Nữ tiến sĩ bỏ quốc gia tiên tiến về Việt Nam phát triển AI

VOV.VN - Ở nước ngoài mình có thể giúp các bạn trẻ theo cách hằng năm có thể nhận vài ba sinh viên Việt Nam sang làm việc với mình nhưng con số đó rất nhỏ. Còn dạy ở Việt Nam mình có thể giúp cho nhiều em hơn - TS Nguyễn Phi Lê chia sẻ lý do trở về nước.

Từ chối cơ hội trở thành giảng viên chính thức của một trường ĐH lớn ở Osaka (Nhật Bản), TS. Nguyễn Phi Lê trở về Việt Nam, thực hiện khát vọng sử dụng trí tuệ nhân tạo để giải quyết những bài toán cấp thiết trong nước. Hiện cô là giảng viên tại trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về Trí tuệ nhân tạo Đại học Bách Khoa Hà Nội BK.AI.

Từ chối cơ hội tốt ở lại Nhật Bản

Năm 2000, Nguyễn Phi Lê trở thành sinh viên năm thứ nhất lớp kỹ sư tài năng trường ĐH Bách Khoa Hà Nội. Khi đó, internet mới bắt đầu vào Việt Nam và Công nghệ thông tin gần như là ngành học mới “toanh” tại trường ĐH Bách Khoa Hà Nội.

Sau 1 năm học, nữ sinh Thanh Hóa là một trong 50 sinh viên cả nước tham gia thi lấy học bổng của Chính phủ Nhật Bản nhờ điểm tổng kết học kỳ 1 lọt tốp 8 sinh viên xuất sắc nhất trường ĐH Bách Khoa Hà Nội. Vượt qua các vòng tuyển chọn khắt khe của Đại sứ quán Nhật Bản, cô trở thành một trong số rất ít sinh viên Việt Nam giành học bổng.

Tại ĐH Tokyo, cô là 5/200 sinh viên có thành tích học tập tốt nhất của Khoa Điện – Điện tử và Công nghệ thông nên đã được tuyển thẳng vào hệ thạc sỹ.

Trước khi tốt nghiệp, bạn bè Nguyễn Phi Lê tại ĐH Tokyo nếu không có ý định về nước đã sớm nộp đơn phỏng vấn vào các công ty, tập đoàn lớn tại xứ sở mặt trời mọc. 2 vợ chồng cô đều là cựu sinh viên Bách Khoa nhận học bổng du học Nhật Bản quyết định trở về.

“Môi trường làm việc ở nước ngoài chuyên nghiệp hơn nhưng ở đâu mình cũng có thể làm tốt nếu cố gắng. Mình hướng nội, muốn gần gia đình, chồng mình cũng thích về Việt Nam, đàn ông có chút ý chí muốn khởi nghiệp, về Việt Nam sẽ dễ dàng thực hiện ước mơ nên chúng mình quyết định trở về”, Phi Lê chia sẻ.

Trở về nước sau gần 10 năm học tập tại Nhật Bản, cô đầu quân cho Tập đoàn Viettel trước khi trở thành giảng viên Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội.

Năm 2016, Nguyễn Phi Lê tiếp tục học lên tiến sĩ ở Nhật Bản và liên tiếp gặt hái nhiều danh hiệu như sinh viên xuất sắc nhất viện Tin học Nhật Bản năm học 2018; Giải thưởng tại cuộc thi sáng tạo ý tưởng cho mạng SINET Nhật Bản năm 2018; Bài báo xuất sắc nhất tại hội nghị ISSINP 2015; Bài báo xuất sắc nhất tại hội nghị SoICT 2015; Bài báo sinh viên xuất sắc nhất tại hội nghị ICT-DM 2018.

Năm 2019, trước khi bảo vệ luận án Tiến sĩ, giáo sư của Lê muốn giới thiệu cô cho vị trí là giảng viên của một trường ĐH lớn ở Osaka. Vị trí này chắc chắn sẽ được biên chế vào trường. Ở nước ngoài, phải có một vị trí trống thì mới vào được biên chế chính thức, nếu không chỉ có thể làm trợ giảng. Suy nghĩ một lát Lê “lắc đầu”từ chối một cơ hội “hiếm có khó tìm”.

