Việt Nam và Nhật Bản chung sức phát triển tổng thể một nền công nghiệp bán dẫn
VOV.VN - Việt Nam và Nhật Bản đang hướng tới việc tăng cường hợp tác trong công nghiệp bán dẫn - lĩnh vực được coi là có tầm quan trọng chiến lược đối với cả hai quốc gia. Hợp tác này sẽ trở nên hiệu quả, khi Nhật Bản đang có nhu cầu lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao...
Theo các chuyên gia Nhật Bản, trong bối cảnh hiện nay, khi cả Việt Nam và Nhật Bản đều coi công nghiệp bán dẫn là ngành kinh tế mũi nhọn, đầy tiềm năng và không thể thiếu được trong tương lai, đồng thời, đều có những lợi thế riêng để có thể bổ trợ cho nhau, hai nước cần phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên để chung sức phát triển công nghiệp bán dẫn, và chắc chắn sẽ có những thành tựu lớn trong tương lai gần.
Phía đối tác Nhật Bản đánh giá cao tiềm năng của Việt Nam trong lĩnh vực chất bán dẫn, và xác định Việt Nam là đối tác quan trọng của Nhật Bản để phục hưng và phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài TNVN, tiến sỹ Tanimoto Jun – Phó chủ tịch điều hành Đại học Kyushyu Nhật Bản cho biết, công nghiệp bán dẫn đang ngày càng trở nên quan trọng và mang tầm chiến lược. Hiện nay, Nhật Bản đang đẩy mạnh nghiên cứu – phát triển trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, Nhật Bản không thể đơn độc đạt được mục tiêu, và Việt Nam có tiềm năng to lớn về phát triển công nghiệp bán dẫn. Do đó, Việt Nam đã trở thành đối tác quan trọng của Nhật Bản trong công nghiệp bán dẫn. Hiện nay, đang có nhiều sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam đang học tập và nghiên cứu về chất bán dẫn tại Đại học Kyushyu. Những người này sẽ trở thành nòng cốt trong mạng lưới chất bán dẫn Nhật Bản – Việt Nam.
Liên quan vấn đề này, tại một diễn đàn về hợp tác đào tạo nguồn nhân lực Việt - Nhật mới được tổ chức tại Nhật Bản, bà Vũ Chi Mai – Tổng lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka nhấn mạnh: “Chất bán dẫn là lĩnh vực đóng vai trò quan trọng trong nền công nghiệp hiện đại, là nền tảng công nghệ cho các ngành sản xuất thiết yếu. Đổi mới sáng tạo là yếu tố then chốt để thúc đẩy công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế. Sự hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực này là vô cùng ý nghĩa”.
Trong khi đó, theo một nhà lập pháp Nhật Bản - Tiến sỹ - Hạ nghị sỹ Soramoto Seiki, Nhật Bản đang ở trong quá trình phát triển các sản phẩm bán dẫn thế hệ mới. Đây là cơ hội để Nhật Bản và Việt Nam bắt tay hợp tác cùng nghiên cứu phát triển kỹ thuật mới, cũng như trao đổi, chuyển giao các công nghệ liên quan mà mỗi bên đang có cho nhau, nhằm bổ trợ những thiếu hụt của mỗi bên. Đây cũng sẽ là hướng phát triển mới, rất quan trọng đối với việc làm sâu sắc thêm quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới. Việt Nam được đánh giá là đất nước có nguồn lực phát triển lớn và có trình độ công nghệ mới đang phát triển rất nhanh chóng. Vì thế, việc Nhật Bản và Việt Nam cùng nhau nghiên cứu – phát triển công nghệ bán dẫn đang trở nên có ý nghĩa sâu sắc, mang lại lợi ích cho cả hai bên, không chỉ trong ngắn hạn mà cho cả trung và dài hạn. Điều quan trọng là cả hai bên cần có một khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy quá trình này, càng sớm càng tốt.
Ông Soramoto còn dự báo, tới đây, sẽ có nhiều chuyên gia Nhật Bản sang Việt Nam, và ngược lại, cũng sẽ có nhiều chuyên gia Việt Nam sang Nhật Bản để cùng chung sức nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm, hiểu biết, kiến thức về công nghiệp bán dẫn, đồng thời nhấn mạnh năng lực rất cao của các kỹ sư Việt Nam có thể góp phần đưa công nghiệp bán dẫn của cả hai nước bứt phá trong tương lai gần. Do đó, việc tăng cường và làm sâu sắc thêm sự giao lưu giữa các chuyên gia 2 nước có một ý nghĩa quan trọng và sâu sắc.
“Sự giao lưu, phối hợp đó, nhằm cùng nhau, không chỉ thiết kế, chế tạo các sản phẩm bán dẫn, mà còn góp phần khai thác triệt để tính năng của chất bán dẫn, bổ trợ cho nhau trong cả khâu đảm bảo và đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực này”, ông Soramoto khẳng định.
Tiến sỹ - Hạ nghị sỹ Soramoto còn đề xuất, hai nước cần lấy việc hợp tác đào tào, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm xuất phát điểm để kiến tạo tổng thể một nền công nghiệp bán dẫn Nhật - Việt đồng thời, cần tạo một cơ chế để Nhật Bản và Việt Nam tiến bước, cùng nâng cao vị thế để cùng thâm nhập thị trường và chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị chất bán dẫn của khu khu vực và thế giới.
Hiện nay, Việt Nam đang lập kế hoạch đến năm 2030 sẽ đào tạo 50.000 kỹ sư cho lĩnh vực bán dẫn, đồng thời đặt ra một mục tiêu đầy tham vọng là nâng nguồn thu hàng năm từ công nghiệp bán dẫn lên 25 tỷ USD. Trong bối cảnh đó, hợp tác Việt - Nhật được kỳ vọng là sẽ góp phần tận dụng triệt để tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên hướng tới hiện thực hóa các mụ tiêu chung.