VETC: Thu phí không dừng và cuộc chuyển đổi số của ngành giao thông
VOV.VN - Kể từ ngày 1/8/2022, cả nước chính thức triển khai thu phí hoàn toàn tự động đối với tất cả các tuyến đường cao tốc. Tính đến nay đã hơn 2 năm trôi qua, hiệu quả của “cuộc cách mạng” thu phí không dừng này đã đem lại những lợi ích to lớn cho cả người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý cũng như góp phần không nhỏ vào công cuộc chuyển đổi số của ngành giao thông.
Hiệu quả sau 2 năm triển khai thu phí không dừng VETC
Theo thống kê của VETC, sau hơn 2 năm thực hiện triển khai thu phí không dừng, tính đến ngày 15/4/2024, cả nước đã có gần 5,5 triệu xe đã dán thẻ, đạt khoảng 97% tổng số phương tiện lưu thông trong cả nước; 169 trạm thu phí với 931 làn áp dụng hình thức thu phí không dừng, nâng tổng số lượng giao dịch mỗi ngày lên 1,3-1,5 triệu. Trên các tuyến cao tốc, ETC đã được triển khai hoàn toàn, các tuyến quốc lộ chỉ còn 1 làn hỗn hợp/chiều, còn lại là thu phí thuần ETC.
Theo lãnh đạo công ty VETC thì tỷ lệ giao dịch không dừng hiện đã đạt đến 100% trên tất cả các tuyến cao tốc, tại quốc lộ tỷ lệ này đạt 92%, đảm bảo phương tiện di chuyển qua trạm thu phí nhanh chóng, thông suốt. Đây là những con số vô cùng ấn tượng mà ngành giao thông vận tải đã gặt hái được sau một thời gian nỗ lực, quyết tâm triển khai bằng được nhiệm vụ này.
Ước tính, việc triển khai thu phí không dừng sẽ tiết kiệm được ít nhất 3,400 tỷ đồng/năm cho xã hội. Mặc dù Việt Nam triển khai hình thức thu phí này muộn hơn nhiều quốc gia khác trên thế giới, tuy nhiên tốc độ triển khai được đánh giá nhanh và hiệu quả.
Đối với Nhà nước, thu phí không dừng sẽ góp phần quan trọng trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giao thông. Đối với các nhà đầu tư BOT, sẽ tránh được thất thoát nguồn thu, tiết kiệm chi phí xây dựng trạm, tiết kiệm nhân sự trạm thu phí cũng như chi phí in vé giấy. Đối với các chủ phương tiện, cũng sẽ góp phần tiết kiệm được thời gian dừng đỗ giao dịch thủ công qua trạm, tiết kiệm được nhiên liệu và tăng tuổi thọ xe.
Đối với xã hội, lợi ích của VETC đã được khẳng định trong việc giảm ùn tắc, giảm ô nhiễm, giảm tai nạn (20%), đồng thời thúc đẩy quá trình thanh toán số, giảm sử dụng tiền mặt…
Quan trọng hơn, việc triển khai thu phí không dừng bắt buộc đã từng bước hình thành nên một thói quen số hóa mới cho người dân, doanh nghiệp. Nếu như trước kia, mỗi lần chuẩn bị cho một chuyến đi dài, anh Nam (Hà Đông, Hà Nội) thường phải chuẩn bị sẵn tiền lẻ để đóng phí qua trạm. Tuy nhiên có những chuyến đi bất chợt, không kịp chuẩn bị, nên đi qua trạm mất khá nhiều thời gian để trả và nhận tiền thừa. Hiện giờ, với việc thu phí không dừng VETC, xe chỉ việc thẳng tiến qua, nhanh chóng và tiện lợi. Cuối tháng, chỉ cần mở điện thoại ra để kiểm tra là biết được đã sử dụng hết tổng bao nhiêu tiền phí đường bộ. Gia đình cũng không còn phải chịu cảnh xếp hàng dài, tắc nghẽn trước trạm thu phí vào thành phố mỗi dịp cuối tuần.
Đó là với người dân, còn với các doanh nghiệp kinh doanh, vận chuyển hàng hóa với tần suất không đều nhau mỗi ngày, việc thu phí ETC cũng giải quyết được một vấn đề “nhỏ nhưng không nhỏ” liên quan đến thống kê, lưu trữ và bảo quản vé. Tài xế cũng không cần phải thực hiện báo cáo chi phí sau mỗi chuyến đi mà chỉ cần tập trung vào chuyên môn của mình. Chủ doanh nghiệp cũng nắm rõ được nguồn chi phí bỏ ra hàng tháng ra sao, kịp thời điều chỉnh kế hoạch kinh doanh khi cần thiết để gia tăng lợi nhuận…
Dịch vụ thu phí tự động đường bộ VETC được áp dụng công nghệ tiên tiến RFID (Radio Frequency Identification) sử dụng sóng radio để nhận diện tự động phương tiện xe cơ giới. Thông qua thẻ định danh VETC dán trên phương tiện, dịch vụ VETC giúp phương tiện lưu thông qua trạm thu phí không phải dừng chờ thanh toán, giữ được tốc độ lưu thông ổn định và tiết kiệm nhiên liệu.
Công nghệ RFID đã được chứng minh có độ chính xác cao, khá phổ biến trên thế giới trong lĩnh vực nhận diện điện tử và đã khẳng định được vị thế số 1 trong lĩnh vực thu phí tự động. Rất nhiều nước trong khu vực có hạ tầng giao thông và xã hội gần tương tự Việt Nam (như Malaysia, Indonesia, Philippine) đã dừng triển khai các công nghệ cũ (Smart card, OBU, DSRC) để chuyển đổi sang công nghệ RFID.
