“Nghiện” internet và các thiết bị thông minh đang gây hệ lụy cho lớp trẻ Nhật Bản
VOV.VN - Theo một số báo cáo điều tra vừa được các đại học và Hiệp hội các nhà khoa học Nhật Bản công bố, tình hình học sinh các cấp của nước này bị lệ thuộc vào Internet và thiết bị thông minh ngày càng xấu đi, đòi hỏi những biện pháp đối phó càng sớm càng tốt.
Điều tra về tình hình học sinh các cấp của Nhật Bản bị lệ thuộc vào Internet do một nhóm các nhà nghiên cứu tâm lý học giáo dục của Đại học Hyogo tiến hành với 178.000 học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông thuộc 11 địa phương của Nhật Bản, theo phương pháp điều tra sàng lọc (screening test) với 8 câu hỏi chính liên quan đến các vấn đề như: mặc dù muốn bỏ Internet nhưng không thành công, hoặc muốn giảm thời gian truy cập nhưng không được...
Kết quả cho thấy ở nhóm học sinh trung học phổ thông, tỷ lệ bị nghi ngờ lệ thuộc hoàn toàn vào Internet lên tới 26,9%, trong khi ở nhóm trung học cơ sở và tiểu học lần lượt là 24,1% và 16,2%. Đây là tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay, vượt xa tỷ lệ trung bình 14,2% của lần điều tra năm 2017.
Theo các chuyên gia, việc “nghiện Internet” đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần của lớp trẻ, kéo theo hàng loạt các trào lưu xấu như “nếu ai không biết thì tra Google”... lan rộng ra toàn xã hội, tạo nguy cơ rất cao cho văn hóa đọc. Đặc biệt, đây còn được coi là tác nhân gây sự mất cân bằng tâm lý nghiêm trọng của lớp trẻ.
“Vấn đề nghiêm trọng hơn cả là trào lưu mê cuồng một thần tượng nào đó rồi truyền bá sự mê cuồng cho các bạn khác. Điều này khiến ngày càng nhiều học sinh bị cuốn vào một cách vô thức mà không cần quen biết nhau. Đây là thời điểm của nhiều bệnh tâm lý đang lan rộng trong xã hội”, Giáo sư Takeuchi Masao thuộc đại học Hyogo nêu ý kiến.
Trong một thông tin có liên quan, theo một điều tra khác do Hiệp hội bác sỹ nhãn khoa Nhật Bản mới tiến hành, tỷ lệ những người bị các bệnh về mắt do sử dụng các thiết bị thông minh quá độ cũng tăng cao chưa từng có, lên tới trên 2,15% dân số. Trong đó, phổ biến nhất là bệnh lác, nhược thị và một số tật về khúc xạ khác. Các nhà khoa học đang kiến nghị chính phủ cần có những biện pháp khẩn cấp để đối phó với các tình trạng nêu trên.