Tham vọng ứng dụng trí tuệ nhân tạo giải quyết các bài toán của cuộc sống

Trở về Việt Nam, TS. Nguyễn Phi Lê nhanh chóng bắt tay vào các dự án có ảnh hưởng lớn tới cộng đồng.

Năm 2021, cô và các cộng sự nhận được tài trợ của quỹ VinIF của tập đoàn VinGroup để làm dự án Hệ quan trắc môi trường thông minh cho Việt Nam - chế tạo thiết bị quan trắc môi trường đặt trên các phương tiện giao thông để thu thập thông tin về chất lượng không khí và sử dụng trí tuệ nhân tạo xử lý dữ liệu.

Hiện, dự án đi được 2/3 chặng đường, đảm bảo đúng tiến độ cam kết với quỹ, chế tạo xong 30 thiết bị đo chất lượng không khí, xây dựng xong hệ thống trang web để hiện thị số liệu đo. Người dùng có thể truy cập vào trang web để cập nhật chất lượng không khí. Nhóm cũng đã làm xong trang để cung cấp API cho bên thứ 3 có dữ liệu và nếu không có nhiều kiến thức công nghệ thông tin cũng có thể sử dụng hệ thống API để xử lý dữ liệu.

Khi trở về Việt Nam, TS. Nguyễn Phi Lê nhận thấy ô nhiễm không khí, nguồn nước, thực phẩm là vấn đề đáng quan ngại. “Ở Nhật Bản không khí lúc nào cũng trong veo, bầu trời lúc nào cũng cao xanh vời vợi còn ở mình hiếm ngày chúng ta nhìn thấy bầu trơi màu xanh, lúc nào cũng mây mờ che phù. Mình muốn làm gì đó để giúp ích cho môi trường sống. Cải thiện được môi trường là công việc của các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia về môi trường còn mình làm về công nghệ có thể tạo ra công cụ theo dõi chất lượng không khí, sự ô nhiễm môi trường, đưa ra cảnh báo để mọi người có ý thức bảo vệ môi trường”, TS Lê chia sẻ.

Đầu năm 2022, nữ tiến sĩ tiếp tục nhận được tài trợ của quỹ VinIF để làm dự án Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chăm sóc sức khỏe cho người Việt. Đây là một dự án dài hơi, sẽ là một ứng dụng lâu dài của người Việt.

Với dự án này, TS. Lê và các cộng sự tạo ra một ứng dụng trên smartphone giúp người dùng có thể thu thập dữ liệu liên quan sức khỏe của mình. Ví dụ, khi đi khám bệnh, bạn có thể dùng ứng dụng để chụp ảnh kết quả thăm khám. Ứng dụng này sẽ sử dụng trí tuệ nhân tạo để tự động đọc các thông tin và lưu vào hồ sơ sức khỏe.

Ứng dụng cũng cho phép người dùng kiểm tra viên thuốc khi chụp viên thuốc bằng ứng dụng để biết được thuốc đó là gì? Có đúng thuốc bác sĩ cho hay không?

Khi đo các chỉ số đường huyết, mỡ máu hoặc chỉ số cân nặng chỉ cần dùng ảnh chụp màn hình, ứng dụng sẽ bóc tách thông tin lưu vào hồ sơ sức khỏe để phân tích ra tình trạng sức khỏe. Từ các chỉ số đo, theo dõi qua thời gian, ứng dụng sẽ dự đoán được nguy cơ bệnh tật để đưa ra cảnh báo sớm cho người dùng.

“Hơn cả một dự án, mình muốn đưa trí tuệ nhân tạo ứng dụng trong cuộc sống hằng ngày, thành tựu của trí tuệ nhân tạo được hiện diện trên thực tế. Ngày nay, người ta nói nhiều đến trí tuệ nhân tạo nhưng ứng dựng trí tuệ nhân tạo của người Việt làm để giải quyết những vấn đề của Việt Nam đang rất là ít. Mình muốn đưa ứng dụng trí tuệ nhân tạo để giải quyết bài toán ở Việt Nam chứ không phải những bài toán nghiên cứu đơn thuần trên giấy”, TS. Nguyễn Phi Lê chia sẻ.

Làm khoa học ở Việt Nam cần sự dũng cảm

Từ chối cơ hội làm khoa học ở quốc gia phát triển, TS. Nguyễn Phi Lê chia sẻ chưa bao giờ hối hận với quyết định này. Tuy nhiên đôi lúc cũng có chút chạnh lòng và mệt mỏi.

