Ngày hội Kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn Hà Nội 2024: Cơ hội hợp tác phát triển

VOV.VN - "Ngày hội Kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn và Triển lãm kết nối, xúc tiến đầu tư, giao thương ngành công nghiệp bán dẫn Thành phố Hà Nội 2024" là cơ hội để các tổ chức, doanh nghiệp, các hội, hiệp hội, nhà đầu tư hoạt động trong ngành công nghiệp bán dẫn và hệ sinh thái bán dẫn, công nghệ cao tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước có thể tìm hiểu, hợp tác cùng phát triển.

Tại Đại học Bách Khoa Hà Nội đang diễn ra Ngày hội Kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn và Triển lãm kết nối, xúc tiến đầu tư, giao thương ngành công nghiệp bán dẫn Thành phố Hà Nội 2024, do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA),.. tổ chức.

Trong phiên tọa đàm sáng 30/7, các chuyên gia công nghệ thảo luận về những tiềm năng và thách thức thu hút đầu tư nước ngoài vào công nghiệp bán dẫn tại Hà Nội. 

Ngành công nghiệp bán dẫn có vai trò then chốt trong nền kinh tế số khi các sản phẩm đang được áp dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau như thiết bị di động, công nghiệp ô tô, công nghiệp sản xuất, điện tử gia dụng,… Các chuyên gia tham gia “Ngày hội Kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn” khẳng định, cũng như một số tỉnh, thành phố khác trên cả nước, Thành phố Hà Nội cũng đang có nhiều tiềm năng để phát triển công nghiệp bán dẫn: khi sở hữu lực lượng lao động trẻ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang phát triển nhanh, có nhiều trường đại học đào tạo nhân lực liên quan đến ngành bán dẫn…

Ông Lê Hoàng Phúc - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC) thuộc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh: "Việt Nam chúng ta chỉ có khâu thiết kế và khâu kiểm thử đóng gói. Về mặt thiết kế hiện nay, Việt Nam có hơn 5.500 kỹ sư kỹ sư. Đây là những kỹ sư rất chất lượng và tập trung chủ yếu 85% ở Thành phố Hồ Chí Minh, 8% ở Hà Nội và 7% Đà Nẵng. Tổng quan như vậy cho thấy chúng ta có thế mạnh về thiết kế chip và nước ta cũng là một nước có thế mạnh về công nghệ thông tin. Người Việt Nam chúng ta có thế mạnh trong khéo léo, tỉ mỉ và óc quan sát và sự sáng tạo trong lĩnh vực chip rất phù hợp".

Luật Thủ đô số 39/2024/QH15 ngày 28/6/2024 (sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025) đã nêu chi tiết về danh mục ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược của Thủ đô Hà Nội. Trong đó có Công nghiệp chế tạo, sản xuất mạch tích hợp bán dẫn, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip bán dẫn, pin công nghệ mới, vật liệu mới, năng lượng mới... Do đó, để có thể thực hiện các khâu như thiết kế, kiểm thử chip bán dẫn, các doanh nghiệp công nghệ liên quan đến lĩnh vực bán dẫn ở Hà Nội cần tận dụng và khai thác các cơ hội, để có thể tham gia vào bất cứ khâu nào trong chuỗi sản xuất bán dẫn. 

Ông Lâm Quang Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), Thành viên Ủy ban Công nghiệp Bán dẫn Việt Nam cho rằng: "Chúng ta thấy cơ hội của Việt Nam sẽ ở phần design (thiết kế) và testing (kiểm thử). Với các công ty lớn hơn trong ngành như FPT thì sẽ dần dần tiến tới testing. Còn tầng dưới cùng là những người thiết kế ra các sản phẩm: từ con chip, hoặc cấu kiện của các thiết bị khác. Nếu chúng tôi là công ty Việt Nam không lớn (như FPT, như CMC, như VNPT..) thì chúng tôi sẽ làm gì để tham gia vào chuỗi giá trị này? Ở đây chúng ta thấy công ty làm về IP core là những công ty làm về mạch rất đơn giản, những cấu kiện rất đơn giản. Họ thiết kế chúng, có thể trên bản vẽ chứ không phải là một mạch thực tế, rồi họ đem bán cái IP đấy".

Để có thể trở thành Trung tâm dẫn dắt nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, điều quan trọng nhất là Thành phố Hà Nội cần xây dựng được cơ chế thu hút được nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu, phát triển, sản xuất chip bán dẫn. Đặc biệt, Thành phố Hà Nội đang cần hợp tác với đơn vị trong nước và nước ngoài, để dành nguồn lực hợp lý cho ngành bán dẫn; cũng như tận dụng được các tiềm năng, lợi thế riêng có, để trở thành Trung tâm bán dẫn lớn của Việt Nam và khu vực.

Ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội nhấn mạnh: "Trong quy hoạch Thủ đô, chúng tôi có đề cập quy hoạch để hỗ trợ phát triển công nghiệp bán dẫn, công nghiệp công nghệ số nói chung và công nghiệp chip ở thủ đô Hà Nội. Ví dụ như Khu công nghệ cao Hòa Lạc sẽ định vị ra một thành phố ở phía Tây Hà Nội. Về mặt địa lý, về mặt giao thông, về con người thì Thủ đô Hà Nội là hoàn toàn có thể đảm đương được là 1 trung tâm sản xuất chip ở Việt Nam".

Ngày hội Kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn và Triển lãm kết nối, xúc tiến đầu tư, giao thương ngành công nghiệp bán dẫn Thành phố Hà Nội 2024 diễn ra từ ngày 29 đến hết ngày 31/7 tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Đây là cơ hội để các tổ chức, doanh nghiệp, các hội, hiệp hội, nhà đầu tư hoạt động trong ngành công nghiệp bán dẫn và hệ sinh thái bán dẫn, công nghệ cao tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước có thể tìm hiểu, hợp tác cùng phát triển.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bộ trưởng GD-ĐT: "Không thể tay không bắt chip trong công nghệ bán dẫn"
Bộ trưởng GD-ĐT: "Không thể tay không bắt chip trong công nghệ bán dẫn"

VOV.VN - Phát biểu giải trình, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã đề cập việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho công nghiệp bán dẫn, khẳng định đây là ngành mang trọng trách, sứ mệnh để phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đổi mới đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. 

Bộ trưởng GD-ĐT: "Không thể tay không bắt chip trong công nghệ bán dẫn"

Bộ trưởng GD-ĐT: "Không thể tay không bắt chip trong công nghệ bán dẫn"

VOV.VN - Phát biểu giải trình, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã đề cập việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho công nghiệp bán dẫn, khẳng định đây là ngành mang trọng trách, sứ mệnh để phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đổi mới đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.