Sinh viên kiếm tiền triệu mỗi ngày nhờ 'điều hòa' tự chế
Vốn đầu tư ít, tiêu thụ nhanh, đợt cao điểm, mỗi ngày sinh viên Nguyễn Việt Anh có thể bán được 30-40 chiếc điều hòa tự chế, với lợi nhuận 2-3 triệu đồng.
>> Sử dụng điều hoà như thế nào cho đúng cách?
Nguyễn Việt Anh (sinh năm 1995) quê Hà Tĩnh đang là sinh viên năm hai Đại học Giao thông Vận tải (Hà Nội). Năm ngoái, lần đầu tiên phải thuê trọ, trải qua những đợt nắng nóng đỉnh điểm của Hà Nội, chàng trai trẻ miền Trung nảy ý tưởng làm một chiếc "điều hòa" để chống nóng.
Theo tác giả, cơ chế hoạt động của sản phẩm này rất đơn giản, khi dùng quạt thổi gió qua một thùng xốp chứa đá, mang theo hơi lạnh để làm mát không khí xung quanh. Nguyên lý này tương tự những chiếc quạt thổi đá vẫn bán trên thị trường, song vì sử dụng vật liệu rẻ và cách làm "sinh viên" nên giá thành có thể rẻ đi rất nhiều.
Tự tìm nguyên vật liệu, mày mò làm, khi hoàn thiện và sử dụng rất hiệu quả Việt Anh thử rao bán trên các diễn đàn online. Song không nhận được sự quan tâm của nhiều người.
Nguyễn Việt Anh (giữa) và cộng sự. |
Tháng 5 vừa qua, khi Hà Nội có đợt nắng nóng kéo dài, trên các trang mạng rộ trào lưu tự làm "điều hòa" chống nóng, nhận thấy cơ hội kiếm tiền đã đến, Việt Anh bỏ ra khoảng 2 triệu đồng để mua thùng xốp, quạt gió, ống nhựa, dây điện, đá lạnh và tái khởi động sản xuất.
Chỉ trong buổi chiều, vừa thiết kế, lắp đặt Việt Anh đã hoàn thiện được 3 chiếc. Ngoài việc cải tiến công suất quạt gió từ sản phẩm đầu tiên, và rút kinh nghiệm anh không quảng bá rộng sản phẩm mà chỉ quảng cáo sản phẩm quy mô nhỏ tại fanpage nội bộ của khu trọ. "Không ngờ "điều hòa" tự chế đã gây tò mò và nhận được phản hồi của nhiều người. Ngay chiều hôm đó mình cũng bán hết cả 3 chiếc", anh cho hay.
Tuy nhiên, trong khi khách hàng rất hào hứng với sản phẩm làm mát vừa rẻ tiền (giá 240.000-450.000 đồng tùy công suất), chống nóng hiệu quả thì bản thân tác giả khi sử dụng nhận thấy điểm hạn chế của sản phẩm là quạt công suất lớn, tuy mát hơn nhưng lại rất tốn đá. "Đối tượng khách hàng mà mình hướng đến phần lớn là sinh viên và người lao động thu nhập thấp. Rõ ràng đây là điều bất cập", anh nói.
Sau khi tìm hiểu các nguyên liệu hỗ trợ làm mát, Việt Anh phát hiện ra sản phẩm túi gel có khả năng giữ lạnh tốt. Anh mua thử về thay thế đá lạnh và khắc phục được nhược điểm của "điều hòa" đời đầu.
Anh cho biết ưu điểm của gel giữ lạnh là tan lâu gấp 6 lần đá (khoảng 2 giờ nếu so với thời gian 20 phút của một cục đá lạnh, ở nhiệt độ 37 độ C). Việt Anh quyết định chi tiền nhập một lô lớn túi gel, dùng làm sản phẩm tặng kèm.
Do công nghệ đơn giản, nguyên vật liệu dễ tìm, ra thị trường không lâu, "điều hòa" của Việt Anh phải cạnh tranh với một số sản phẩm tương tự. "Không ít cơ sở ngay cạnh xưởng bắt chước y nguyên sản phẩm, rao bán trên mạng với giá thấp hơn vài chục nghìn đồng", anh chia sẻ.