“Nghiên cứu thì không thể làm một mình, cần có đồng nghiệp, sinh viên làm cùng mà môi trường ở Việt Nam đồng nghiệp làm nghiên cứu ít, sinh viên có đam mê nghiên cứu cũng ít. Mình phải truyền đam mê cho sinh viên, nhiều lúc mệt mỏi nhưng không được thể hiện ra vì mình mà cũng như vậy thì không thể lôi kéo ai được. Nhìn bạn bè đồng nghiệp ở nước ngoài cũng đang nghiên cứu như mình, họ thuận lợi hơn nhiều, họ cũng vất vả nhưng ở khía cạnh khác, người ta làm việc trong môi trường mà xung quanh toàn người cùng chí hướng, còn mình thì nhiều lúc cảm thấy cô độc”.

Nhìn vào lĩnh vực công nghệ thông tin, TS. Nguyễn Phi Lê nhận xét có sự khác biệt lớn giữa đại học ở Việt Nam và Nhật Bản. Ở Nhật, giảng viên giảng dạy rất ít, nghiên cứu là chính.

“Chẳng hạn, giáo sư của mình mỗi năm chỉ dạy 1 lớp và có trợ lý, công việc chân tay giấy tờ sẽ không phải làm, chỉ tập trung làm nghiên cứu, hướng dẫn sinh viên và đi dạy còn ở Việt Nam giảng viên phải làm hết giấy tờ hành chính và đi dạy nhiều, không có nhiều thời gian để nghiên cứu.

Các giáo sư nước ngoài có nhiều sinh viên sau ĐH để làm việc, nghiên cứu cùng. Trong khi đó, ở Việt Nam, tỷ lệ sinh viên học sau ĐH và làm nghiên cứu rất ít. Tốt nghiệp ĐH, các bạn chủ yếu đi làm nên tìm người nghiên cứu cùng mình rất khó. Làm nghiên cứu ở Việt Nam rất vất vả, phải thực sự đam mê với làm được, TS. Nguyễn Phi Lê thẳng thắn.

Khi được hỏi “Chị có nghĩ rằng mình dũng cảm khi trở về nước?”, TS Nguyễn Phi Lê phân vân “ở nước ngoài vất vả ở cường độ làm việc và sự cạnh tranh khốc liệt. Còn ở trong nước, môi trường ít cạnh tranh hơn, cường độ làm việc thấp hơn nhưng lại có sự tự do, thoải mái nhất định nên mình không rõ người về hay người ở lại mới là dũng cảm nữa”.

Theo TS. Nguyễn Phi Lê, trường ĐH Việt Nam hiện đang có nhiều chính sách để khuyến khích giảng viên trẻ về làm việc hơn. So với cách đây 10 năm, chế độ đãi ngộ bây giờ khác “một trời một vực”.

“Cách đây 10 năm về trường, lương mình cứ để trong tài khoản chẳng bao giờ để ý vì ít lắm, cuối năm mới rút ra  xem được bao nhiêu. Lương giảng viên thời đó chỉ bằng 1/2, 1/3 lương sinh viên mới ra trường được các công ty đãi ngộ. Bây giờ sau khi trường chuyển sang cơ chế tự chủ, lương cán bộ tốt hơn nhiều, giảng viên về trường có thể sống bằng lương của mình, cán bộ có năng lực nghiên cứu có thể làm thêm đề tài có thể tăng thu nhập.

Về nước tôi giúp được nhiều người hơn

Trở về nước năm 2019, TS. Nguyễn Phi Lê là người đặt những viên gạch đầu tiên cho phòng lab của mình, từ con số 0, giờ đây nhóm nghiên cứu luôn có 30 người. Trước đây, rất nhiều sinh viên không có ý định học tiếp sau ĐH mà đi làm luôn sau khi tốt nghiệp nhưng quá trình làm việc với cô Lê, được truyền lửa đam mê nghiên cứu khoa học, nhiều em quyết định học tiếp sau ĐH và định hướng du học.

“Nhiều bạn tốt nghiệp ĐH có thể ra ngoài đi làm với mức lương cao nhưng vẫn ở lại nghiên cứu mình thấy rất vui, cảm thấy tâm huyết của mình đã được nhận lại”.

