DeepSeek - Bom tấn bùng nổ cuộc đua công nghệ tương lai
VOV.VN - Từ dự án của một doanh nghiệp ít người biết đến, mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) DeepSeek-R1 đã bất ngờ khuấy đảo toàn cầu, khiến tất cả những ông lớn công nghệ có tầm ảnh hưởng nhất cũng phải “giật mình”.
Cú sốc từ công ty DeepSeek có tuổi đời non trẻ đã khiến thế giới trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc - từ choáng váng đến tò mò, ngưỡng mộ và rồi nghi ngại, cảnh giác. Dù còn nhiều tranh cãi, nhưng chắc chắn DeepSeek đã khiến cuộc đua phát triển trí tuệ nhân tạo bùng nổ.
Điều gì đã làm nên một DeepSeek gây “choáng váng” toàn cầu
Câu chuyện của DeepSeek đến nay vẫn đang được bàn luận sôi nổi ở cả Trung Quốc và thế giới. Có những chuyên gia trong ngành ở Trung Quốc ví von sự xuất hiện của DeepSeek giống như sự ra đời của WeChat trong lĩnh vực AI. Ai cũng biết, WeChat, một ứng dụng miễn phí đa chức năng phát triển bởi gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Tencent ra đời hồi trước Tết năm 2011, đến nay đã trở thành một nền tảng hạ tầng không thể thiếu và cực kỳ phổ biến trong cuộc sống số của người Trung Quốc.
Các chuyên gia đang mường tượng đến một ngày không xa, trên mỗi chiếc điện thoại của người Trung Quốc, bên cạnh WeChat, một ứng dụng được sử dụng rộng rãi khác đó chính là “trợ lý AI toàn năng” của DeepSeek.
![deepseek - bom tấn bùng nổ cuộc đua công nghệ tương lai hình ảnh 1 deepseek - bom tan bung no cuoc dua cong nghe tuong lai hinh anh 1](https://media.vov.vn/sites/default/files/styles/large/public/2025-02/anh_minh_hoa_cua_deepseek_20250207163909.jpg)
Sở dĩ DeepSeek làm rung chuyển thế giới AI, đặc biệt là khiến Thung lũng Silicon kinh ngạc và bàng hoàng, là bởi một công ty khởi nghiệp AI non trẻ của Trung Quốc mới chỉ hơn 1 năm tuổi, mà đã có thể cho ra đời các mô hình AI đột phá có hiệu suất tương đương với các chatbot tốt nhất thế giới với chi phí thấp hơn rất nhiều và đặc biệt là mã nguồn mở, trong bối cảnh Trung Quốc đang bị hạn chế về nguồn lực do phải chịu các lệnh kiểm soát xuất khẩu của Mỹ đối với các chất bán dẫn tiên tiến.
Mã nguồn mở đồng nghĩa với việc nhà phát triển nào cũng có thể dễ dàng truy cập vào các công cụ AI mạnh mẽ như sử dụng các thiết bị gia dụng. Bất kỳ ai cũng có thể tải xuống, nghiên cứu và chỉnh sửa chúng, mà như cách nói của một chuyên gia Trung Quốc là “dân chủ hóa AI” hay như có người ví là sự “phá giá” AI.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận, đây là một tín hiệu tích cực đối với giới học thuật, đặc biệt là những nhà nghiên cứu không có đủ tài nguyên để truy cập vào các mô hình AI đắt đỏ như GPT-4 hay Claude 3.5. Với những cải tiến giúp tối ưu hóa sức mạnh tính toán, DeepSeek đang giúp AI trở nên dễ tiếp cận hơn, cho phép các cá nhân và tổ chức nhỏ lẻ cũng có thể tham gia vào cuộc chơi thay vì để AI chỉ nằm trong tay một số công ty công nghệ lớn.
