tạo) giúp cá nhân hóa trải nghiệm học tập, tạo môi trường học tập tương tác cho học sinh, đồng thời giảm áp lực soạn giáo án và chấm bài cho giáo viên.

Điểm nhấn mới trong chuyển đổi số giáo dục

“Môn Toán liên quan rất nhiều đến con số. Bộ Giáo dục - Đào tạo ra 3 quyền sách Toán trong 3 bộ sách Cánh diều, Kết nối tri thức, Chân trời sáng tạo. Mình dạy từ cấp 1 đến cấp 3, việc mix (kết hợp) sách rất vất vả. Việc soạn giáo án, giáo trình của các thầy cô thực sự rất khủng khiếp. Chấm bài cũng là nỗi ám ảnh. Cũng có nhiều phần mềm ra rồi nhưng chưa đủ đáp ứng yêu cầu hàng ngày của bộ môn Toán. Rất may là gần đây đã có AI có thể hỗ trợ các thày cô với vai trò như trợ giảng”, thầy Hùng dạy Toán ở Hà Nội tâm sự.

Đồng cảm với nỗi vất vả thức khuya dậy sớm của nghề giáo, PGS. TS Nguyễn Tấn Hùng, chuyên gia AI trong giáo dục, nhà sáng lập Cộng đồng giáo dục thông minh Việt Nam đồng cảm lưu ý thêm: “Khi dạy trên lớp, giáo viên rất khó có thể biết trong 40 – 50 học sinh thì em nào có hứng thú học tập, học tốt, em nào yếu và yếu cái gì để có thể bồi dưỡng, có phương pháp với các em. Giáo dục phải hướng tới cá nhân hóa”. Thế nhưng, theo PGS.TS Tấn Hùng, hiện nay, ngành giáo dục phần lớn chưa thực hiện được cá nhân hóa; bài giảng, phương pháp dạy tất cả các học sinh là như nhau, học cùng giáo trình, thi cùng đề thi…điều này không thể phát huy được tài năng thiên bẩm của từng em. “Có em học sinh có thiên hướng về nghệ thuật, có em hướng công nghệ, có em hướng kinh tế. Kể từ khi có AI thì “bài toán” đó dần dần đang được giải quyết. AI có thể đóng vai trò những gia sư riêng, kích hoạt được tiềm năng của hàng triệu học sinh từ khi còn ở độ tuổi mầm non” – vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Thực tế, công nghệ AI đã phát triển qua rất nhiều giai đoạn. Hiện nay phần lớn mọi người mới biết tới Chat GPT – AI tạo sinh. Nhưng 2 năm trở lại còn có xu hướng “hot” hơn nữa là Agentic AI (trí tuệ nhân tạo tự định hướng) – chỉ cần đưa ra mục tiêu, AI sẽ tự thực hiện. Và cao hơn nữa, trong 5 – 10 năm tới, nhiều ý kiến cho rằng AI sẽ còn phổ biến cả những bước tiến mới như khoa học noron, chip cấy vào não, và rất nhiều thành tựu khác.

Với AI, giáo viên sẽ tạo được hệ thống tự động theo dõi học sinh của mình, tự động report (báo cáo) về điểm yếu của từng em, soạn những bài tập phù hợp với từng học sinh. AI cũng sẽ giúp giáo viên chấm bài tự động.

“Khi lên lớp, nhiệm vụ của giáo viên sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều, chỉ cần định hướng cho các em thực hiện các project (dự án) để phát huy năng lực của học sinh, còn phần truyền đạt kiến thức sẽ thu lại chỉ còn khoảng 30% thời lượng. Đấy chính là mục tiêu giáo dục thông minh hiện nay đang hướng đến, kết hợp giữa sư phạm và công nghệ”, PGS.TS Nguyễn Tấn Hùng lưu ý thêm.

