Thiết bị đầu tiên trên thế giới di chuyển theo tác động của ánh sáng
VOV.VN - Các nhà khoa học của Mỹ và Hà Lan vừa phát triển thành công thiết bị đầu tiên trên thế giới có thể chuyển động dưới tác động của ánh sáng.
Thiết bị này có hình dạng giống chiếc kẹp giấy với hai bộ phận: 1 khung hình chữ nhật và một miếng nhựa polymer đặc biệt, được tạo ra từ loại nhựa Polimer tinh thể lỏng thường sử dụng trong màn hình LCD cùng một số hợp chất khác.
Khi tiếp xúc với ánh sáng, các mặt của miếng nhựa có thể co vào, giãn ra làm thiết bị chuyển động. Khi ánh sáng biến mất, chuyển động cũng không còn nữa.
Thiết bị mới được nghiên cứu có nhiều ứng dụng trong thực tiễn. (Ảnh minh họa: KT) |
Thiết bị có thể di chuyển với tốc độ nửa cm/giây, tương tự như tốc độ của 1 con sâu bướm. Nhà khoa học Dirk Jan Mulder, thuộc Đại học Công nghệ Eindhoven (Hà Lan), đồng tác giả nghiên cứu cho biết, thiết bị có nhiều ứng dụng trong thực tiễn.
“Đối với các tấm pin mặt trời đặt tại sa mạc, khi có bão cát chúng sẽ bị rơi xuống và bị bám bẩn nên cần ai đó đến để lau chùi sạch sẽ. Tuy nhiên nếu chúng ta gắn thiết bị này vào, các tấm pin có thể tự rung lắc để loại bỏ cát trên bề mặt, thậm chí thoát khỏi trận bão cát”, ông Dirk Jan Mulder cho biết.
Bên cạnh đó, thiết bị mới cũng có thể được sử dụng để chế tạo các loại rô bốt nhỏ di chuyển được trong không gian chật hẹp, dưới tác động của ánh sáng, hoặc chuyển các đồ vật đến những nơi khó tiếp cận./.
Thiết bị giúp ghi âm cuộc gọi trên iPhone