Sự phổ biến của DeepSeek cũng có thể dẫn đến một sự thay đổi lớn trong cách AI được triển khai và sử dụng. Nếu các mô hình AI ngày càng hiệu quả hơn về mặt tài nguyên, người dùng có thể chạy chúng ngay trên thiết bị cá nhân như laptop hay điện thoại, thay vì phụ thuộc vào các dịch vụ đám mây đắt đỏ.
Điều này có thể khiến các công ty AI phải xem xét lại mô hình kinh doanh của mình, bởi nếu người dùng có thể truy cập AI miễn phí và không cần đăng ký dịch vụ, thì những công ty thu lợi từ AI (mô hình “AI-as-a-service”) có thể sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong tương lai.
Nói như một chuyên gia của Việt Nam, DeepSeek đã hoàn thành xuất sắc việc làm thay đổi cách tiếp cận của giới đầu tư và doanh nghiệp về xu hướng “bình dân hóa” công nghệ AI - hướng đến chi phí thấp và dễ tiếp cận.
Động thái của Mỹ
Ngay đến Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng phải thừa nhận DeepSeek là lời “cảnh tỉnh” cho toàn bộ ngành công nghệ Mỹ. Hàng loạt cảnh báo, kêu gọi hành động đã được đưa ra mà mới nhất là đề xuất phạt nặng người dân tải ứng dụng của Trung Quốc.
Không chỉ vậy, mới đây, Tổng thống Trump đã cắt giảm các quy định và hỗ trợ mạnh mẽ cho các tập đoàn công nghệ lớn bằng cách dành hàng trăm tỷ USD đầu tư, tin rằng những điều này sẽ bảo đảm vị thế dẫn đầu của Mỹ về AI.
Ông Trump cũng đã hủy bỏ sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Joe Biden năm 2023 về an toàn AI vì cho rằng những quy định này là rào cản không cần thiết đối với ngành. Ngoài ra, ông Trump cũng đã cùng lãnh đạo một số công ty công nghệ lớn công bố một dự án tư nhân trị giá 500 tỷ USD với tên gọi Stargate với kế hoạch xây dựng các trung tâm dữ liệu AI tại Mỹ.
Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Trump hiện chưa có một chiến lược tổng thể rõ ràng trong cuộc chạy đua về AI với Trung Quốc và hiện đang có nhiều ý kiến cho rằng Mỹ cần siết chặt thêm kiểm soát xuất khẩu chip bán dẫn vốn được áp dụng từ thời Tổng thống Biden do Deepseek đã tận dụng một số khe hở để có được các con chip nhằm phát triển mô hình của mình.
Sau khi Deepseek ra mắt, Tổng thống Trump đã thành lập Hội đồng cố vấn Tổng thống về Khoa học và Công nghệ đồng thời yêu cầu các cố vấn của ông phát triển một kế hoạch hành động về AI trong vòng 180 ngày với mục đích duy trì và củng cố sự thống trị của Mỹ trong lĩnh vực AI qua đó thúc đẩy cạnh tranh kinh tế và đảm bảo an ninh quốc gia.
Bắc Kinh sẽ kiểm soát sự trỗi dậy của công nghệ AI ra sao?
Chính phủ các quốc gia trên thế giới đều đang tìm cách kiểm soát AI khi công nghệ này ngày càng được sử dụng rộng rãi hơn, nhằm đảm bảo AI phát triển theo hướng có lợi cho con người, đồng thời hạn chế tối đa những rủi ro tiềm ẩn.
Trung Quốc rất coi trọng việc phát triển trí tuệ nhân tạo và đã đưa lĩnh vực này lên tầm chiến lược quốc gia. Từ năm 2017, Quốc vụ viện (Chính phủ) nước này đã ban hành “Kế hoạch phát triển AI thế hệ mới", trong đó nêu rõ các mục tiêu chiến lược. Cụ thể là đến năm 2025, đạt được những đột phá lớn về lý thuyết cơ bản về AI, một số công nghệ và ứng dụng sẽ đạt đến trình độ hàng đầu thế giới; đến năm 2030, toàn bộ lý thuyết, công nghệ và ứng dụng AI sẽ đạt đến trình độ hàng đầu thế giới, trở thành trung tâm đổi mới AI lớn toàn cầu. DeepSeek đã ra đời trong bối cảnh như vậy.