Bà Lương Kim Ngà, Giám đốc Marketing Công ty Cổ phần Công nghệ GenAI, đơn vị vận hành dự án AIDU cho hay: Ứng dụng AI đang là xu hướng mới của giáo dục thế giới. Đại học Havard hồi tháng 3/2023 từng từ chối kết quả làm bài kiểm tra hết khóa và đuổi học sinh viên dùng ChatGPT khi làm bài, thế nhưng chỉ sau 3 tháng đã chấp nhận cho giảng viên, trợ giảng được dùng AI. Tại Việt Nam, nếu tìm kiếm thông tin về AI trong hệ thống đại học cũng có thể tìm thấy Top 13 trường uy tín dạy AI.

“Mùa hè vừa qua là mùa hè của AI trong giáo dục. Nhiều hội thảo đã được tổ chức để có thể phát huy hiệu quả của AI trong hoạt động dạy và học ngay từ khi bắt đầu năm học mới. AI trong giáo dục không còn xa vời mà đã rất gần gũi. Chúng tôi đã tham gia đào tạo 500 học sinh ở trường Olympia và 4.000 em ở Xanh Tuệ Đức. Có học sinh lớp 1 đã viết được chuyện Thỏ và Rùa theo phong cách riêng dựa trên sự hỗ trợ của AI”, bà Ngà kể.

Trước ý kiến cho rằng AI có thể khiến trẻ mất tư duy ngôn ngữ, nữ giám đốc GenAI, phản biện rằng muốn dùng ChatGPT hiệu quả thì phải biết cách viết câu lệnh, đây cũng là một cách rèn khả năng tư duy ngôn ngữ. Những bạn trẻ có tư duy ngôn ngữ vượt trội mới có những câu lệnh đem lại kết quả tốt. Theo bà Ngà, nên cho con trẻ học AI càng sớm càng tốt, với điều kiện cha mẹ phải song hành hỗ trợ các con, và cả kiểm soát khi cần.

Sẽ tiếp tục thúc đẩy ứng dụng AI  trong dạy và học

TS. Tô Hồng Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ: “Trước đây, khi Chat GPT ra đời, 1 số quốc gia có xu hướng cấm. Không thể cực đoan thế được. Quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo là thúc đẩy sử dụng AI trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá, quản lý, quản trị nhà trường”.

Nhiều người hình dung “bức tranh” giáo dục vài năm tới: Với sự “bùng nổ” ứng dụng AI, mỗi thầy cô, học sinh sẽ có 1 trợ lý ảo đồng hành.

Theo ông Nam, trợ lý ảo AI sẽ giúp giáo viên dạy nhàn hơn, hiệu quả hơn, đánh giá học sinh tốt hơn, chính xác hơn; giúp học sinh được tiếp cận kho kiến thức khổng lồ một cách nhanh nhất, có thể tự học hiệu quả cao.

Nhưng ở mặt tiêu cực, hoạt động ứng dụng AI trong giáo dục sẽ đối mặt loạt vấn đề như an toàn thông tin, đạo văn, lệ thuộc vào AI, khó đánh giá học sinh vì không dễ phân biệt học sinh dùng công nghệ để làm bài hay tự làm…

Thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước, nhà trường, giáo viên cần quan tâm hơn tới câu chuyện xây dựng quy định, quy tắc, hướng dẫn để tăng cường các lợi ích của AI, hạn chế tối đa tiêu cực AI gây ra trong giáo dục – đào tạo.

Một vấn đề khác ông Nam đặc biệt lưu ý: “Ứng dụng AI mà không có dữ liệu thì không làm gì được. Dữ liệu là quan trọng nhất. Nhưng dữ liệu phải đúng, phải chuẩn. Làm AI lại xử lý dữ liệu giả, dữ liệu sai thì hỏng hết, không có giá trị”.