TS. Nguyễn Phi Lê cho rằng trở về nước, cô có thể giúp được nhiều bạn trẻ Việt Nam hơn. “Ở nước ngoài mình cũng có thể giúp ích các bạn theo cách hằng năm có thể nhận vài ba sinh viên Việt Nam sang làm việc với mình nhưng con số đó rất nhỏ. Nhưng, dạy ở Việt Nam mình có thể giúp cho nhiều em, nhất là truyền đam mê cho các, mình rất hạnh phúc vì điều đó”.

Khi tham gia vào nhóm nghiên cứu của TS. Nguyễn Phi Lê, sinh viên không chỉ được làm việc với các giảng viên trong nước mà còn được tiếp xúc với các chuyên gia nước ngoài.

Chẳng hạn dự án quan trắc không khí có sự góp mặt của 2 cộng sự và 1 giáo sư ở ĐH Chiba (Nhật Bản) và 1 nghiên cứu viên của tập đoàn Toshiba. Còn ở dự án chăm sóc sức khỏe thông minh hợp tác với ĐH VinUni cũng có sự tham gia của 3 giáo sư ở Mỹ. Họ đều là những chuyên gia xuất sắc trong ngành.

Theo TS. Lê, đây là cơ hội quý báu cho sinh viên khi tham gia vào nhóm nghiên cứu vì không phải ngẫu nhiên các em được nói chuyện thường xuyên, được lắng nghe chỉ bảo từ các giáo sư đầu ngành. Cô cho rằng, tham gia vào nhóm nghiên cứu, sinh viên có môi trường nghiên cứu, học tập không thua kém gì sinh viên học ĐH ở nước ngoài. “Khoảng cách môi trường mình làm hiện nay với ở Nhật trước kia gần như không có”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Trí tuệ nhân tạo giúp chống lại vi khuẩn chống thuốc kháng sinh
Trí tuệ nhân tạo giúp chống lại vi khuẩn chống thuốc kháng sinh

Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong y học đã tạo ra nhiều đột phá đối với lĩnh vực này, nhờ khả năng phân tích khối lượng lớn dữ liệu một cách nhanh chóng, từ đó đưa ra các kết quả đánh giá cao.

Trí tuệ nhân tạo giúp chống lại vi khuẩn chống thuốc kháng sinh

Trí tuệ nhân tạo giúp chống lại vi khuẩn chống thuốc kháng sinh

Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong y học đã tạo ra nhiều đột phá đối với lĩnh vực này, nhờ khả năng phân tích khối lượng lớn dữ liệu một cách nhanh chóng, từ đó đưa ra các kết quả đánh giá cao.

Nhật Bản nới lỏng quy định về phần mềm trí tuệ nhân tạo y tế
Nhật Bản nới lỏng quy định về phần mềm trí tuệ nhân tạo y tế

Chính phủ Nhật Bản sẽ cho phép cập nhật phần mềm AI (trí tuệ nhân tạo) mà không cần phê duyệt theo quy định, đồng thời rút ​​ngắn quy trình xem xét hồ sơ.

Nhật Bản nới lỏng quy định về phần mềm trí tuệ nhân tạo y tế

Nhật Bản nới lỏng quy định về phần mềm trí tuệ nhân tạo y tế

Chính phủ Nhật Bản sẽ cho phép cập nhật phần mềm AI (trí tuệ nhân tạo) mà không cần phê duyệt theo quy định, đồng thời rút ​​ngắn quy trình xem xét hồ sơ.

Google sẽ tập trung vào tìm kiếm và trí tuệ nhân tạo
Google sẽ tập trung vào tìm kiếm và trí tuệ nhân tạo

VOV.VN - Trong khi những gã khổng lồ công nghệ toàn cầu hiện coi metaverse là yếu tố tiếp theo để tăng trưởng thì CEO Sundar Pichai của Google lại xem tương lai của họ là tìm kiếm trên Internet.

Google sẽ tập trung vào tìm kiếm và trí tuệ nhân tạo

Google sẽ tập trung vào tìm kiếm và trí tuệ nhân tạo

VOV.VN - Trong khi những gã khổng lồ công nghệ toàn cầu hiện coi metaverse là yếu tố tiếp theo để tăng trưởng thì CEO Sundar Pichai của Google lại xem tương lai của họ là tìm kiếm trên Internet.