Một trong những lý do mà quốc gia tỉ dân áp dụng cách tiếp cận ít can thiệp hơn vào công nghệ AI và cho phép các dự án như DeepSeek và các công ty công nghệ phát triển mạnh và tự do, là bởi Chính phủ Trung Quốc lo ngại tụt hậu so với Mỹ sau sự ra mắt của chatbot ChatGPT (OpenAI) vào năm 2022.
Khi đã đưa AI vào chiến lược phát triển với tham vọng dẫn đầu thế giới vào năm 2030, đồng nghĩa với việc Trung Quốc đã có những bước đi cần thiết để kiểm soát loại công nghệ có thể thay đổi thế giới này.
Trên thực tế, từ năm 2023, tại lễ kỷ niệm 10 năm Sáng kiến Vành đai và Con đường, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề xuất Sáng kiến Quản trị AI Toàn cầu, cho thấy Bắc Kinh đang cố gắng đi đầu, thậm chí dẫn dắt tiến trình quản trị AI toàn cầu.
Cha đẻ của DeepSeek trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Trung Quốc từng cho rằng, khoảng cách thực sự giữa Trung Quốc và Mỹ là sự khác biệt giữa sáng tạo và bắt chước. Nếu điều này không thay đổi, Trung Quốc sẽ luôn là kẻ đi sau và nước này cần phải có người đi tiên phong về công nghệ.
Hơn ai hết Bắc Kinh luôn hiểu rõ rằng vị thế lớn mạnh của Trung Quốc trên trường quốc tế về AI phụ thuộc vào cách chính phủ nước này quyết định cân bằng các quy định với quyền tự do mà các công ty và nhà nghiên cứu cần có để thực hiện công việc nghiên cứu tiên tiến, cho phép họ cạnh tranh với Mỹ.
Hiện nay vẫn còn những quan điểm trái chiều về DeepSeek cũng như những tác động mà mô hình trí tuệ nhân tạo giá rẻ mang lại. Nếu như nhiều quốc gia bày tỏ lo ngại, thận trọng, thì nhiều chuyên gia châu Âu lại cho rằng, DeepSeek có thể mang đến cơ hội cho các công ty khởi nghiệp công nghệ không chỉ của châu Âu mà của các quốc gia đang phát triển khác, để theo kịp cuộc đua công nghệ, trí tuệ nhân tạo toàn cầu.
Nhiều hãng công nghệ lớn ngay lập tức đã có động thái tích hợp ứng dụng AI của DeepSeek. Ngay như Microsoft - nhà đầu tư lớn của OpenAI mới đây cũng đã tích hợp DeepSeek-R1 vào nền tảng điện toán đám mây và nền tảng lưu trữ mã nguồn.
Tất nhiên, nhiều công ty châu Âu lớn như Nokia (Phần Lan) hay SAP (Đức), vẫn đang thận trọng trong việc chuyển đổi sang mô hình AI của DeepSeek. Nhưng tất cả đều phải thừa nhận thực tế, cuối tháng 1 vừa qua, trợ lý AI miễn phí của DeepSeek đã vượt ChatGPT để trở thành ứng dụng năng suất được xếp hạng cao nhất trên AppStore.
Vì thế, dù sức ảnh hưởng và tác động của DeepSeek sẽ còn cần thời gian để thẩm định, nhưng có thể nói, “cơn bão” trí tuệ nhân tạo giá rẻ mà DeepSeek vừa trình làng đã kích hoạt những bước ngoặt lớn có thể thay đổi toàn bộ cuộc chơi - mà nếu ai không nhanh chân sẽ nhanh chóng tụt lại phía sau!