Để đạt được những thành tựu trong triển khi thu phí không dừng kể trên, ngành GTVT và VETC đã trải qua 9 năm gian nan “tìm đường”, phối hợp các chủ đầu tư dự án, chủ phương tiện và các đơn vị liên quan thúc đẩy ráo riết tiến trình để kịp đưa các dịch vụ đúng tiến độ với các kế hoạch đã đặt ra. Bên cạnh việc chú trọng đầu tư về hạ tầng công nghệ, yêu cầu cao về máy móc thiết bị với chất lượng cao nhất, VETC cũng tích cực triển khai các biện pháp truyền thông để phổ biến chủ trương, chương trình tới từng người dân, từng chủ phương tiện để hiểu và làm theo.
Theo lãnh đạo VETC: “Có thể nói ngắn gọn, những lợi ích vượt trội của ETC đối với người dân và phương tiện lưu thông thể hiện ở “3 giảm, 3 tăng”. Trong đó, “3 tăng” là: tăng chất lượng dịch vụ; tăng minh bạch, công khai; tăng niềm tin của nhân dân. Còn “3 giảm” là: giảm thời gian phương tiện lưu thông; giảm thanh toán tiền mặt và giảm ô nhiễm môi trường”.
Nỗ lực mở rộng các dịch vụ số của ngành giao thông
Theo Mục tiêu của chương trình chuyển đổi số Bộ Giao thông vận tải đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 thì đến năm 2025 sẽ có 100% các tuyến đường bộ cao tốc có triển khai lắp đặt hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh, thu phí điện tử không dừng được triển khai tại tất cả các trạm thu phí, tiến tới xóa bỏ thu phí bằng tiền mặt. Giai đoạn đến năm 2030 xóa bỏ các giao dịch sử dụng tiền mặt trong hoạt động giao thông vận tải; 100% phương tiện ô tô sử dụng tài khoản thu phí điện tử để thanh toán cho các dịch vụ giao thông đường bộ.
Kể từ thời điểm bắt đầu chính thức áp dụng bắt buộc thu phí không dừng tại các tuyến cao tốc (1/8/2022), số lượng phương tiện tham gia dán thẻ và sử dụng dịch vụ thu phí không dừng không ngừng tăng nhanh.
Đến tháng 5/2023, VETC tiếp tục được cấp phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán ví điện tử, từ đó mở ra bước phát triển mới trong việc mở rộng các dịch vụ gia tăng nói riêng và ngành ETC nói chung, hướng tới một hạ tầng giao thông, minh bạch, không còn sử dụng tiền mặt, đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu của quá trình chuyển đổi số ngành giao thông vận tải.
VETC cũng mở rộng hình thức cung cấp, bán trên các sàn TMĐT như Shopee, Lazada, Tiki… từ đó giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận, mua sắm, dán thẻ, nạp tiền vào tài khoản tại bất kỳ đâu, bất kỳ thời điểm nào trong ngày… Điều này cũng là một trong những lợi ích thiết thực mà người dân được thụ hưởng mà chuyển đổi số mang lại. Không những vậy, khi thực hiện thanh toán các hóa đơn như đổ xăng, phí đỗ xe, rửa xe… thông qua ví VETC, khách hàng cũng sẽ nhận được những ưu đãi sâu, giảm giá hấp dẫn từ phía các đối tác của công ty.
Tính đến tháng 6 năm nay, đã có khoảng gần 2 triệu khách hàng tải ứng dụng VETC, ước tính mỗi ngày có gần 800 nghìn lượt truy cập vào ứng dụng.
Không chỉ triển khai thu phí không dừng tại các trạm BOT cao tốc, ngành giao thông cũng đang nỗ lực mở rộng phạm vi hoạt động sang các lĩnh vực khác của đời sống. Kể từ tháng 5 năm nay, Bộ Giao thông vận tải và Tổng công ty Cảng hàng không Việt nam (ACV) đã triển khai thu phí điện tử không dừng tại 5 sân bay lớn trong cả nước gồm: Nội Bài (Hà Nội), Cát Bi (Hải Phòng), Phú Bài (Thừa Thiên Huế), Đà Nẵng (Đà Nẵng) và Tân Sơn Nhất (TP.HCM).
Được biết, sau khi triển khai thu phí tự động không dừng tại các sân bay, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến áp dụng thu phí ETC nhiều dịch vụ mới như phí cảng biển, bãi đỗ xe, bảo hiểm, đăng kiểm.
Đánh giá về những thành tựu của thu phí không dừng đạt được đối với công cuộc chuyển đổi số ngành giao thông, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhìn nhận, thành công của thu phí không dừng là bước chuyển quan trọng xây dựng hạ tầng giao thông thông minh, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân: “Đây không chỉ là câu chuyện giúp người dân và doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí, giảm được ùn tắc trầm trọng ở trạm thu phí, ô nhiễm môi trường, mà nó còn khiến việc thu phí được minh bạch, tạo niềm tin cho người dân; giảm thói quen sử dụng tiền mặt”.
Ông Quyền dẫn chứng, nếu như Đài Loan (Trung Quốc) mất 10 năm (2004 - 2014) để triển khai thành công thu phí tự động không dừng, đạt tỷ lệ người sử dụng hơn 90% thì tại Việt Nam, quá trình này chỉ mất 7 năm. Điều này thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải trong việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong thu phí giao thông.