Hiện đã có Nghị định số 47 về chia sẻ dữ liệu trong cơ quan nhà nước, trong đó phân ra làm nhiều nhóm: Nhóm dữ liệu mở (chia sẻ cho tất cả mọi người); Nhóm dữ liệu có điều kiện (ví dụ cơ quan nhà nước dùng vào các mục đích quản lý nhà nước); dữ liệu bí mật (chỉ chia sẻ rất hạn chế cho những công việc như công an, quân đội…).

Bộ Giáo dục và Đào tạo có cơ sở dữ liệu về giáo dục mầm non và phổ thông; có dữ liệu của tất cả 22 triệu học sinh và 1,6 triệu giáo viên, 53.000 trường mầm non, phổ thông, nhưng không phải dữ liệu nào cũng chia sẻ được. Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu đại học, gồm thông tin của gần 400 trường đại học, 2 triệu sinh viên và giảng viên đang là niềm tự hào của ngành giáo dục.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 42 về cơ sở dữ liệu giáo dục, trong đó quy định rõ những vấn đề liên quan chia sẻ dữ liệu, trách nhiệm dữ liệu và kết nối dữ liệu.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm danh mục mở, chia sẻ công khai nhiều số liệu, dữ liệu thống kê chung như tỉnh này có bao nhiêu học sinh, bao nhiêu trường mầm non, phổ thông… Còn chi tiết thông tin của học sinh thì theo Nghị định số 13 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân, không thể tùy tiện chia sẻ được.

Liên quan đến câu chuyện dữ liệu mở, Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Tôn Quang Cường góp ý: “Thế giới đang phát triển xu hướng tài nguyên giáo dục mở. Hy vọng thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có hướng dẫn, chính sách khuyến khích các thầy cô, người học cung cấp dữ liệu, thông tin, bài giảng mở…, sau đó tập hợp và phân luồng, phân cấp, rồi nhờ chuyên gia AI xử lý thì sẽ có hệ thống các công cụ hỗ trợ rất tuyệt vời. Hiện dang rất cần có sự kết nối giữa nhà trường với doanh nghiệp công nghệ để giải quyết bài toán chung của ngành giáo dục”.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

UAE theo đuổi mô hình trường mẫu giáo ứng dụng AI
UAE theo đuổi mô hình trường mẫu giáo ứng dụng AI

VOV.VN - Một trường mẫu giáo ở Dubai (UAE) đang tích cực theo đuổi mô hình trường học ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ tiên tiến nhằm thúc đẩy sự phát triển ở trẻ nhỏ.

UAE theo đuổi mô hình trường mẫu giáo ứng dụng AI

UAE theo đuổi mô hình trường mẫu giáo ứng dụng AI

VOV.VN - Một trường mẫu giáo ở Dubai (UAE) đang tích cực theo đuổi mô hình trường học ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ tiên tiến nhằm thúc đẩy sự phát triển ở trẻ nhỏ.

Cứu trợ bão lũ: Ứng dụng công nghệ để tránh tình trạng mạnh ai nấy làm
Cứu trợ bão lũ: Ứng dụng công nghệ để tránh tình trạng mạnh ai nấy làm

VOV.VN - Hàng trăm đoàn cứu trợ tự phát từ các địa phương với hàng tấn hàng cứu trợ đã và đang lên đường. Tuy nhiên, nhiều đoàn cứu trợ tập trung ở một điểm, hàng hóa dư thừa, hư hỏng, trong khi nhiều vùng khác lại rất thiếu thốn.

Cứu trợ bão lũ: Ứng dụng công nghệ để tránh tình trạng mạnh ai nấy làm

Cứu trợ bão lũ: Ứng dụng công nghệ để tránh tình trạng mạnh ai nấy làm

VOV.VN - Hàng trăm đoàn cứu trợ tự phát từ các địa phương với hàng tấn hàng cứu trợ đã và đang lên đường. Tuy nhiên, nhiều đoàn cứu trợ tập trung ở một điểm, hàng hóa dư thừa, hư hỏng, trong khi nhiều vùng khác lại rất thiếu thốn.