Với giá bán 240.000-450.000 đồng, mỗi ngày chàng sinh viên trẻ tiêu thụ khoảng 40 chiếc. |
Dù vậy, với lợi thế là túi gel giữ lạnh và chính sách bán hàng ưu đãi, bảo hành, chàng sinh viên cho biết sức tiêu thụ sản phẩm vẫn khá tốt. Song song với việc hoàn thiện sản phẩm, tận dụng các kênh bán hàng trực tuyến anh nhanh chóng quảng bá sản phẩm rộng rãi đến người tiêu dùng, với sự hỗ trợ của ba người bạn. Nhờ đó, chỉ sau 2 tháng, đến nay, Việt Anh và cộng sự đã cung cấp ra thị trường trên 200 chiếc .
Trung bình mỗi ngày cơ sở của anh tiêu thụ 30-40 chiếc, lợi nhuận đạt 2-3 triệu đồng. Ngoài xoay vòng vốn nhanh, có thêm tiền trang trải việc học tập cho bản thân và cộng sự, phần khác anh cũng dành ra được khoản tiền đáng kể để tái đầu tư và marketing rộng rãi trên thị trường. "Do là mặt hàng thời vụ, nên thời điểm này mình đang tập trung marketing trên quy mô rộng", anh nói.
Theo ông Nguyễn Ngọc Quý - Giảng viên Bộ môn Kỹ thuật Nhiệt (Đại học Công nghiệp Hà Nội), ý tưởng làm mát đơn giản từ nước đá không phải là mới. Vị này cho biết do sử dụng quạt thông gió nhỏ, lượng gió thổi không lớn, nên "điều hòa" tự chế chỉ có thể làm mát được một phần, không thể lan tỏa ra không gian rộng. Trên thực tế, mấy năm nay, quạt hơi nước của một số hãng sản xuất lớn cũng đang sử dụng cơ chế hoạt động tương tự.
Điều chuyên gia điện lạnh băn khoăn nhất chính là việc sử dụng gel làm mát. Đây là một trong những hóa chất có thông số nhiệt động cao hơn so với đá lạnh. Hiện, một số dòng tủ lạnh cao cấp sử dụng để phòng trường hợp mất điện thời gian ngắn. Vì thế, loại gel này khá đắt tiền.
"Tuy nhiên, muốn gel này làm mát thì phải cần để trong tủ lạnh trong vài tiếng.Với điều kiện sinh viên như hiện nay thì không phải ai cũng có sẵn tủ lạnh", chuyên gia bày tỏ. Dù vậy, ông vẫn đánh giá cao nhóm bạn trẻ ở tinh thần đam mê khoa học, dám mày mò để triển khai thương mại.
Chuyên gia marketing online Lê Nam thì cho rằng nhóm bạn đã khá thành công khi nắm bắt kịp thời nhu cầu làm mát của thị trường. Do đó, sản phẩm nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng, nhất là những người dân lao động thu nhập thấp.
Tuy nhiên, do có phần tự phát nên sản phẩm dễ dàng bị sao chép và cạnh tranh. Cho nên ngoài việc nghiên cứu cải tiến, theo ông Nam, nhóm tác giả nên đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ, thiết kế lại mẫu mã hiện đại hơn. Đặc biệt cần ghi nhận mọi ý kiến phản hồi của khách hàng để hoàn thiện sản phẩm.
Không cho rằng đây mặt hàng thời vụ, theo chuyên gia, trong tương lai nếu được phát triển hơn thì đây vẫn là sản phẩm đắt khách bởi đã định vị được đối tượng khách hàng riêng biệt.
Về quảng bá sản phẩm online, vị này cho rằng bán hàng trực tuyến lúc này vẫn kênh lan tỏa hiệu quả nhất. "Nếu sản phẩm không tốt thì quảng cáo online khá tốn kém. Tuy nhiên, do thiết bị làm mát có tính độc đáo lại đúng thời điểm nên Việt Anh đã có sự thành công bước đầu khi đưa sản phẩm tới người tiêu dùng mục tiêu", ông Nam nói./.