Hà Nội lấy tiền từ đâu để xây dựng thành phố thông minh?
VOV.VN-Theo Chủ tịch UBND Nguyễn Đức Chung, Hà Nội sẽ huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn để xây dựng thành phố thông minh.
Tại phiên tọa đàm “Thành phố thông minh - Góc nhìn của các lãnh đạo” của hội nghị Thành phố thông minh ASOCIO 2018-Hà Nội, Chủ tịch UBND Nguyễn Đức Chung đã chia sẻ về định hướng của Hà Nội trong việc huy động nguồn vốn thực hiện các dự án thành phố thông minh.
Phiên tọa đàm “Thành phố thông minh - Góc nhìn của các lãnh đạo” của hội nghị Thành phố thông minh ASOCIO 2018-Hà Nội ngày 18/9. |
Theo đó, trả lời câu hỏi của một đại biểu đến từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư về “Hà Nội có những giải pháp gì để huy động vốn cho các dự án thành phố thông minh?”, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, khi đưa ra chương trình cho cả lộ trình xây dựng Thủ đô trở thành Thành phố thông minh, Hà Nội cũng dành nguồn lực nhất định từ nguồn ngân sách Thành phố cho việc thực hiện.
“Tuy nhiên, chúng tôi đã xác định sẽ huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) trên địa bàn. Xu hướng chính là khi Hà Nội hình thành ra các dịch vụ công, chúng tôi sẽ định hình và phân loại dần những dịch vụ này trên tinh thần: tất cả những dịch vụ công nào mà tư nhân có thể làm được thì sẽ chuyển dần cho tư nhân làm. Nguồn lực thu được sẽ được Hà Nội huy động để tiếp tục thực hiện các công việc tiếp theo cho xây dựng Thành phố thông minh”, ông Chung chia sẻ.
Ông Nguyễn Đức Chung, CT UBND thành phố Hà Nội. |
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, “Thành phố sẽ thuê tối đa dịch vụ CNTT của các doanh nghiệp, từ trung tâm dữ liệu (Data Center) đến dịch vụ bảo mật cũng như các dịch vụ thuê đường truyền, viết phần mềm. Có thể nói, chúng tôi chuyển hướng sang huy động mọi nguồn lực, trong đó có cả nguồn lực về tài chính, chất xám vào việc xây dựng thành phố thông minh cho Hà Nội”.
Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ hình thành những thành phần cơ bản của thành phố thông minh và đến năm 2030 trở thành thành phố thông minh.
Tại Kế hoạch ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội năm 2018 vừa được ban hành đầu năm nay, UBND Thành phố đã nêu rõ một trong những mục tiêu lớn của kế hoạch này là triển khai xây dựng một số thành phần cơ bản của thành phố thông minh nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác điều hành xã hội của cơ quan quản lý nhà nước, từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân và năng lực cạnh tranh của thành phố.
Cụ thể, trong năm 2018, thành phố lên kế hoạch sẽ tập trung xây dựng, hình thành Trung tâm Điều hành thông minh của Hà Nội và triển khai một số thành phần cơ bản của các hệ thống giao thông thông minh, du lịch thông minh theo lộ trình.
Ông Pereric Hogber, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam cho rằng, ngoài vấn đề nguồn lực, con người là yếu tố quan trọng để xây dựng thành phố thông minh. Một đô thị muốn thông minh được thì con người ở đó phải là trung tâm.
Ông Pereric Hogber, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam |
Đối với vấn đề quá tải xe cá nhân trong thành phố cũng như dịch vụ công cộng khó phát huy hiệu quả ở Việt Nam, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, ông Pereric chia sẻ kinh nghiệm của Thụy Điển là đánh thuế cao những phương tiện tư nhân đi vào khu vực phố cổ, kết nối tốt những phương tiện công cộng như tàu trên cao, tàu điện ngầm, xe bus công cộng hay chia sẻ chuyến đi giữa các xe tư... đảm bảo hạn chế tối đa phương tiện tham gia giao thông./. Xây dựng Hà Nội thành đô thị thông minh
Năm 2020, Việt Nam có ít nhất 3 thành phố thông minh
Hàng loạt rào cản xây dựng thành phố thông minh tại Việt Nam